Cần Thơ: Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp phát triển
Sáng 13/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức Tọa đàm 'Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ'.
Tọa đàm nhằm để chính quyền lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn góp phần đóng góp cho sự phát triển chung thành phố Cần Thơ.
Những kiến nghị từ doanh nghiệp…
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ cho biết, để chuẩn bị nội dung Tọa đàm đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thăm và làm việc với doanh nghiệp.
Qua đó, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị doanh nghiệp là: Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động phổ thông và nhân lực chất lượng cao tại địa phương mà phải tuyển dụng từ nơi khác. Về thủ tục hành chính hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn là thủ tục xin cấp C/O hiện nay rất tốt, nhưng vẫn còn mất thời gian vừa khai báo trên hệ thống C/O điện tử vừa phải nộp hồ sơ giấy tại Bộ phận cấp C/O, doanh nghiệp mất thời gian khai báo điện tử và thời gian đi lại nộp hồ sơ giấy. Đề nghị, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương cho khai báo C/O hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu các Sở ngành thành phố, nhưng mỗi đơn vị lại có biểu mẫu khác nhau làm cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian cho việc điền thông tin. Thủ tục cấp giấy phép lao động cho cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp kéo dài thời gian hơn trước kia vì phải đăng ký lại từ đầu và phải có xác nhận của đơn vị quản lý nhà nước chỗ cũ mới được chỗ mới cấp phép.
Hiện nay hệ thống đèn chiếu sáng trong Khu công nghiệp Trà Nóc không đủ sáng vào ban đêm, người lao động đi làm ca đêm không đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực này. Tại ngã tư trục đường số 9 và số 6 Khu công nghiệp Trà Nóc 2, hiện nay lượng xe container ra vào các nhà máy khu vực này nhiều, trục đường số 9 nối với khu dân cư nên lưu lượng xe ra vào nhiều, nhưng tại đây không có gắn biển báo hoặc gờ giảm tốc để cảnh báo phương tiện giao thông qua lại tại ngã tư này.
Theo chu kỳ thuê đất mới, giá thuê đất khu công nghiệp đang thiết lập ở mặt bằng mới, như vậy, sau 5 năm, giá thuê đất tăng từ 15%, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư.
Công ty TNHH Quốc tế Tri - Viet đề nghị nên áp dụng trên hệ thống điện tử toàn bộ cho doanh nghiệp thuận tiện thực hiện thủ tục xin cấp C/O. Đồng thời, đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ và các sở, ban ngành xem xét lại chu kỳ thuê đất mới, giá thuê đất khu công nghiệp đang thiết lập ở mặt bằng mới, sau 5 năm, giá thuê đất tăng từ 15%. ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư. Hiện nay, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp tính trên tăng lũy kế chứ không dựa trên giá ban đầu theo hợp đồng.
Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long mong muốn mở rộng nhà máy nhưng hiện nay chưa có đất để thuê xây dựng nhà máy. Ông Lê Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long cho biết, hiện nay Công ty có nhu cầu mở rộng thêm nhà máy sản xuất để đáp ứng thị trường tiêu thụ. Do đó, Công ty đề xuất chính quyền thành phố Cần Thơ và các sở, ban ngành hỗ trợ vị trí thuê đất tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1 hoặc Trà Nóc 2 để xây dựng nhà máy sản xuất. Đề nghị UBND thành phố Cần Thơ và các sở, ban ngành hỗ trợ…
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ thông tin cho biết: Năm 2024, thành phố Cần Thơ đạt 14/17 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước tăng 7,12%, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết năm đề ra (7,5 - 8%); sự phục hồi ở các ngành, các lĩnh vực chưa đồng đều, tình hình sản kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, xuất khẩu còn gặp khó khăn; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao; thị trường bất động sản tăng chậm, các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án đầu tư chưa giải quyết dứt điểm; hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường, điều kiện thời tiết. Công tác xúc tiến kêu gọi, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đạt thấp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với cùng kỳ.
Trong tháng 11 năm 2024, UBND thành phố Cần Thơ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 01 dự án, diện tích sử đụng đất 8,89 ha, với vốn đăng ký đầu tư 5.400 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 01 dự án (điều chỉnh tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, thành phố có 08 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 7.388,19 tỷ đồng (06 dự án được UBND thành phố Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, 02 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); điều chỉnh chủ trương đầu tư 07 dự án (01 dự án giảm quy mô; 03 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện và tổng vốn đầu tư; 03 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện); thu hồi 01 dự án. Lũy kế đến hiện nay có 95 dự án được UBND thành phố Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.923,12 ha.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.219,73 triệu USD (Trong Khu công nghiệp: 29 dự án, tổng vốn đăng ký 612,33 triệu USD; ngoài Khu công nghiệp 51 dự án, tổng vốn đăng ký 1.607,4 triệu USD)…
Thành phố Cần Thơ đề ra các mục tiêu, định hướng và giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu Kế hoạch này, theo ông Lê Thanh Tâm phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát triển đồng bộ các loại thị trường; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, rà soát chính sách pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo…
Tại Tọa đàm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải; Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ; Điện lực… đã giải đáp thỏa đáng những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chủ trì và chỉ đạo Tọa đàm, cho rằng: Năm 2024 là một năm đầy khó khăn thách thức, nhiều cản trở trong tiến trình phát triển đất nước nói chung và Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, thành phố Cần Thơ đã vượt qua thách thức để đạt kết quả phấn khởi nhất trong 4 năm qua của nhiệm kỳ này. Tăng trưởng của thành phố ước đạt 7,12%, thu nhập bình quân đầu người tăng, thu ngân sách Nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt cao hơn mong muốn… Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, cố gắng làm, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước (Mục tiêu tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,5-8%, nhưng cuối cùng chỉ đạt 7,12%). Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố Cần Thơ vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…
“Gặp gỡ doanh nghiệp là dịp để chính quyền thành phố Cần Thơ lắng nghe các doanh nghiệp góp ý, thậm chí đón nhận phê bình mang tính chất xây dựng của các doanh nghiệp, hiệp hội để giúp thành phố Cần Thơ có giải pháp thật sự hiệu quả, góp phần đưa kinh tế thành phố phát triển tốt hơn. Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ có định hướng đón nhận góp ý của doanh nghiệp hằng ngày, thông tin về đầu mối tiếp nhận thường xuyên, giải quyết kịp thời yêu cầu, quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt đông sản xuất kinh doanh, tôi đề nghị giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề mà doanh nghiệp đã đặt ra tại buổi Đối thoại hôm nay đã trả lời hoặc chưa trả lời trực tiếp phải có văn bản trả lời chính thức cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất (03 ngày làm việc sau đối thoại), đồng thời, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo, để xuất UBND thành phố Cần thơ chỉ đạo những nội dung thuộc thẩm quyền, kiến nghị về Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền.
Rất mong muốn sự đồng hành cùng với các doanh nghiệp chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp cũng như khó khăn của thành phố Cần Thơ để chúng ta cùng nhau xây dựng thành phố Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ 2025” , ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ.