Cần tư duy đột phá trong đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam

Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành Du lịch trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, các cơ sở ĐH cần đổi mới trong công tác đào tạo hiện nay.

Ngày 27/9/1970 là cột mốc lịch sử quan trọng đối với ngành Du lịch trên toàn thế giới khi điều lệ của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) được thông qua và chấp thuận. Chính nhờ vào sự kiện này mà từ năm 1980, Tổ chức Du lịch Thế giới đã quyết định chọn ngày 27/9 hằng năm làm "Ngày Du lịch thế giới" (World Tourism Day).

Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của ngành Du lịch đối với sự phát triển của xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đồng thời, Ngày Du lịch thế giới cũng là dịp để kêu gọi các quốc gia tôn trọng nền văn hóa, tự nhiên của mỗi vùng miền lãnh thổ.

Nước ta có tiềm năng du lịch biển, du lịch truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng,.. cùng với xu hướng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ đang diễn ra rất mạnh mẽ. Điều này càng đòi hỏi sự đổi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Du lịch hiện nay hơn bao giờ hết.

Phát triển đào tạo du lịch thông minh là xu thế tất yếu

Có thể nói, phát triển du lịch thông minh được nhận định là định hướng quan trọng, giúp ngành Du lịch đi theo xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Cùng với sự đầu tư xây dựng hạ tầng số và các ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, du lịch Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực du lịch chưa đảm bảo do vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ năng và năng lực để tham gia phát triển du lịch thông minh một cách hiệu quả.

 Du khách trải nghiệm kiến trúc chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo VR. Ảnh: website Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Du khách trải nghiệm kiến trúc chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo VR. Ảnh: website Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc phân tích bối cảnh, học tập kinh nghiệm của những quốc gia thành công trong phát triển du lịch thông minh để làm cơ sở cho đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết, có tính thời sự và có tính khả thi cao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Kim Luận - Phó Hiệu trưởng Trường Du Lịch, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, năm 2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Smart Tourism (Du lịch thông minh) là một xu hướng mới trong ngành Du lịch, được xây dựng dựa trên các công nghệ cốt lõi như Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Mạng xã hội, Điện toán Đám mây, Trí tuệ Nhân tạo và Thực tế ảo.

Mục tiêu là vận dụng sự phát triển của công nghệ tiên tiến, tạo lập các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Đào tạo theo xu hướng Du Lịch thông minh cần được xây dựng dựa trên nghiên cứu chương trình giảng dạy của các đại học lớn trên thế giới với nhiều phương pháp tiếp cận tiên tiến như: giảng dạy bằng tình huống, gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm cải thiện du lịch.

 Trường Đại học Duy Tân được chọn là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo Đào tạo cấp Quản lý Chính sách & Chiến lược Du lịch lần thứ 17 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, thuộc Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: website nhà trường.

Trường Đại học Duy Tân được chọn là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo Đào tạo cấp Quản lý Chính sách & Chiến lược Du lịch lần thứ 17 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, thuộc Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: website nhà trường.

Các công cụ này hỗ trợ, tìm ra các cách thức sáng tạo để thu thập và sử dụng dữ liệu thu được từ cơ sở hạ tầng vật lý, kết nối xã hội, các nguồn tổ chức (cả chính phủ và phi chính phủ) và du khách, có thể kết hợp với các công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả, tính bền vững, trải nghiệm cho hoạt động du lịch.

Chương trình học của Trường Đại học Duy Tân sẽ do các giảng viên giàu kinh nghiệm và trình độ cao, tốt nghiệp từ nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Hàn Quốc,... về giảng dạy, kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin. Từ đó, sinh viên được chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo nhân lực cho du lịch thông minh yêu cầu những năng lực như: phân tích và dự báo, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng sáng tạo và tư duy linh hoạt,... để có thể áp dụng công nghệ mới một cách hiệu quả, giúp tạo ra trải nghiệm du lịch tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững.

Du lịch thông minh trong quá trình tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, nhất là xu thế phát triển của du lịch trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.

 Diễn đàn "Triển vọng và xu hướng tiêu dùng trong du lịch năm 2024" do Trường Đại học Duy Tân tổ chức. Ảnh: NTCC.

Diễn đàn "Triển vọng và xu hướng tiêu dùng trong du lịch năm 2024" do Trường Đại học Duy Tân tổ chức. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức đặt ra như: sự thống nhất về tư duy, nhận thức giữa các bên liên quan; sự nhất quán về chủ trương, chính sách về phát triển du lịch thông minh; hệ thống dữ liệu du lịch chưa hoàn thiện; hạn chế về nguồn lực và đội ngũ nhân sự; khoảng cách trống giữa ngành dịch vụ du lịch ở nước ta và trên thế giới;...

Cần có tố chất của người làm du lịch quốc tế

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 5,5–6 triệu việc làm. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. [1]

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mặc dù công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, song vẫn còn tồn tại một số bất cập cần giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhân lực chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế vẫn chưa có tỷ trọng cao. [2]

Đội ngũ nhân sự chuyên môn sâu như hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở các thị trường đặc thù: du lịch tâm linh, du lịch theo chuyên đề,... còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng trong các kỹ năng về ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động, tính chuyên nghiệp,…

Theo Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc - Trưởng ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Xuân, mặc dù ngành có nhiều thuận lợi nhờ sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong khu vực, nhưng các cơ sở đào tạo cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với nhau, cũng như thị trường lao động du lịch đòi hỏi ngày càng khắt khe.

 Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: website nhà trường.

Để vượt qua những khó khăn này, khoa, ngành và nhà trường liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình học và mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm mang lại thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ngoài kiến thức chuyên môn, người học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Phú Xuân còn được hỗ trợ hiệu quả từ nhiều ngành đào tạo khác như Công nghệ thông tin, Digital Marketing và Ngôn ngữ.

Sự kết hợp này giúp sinh viên có nền tảng vững chắc về quản lý dịch vụ, marketing du lịch và những kỹ năng mềm rất quan trọng đối với lĩnh vực này như giao tiếp ngoại ngữ, công nghệ thông tin, xử lý tình huống,...

Hơn nữa, chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế hiện đại, kết hợp với nhiều chuyên gia từ doanh nghiệp và những giảng viên có kinh nghiệm quốc tế, mang đến cho sinh viên một môi trường học tập chất lượng, đáp ứng xu hướng phát triển của ngành Du lịch toàn cầu.

Nội dung học liệu cũng cần liên tục cập nhật, giúp các em bắt kịp xu hướng mới như công nghệ số trong du lịch, phát triển bền vững, và xu hướng tiêu dùng mới. Người học cần tham gia các dự án thực tế và nghiên cứu case study để áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Mặc dù thị trường giáo dục về du lịch ngày càng cạnh tranh, nhưng cơ hội cho ngành học này vẫn rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng không ngừng của ngành Du lịch toàn cầu. Nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ du lịch chất lượng mở ra những triển vọng lớn cho các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Phú Xuân. Việc đào tạo những kiến thức và kỹ năng phù hợp với xu hướng phát triển mới giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực du lịch hiện đại.

 Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc (áo sơ mi xanh ở giữa) cùng sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Hoàng Bá Lộc (áo sơ mi xanh ở giữa) cùng sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Xuân. Ảnh: NVCC.

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai, đặc biệt khi nhu cầu du lịch ngày càng tăng và các xu hướng mới như du lịch bền vững, du lịch trải nghiệm và công nghệ số đang trở nên phổ biến. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện đang ở mức cao và có xu hướng tăng mạnh nhờ sự phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Ngành Du lịch không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Ngoài ra, du lịch còn là cầu nối giữa các cộng đồng và quốc gia, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và hòa bình toàn cầu.

“Cọ xát” với môi trường doanh nghiệp để có kỹ năng thực tiễn

Chia sẻ về một yếu tố quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Du lịch hiện nay, cô Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết:

Hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp là nền móng phát triển vô cùng quan trọng cho sinh viên nhằm đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đi làm.

Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, để sinh viên cập nhật kiến thức thực tế và có cái nhìn cận cảnh hơn về môi trường làm việc trong tương lai. Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, hiện nay, hoạt động trải nghiệm thực tế ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng.

 Buổi làm việc của Trường Đại học Tài chính – Marketing với Khách sạn Sofitel Saigon và Pullman Vungtau để tiến tới việc ký kết hợp tác toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành Du lịch của trường. Ảnh: UFM.

Buổi làm việc của Trường Đại học Tài chính – Marketing với Khách sạn Sofitel Saigon và Pullman Vungtau để tiến tới việc ký kết hợp tác toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành Du lịch của trường. Ảnh: UFM.

Tại Trường Đại học Tài chính – Marketing, việc tổ chức tham quan và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp cũng là một trong những hoạt động thường xuyên được nhà trường phối hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện.

Hoạt động được tổ chức và diễn ra thường xuyên không chỉ nhằm xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, mà còn tạo cơ hội để sinh viên Trường Đại học Tài chính – Marketing được học hỏi, trải nghiệm thực tế và hiểu rõ hơn về quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền thông tại môi trường chuyên nghiệp.

Chương trình đào tạo của nhà trường theo cơ chế đặc thù, nên việc sinh viên được học tại các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch qua những học kỳ doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhà trường hợp tác liên kết với nhiều đơn vị doanh nghiệp uy tín và có chất lượng tầm quốc tế như: khách sạn Pullman Vungtau, khách sạn Sofitel Saigon, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành,...

Thông qua việc quan sát và tham gia vào các nghiệp vụ thực tế, sinh viên nắm bắt được các quy trình làm việc chuẩn mực trong ngành Du lịch. Đồng thời, người học có thể mở rộng tầm nhìn về lĩnh vực này, từ những hoạt động hàng ngày đến các dịch vụ đặc trưng, những tình huống, khó khăn mà các em sắp hướng đến ở các vị trí việc làm trong tương lai.

 Sinh viên Trường Đại học Tài chính – Marketing học thực tế cùng chuyên gia tại Pullman Saigon Centre. Ảnh: UFM.

Sinh viên Trường Đại học Tài chính – Marketing học thực tế cùng chuyên gia tại Pullman Saigon Centre. Ảnh: UFM.

Chính hoạt động trải nghiệm thực tế đã tạo dựng nên một không gian với sự đúc kết từ kiến thức và kinh nghiệm hình thành cho sinh viên môi trường trao đổi tốt nhất, dễ dàng đặt ra những câu hỏi mang tính chuyên môn cao giúp hiểu rõ về ngành Du lịch.

Từ đó thể hiện được mục đích phát triển của thế hệ trẻ của lĩnh vực này có năng lực cao, đồng thời nhấn mạnh cơ sở đào tạo luôn mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với đơn vị doanh nghiệp trong tương lai.

Bởi vậy, để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/phe-duyet-chien-luoc-phat-trien-du-lich-viet-nam-den-nam-2030-547459.html

[2] https://vietnamtourism.gov.vn/post/51388

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-tu-duy-dot-pha-trong-dao-tao-nhan-luc-du-lich-o-viet-nam-post245767.gd