Canada siết hạn ngạch thuế quan: Thép Việt đối diện thách thức lớn
Các chính sách nhập khẩu thép mới của Canada, trong đó áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, sẽ cản trở đáng kể ngành thép Việt Nam trong việc chiếm lĩnh thị phần tại thị trường Bắc Mỹ này.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, năm 2024, xuất khẩu sắt thép (mã HS 72 và 73) của Việt Nam sang Canada đạt 217 triệu USD, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số này đã sụt giảm mạnh so với mức đỉnh 424 triệu USD vào năm 2022, thời điểm sắt thép nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào thị trường này. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao, thị phần của Việt Nam tại Canada cũng rất nhỏ (dưới 3%), trong khi thị trường này do Mỹ (chiếm gần 50%) và Trung Quốc chi phối.
Để đối phó với áp lực thương mại và bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Canada đã công bố các biện pháp mới, có hiệu lực từ năm 2025, theo đó tác động trực tiếp đến các nhà xuất khẩu như Việt Nam.
Cụ thể, về áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ), Canada sẽ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu thép, phân biệt rõ giữa các đối tác có và không có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chính sách nhập khẩu thép của Canada tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.
Đối với các nước có FTA (như Việt Nam), hạn ngạch được giữ ở mức 100% kim ngạch đã xuất khẩu trong năm 2024. Lượng hàng hóa vượt hạn ngạch sẽ chịu thuế 50%. Đối với các nước không có FTA, hạn ngạch bị giảm xuống chỉ còn một nửa (50%) kim ngạch năm 2024.
Thực hiện quy tắc về nguồn gốc thép từ Trung Quốc, Canada sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với tất cả sản phẩm thép nhập khẩu (từ bất kỳ quốc gia nào) nếu thép đó được "nấu chảy và đúc" tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa, kể cả thép được gia công, cán, tạo hình tại Việt Nam nhưng nếu có phôi thép từ Trung Quốc cũng sẽ bị áp mức thuế này.
Trong chuyến thăm nhà máy thép ở Hamiltin ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, TRQ cho các nước có FTAs sẽ áp dụng từ 1/8/2025. Tuy nhiên, Canada tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia có chứa thép được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc.
Đánh giá chính sách mới này, bà Quỳnh cho biết, các chính sách của Canada mang lại ít cơ hội và nhiều thách thức đối với Việt Nam.
Ở khía cạnh cơ hội, về lý thuyết, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh bởi là thành viên CPTPP, Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ không có FTA khi họ bị hạn chế hạn ngạch nghiêm ngặt hơn.
Với việc thép có nguồn gốc Trung Quốc phải chịu thuế suất rất cao (có thể lên tới 75%), các nhà nhập khẩu Canada sẽ tìm kiếm nguồn cung thay thế, mở ra cơ hội cho Việt Nam nếu chứng minh được chuỗi cung ứng sạch.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, Việt Nam đối diện với thách thức và bất lợi lớn. Trong đó, hạn ngạch quá thấp là bất lợi lớn nhất.
"Quy định này thật sự bất lợi cho Việt Nam vì số liệu sử dụng làm hạn ngạch là của 2024 khi xuất khẩu sắt thép Việt Nam vào địa bàn đặc biệt sụt giảm, gây khó khăn cho khả năng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của Việt Nam từ các nước không có FTAs với Canada.
Việt Nam không có nhiều cơ hội để cạnh tranh về giá ngay cả với các nước không có FTAs với Canada vì hạn ngạch 2024 của chúng ta quá thấp khiến mọi nỗ lực tăng thị phần sẽ đều lập tức đối mặt với mức thuế 50%, tức là tương đương các nước không có FTAs, không tính Trung Quốc chịu mức thuế 75%", bà Quỳnh phân tích.
Với yêu cầu chứng minh nguồn quốc, quy định về "nấu chảy và đúc" của Canada rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch hóa hoàn toàn chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc vào phôi thép từ Trung Quốc.
Các mặt hàng thành phẩm của Việt Nam như đồ gia dụng, linh kiện ô tô... nếu sử dụng thép có nguồn gốc Trung Quốc cũng có nguy cơ bị áp thuế 25%, thay vì được miễn thuế theo CPTPP.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải theo dõi sát sao hạn ngạch theo quý và thực hiện các thủ tục xin giấy phép phức tạp, dễ gây nản lòng cho cả nhà xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Canada.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada đánh giá, những thay đổi chính sách của Canada mang lại tác động tích cực không đáng kể cho ngành thép Việt Nam.
Thách thức lớn nhất đến từ việc hạn ngạch bị đóng băng ở mức rất thấp của năm 2024, khiến Việt Nam khó có thể tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị phần. Các nước có FTA khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 cao hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Nếu không có sự thay đổi, chính sách này có thể khiến Việt Nam bị gạt ra ngoài lề trong cuộc tái định hình chuỗi cung ứng thép tại Bắc Mỹ.