Cảng Mỹ Thủy – 'cửa ngõ đại dương' mới của miền Trung

Cảng Mỹ Thủy xuất hiện một 'lá bài chiến lược' giúp Quảng Trị mới vươn mình thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối đất liền Đông Dương với biển Đông.

Sau khi sáp nhập và tổ chức lại hành chính, tỉnh Quảng Trị mới bước vào giai đoạn phát triển với không gian mở rộng, tiềm lực đa dạng và vị thế chiến lược nổi bật ở khu vực Bắc Trung Bộ. Việc hợp nhất hai tỉnh sẽ nâng cao quy mô quy hoạch tích hợp, đồng thời tạo cơ hội đột phá trong thu hút đầu tư. Hai nhiệm vụ tiên quyết đặt ra đối với địa phương trong thời điểm hiện tại là tái cấu trúc lại các nguồn lực vốn có của tỉnh, và tối ưu hóa những nguồn lực đó để phù hợp với nhiệm vụ mà kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” giao phó. Trong bối cảnh đó, cảng Mỹ Thủy xuất hiện một “lá bài chiến lược” giúp Quảng Trị mới vươn mình thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối đất liền Đông Dương với biển Đông. Cảng được kỳ vọng khi hoàn thành công suất thiết kế sẽ giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu ngân sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị, góp phần kiến tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Bài viết này sẽ làm nổi bật các đặc điểm ưu việt của cảng Mỹ Thủy, phân tích tác động của cảng đến thu hút đầu tư và phát triển logistics, đồng thời đề xuất những chiến lược và chính sách ưu đãi cần thiết để hình thành vùng kinh tế cảng Mỹ Thủy, tích hợp với hành lang Đông – Tây và thu hút đầu tư dầu khí – logistics – KCN (Khu công nghiệp) sinh thái.

Những đặc điểm nổi bật của cảng Mỹ Thủy

Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy do Công ty cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư, được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 04/01/2019. Dự án là một phần của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nói riêng, và của hành lang Đông-Tây giữa Thái Lan – Lào – Việt Nam nói chung. Do xác định được ý nghĩa chiến lược quan trọng của Cảng từ sớm, Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng quy mô cảng lên đến 685 ha, triển khai theo 3 giai đoạn với 10 bến tàu, đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa đa dạng từ container, hàng rời đến hàng siêu trọng. Trong đó, giai đoạn 1 (2018 - 2025), đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2026 - 2031) đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; và giai đoạn 3 (2032 - 2036) đầu tư 3 bến với tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.

Cảng được thiết kế với độ sâu luồng tàu đạt 15–17 m, cho phép đón các tàu trọng tải lớn từ 100.000 đến 200.000 DWT – tương đương quy mô cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Chu Lai (Quảng Nam). Việc sở hữu luồng tàu sâu và bến bãi hiện đại giúp Cảng Mỹ Thủy dễ dàng phục vụ các tuyến vận tải lớn, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ so với các cảng miền Trung khác.

Đặc biệt, Cảng Mỹ Thủy kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông–Tây từ quốc lộ 15D – QL9 – Cửa khẩu Lao Bảo – Savannakhet (Lào) – Mukdahan (Thái Lan). Mạng lưới này rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa đi Lào và Thái Lan, đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD) dọc hành lang vận chuyển.

Với quy mô và kết nối chiến lược như trên, Cảng Mỹ Thủy đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Đông–Tây, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh cho Quảng Trị và toàn vùng Bắc Trung Bộ trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Tác động lớn của cảng đến thu hút đầu tư và logistics

Cảng Mỹ Thủy, với quy mô và vị trí chiến lược như đã được trình bày ở trên, không chỉ đơn thuần là đầu mối xếp dỡ hàng hóa mà còn là động lực chính để kích hoạt chuỗi giá trị khu vực. Cụ thể, khi hoàn thiện và đi vào vận hành, cảng sẽ là một phần của quần thể logistics – công nghiệp đồng bộ, thu hút dòng vốn lớn vào các lĩnh vực mũi nhọn như dầu khí, hóa dầu, kho trung chuyển và dịch vụ hậu cần lạnh. Đồng thời, hệ thống hạ tầng đường bộ – đường biển liên vùng và quốc tế kết nối trực tiếp sẽ biến cảng Mỹ Thủy thành điểm trung chuyển chủ lực, tăng cường khả năng cạnh tranh so với các hành lang vận chuyển khác. Trên nền tảng đó, dòng đầu tư DDI và FDI sẽ chảy mạnh vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và ngành dịch vụ phụ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo đà phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Trị mới.

Ta sẽ đi sâu vào ba khía cạnh chính của tác động này:

Hạ tầng logistics & công nghiệp theo cụm cảng biển

Cảng Mỹ Thủy đóng vai trò một mắt xích không thể thiếu, là nhân tố tiên quyết để kích hoạt hệ sinh thái công nghiệp – logistics đồng bộ xung quanh khu vực cảng, và rộng hơn là tỉnh Quảng Trị. Các dự án quan trọng như dầu khí, lọc hóa dầu và logistics lạnh (cold chain) cho thực phẩm đông lạnh, thủy sản chế biến xuất khẩu và dược phẩm sẽ tập trung về khu vực quanh cảng (ví dụ: Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị), nơi hạ tầng cảng – kho bãi – đường bộ đã và đang được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu trữ sản phẩm. Các kho trung chuyển LNG, các kho lạnh cỡ lớn sẽ được quy hoạch sát bờ để tận dụng luồng tàu sâu 15–17 m, đón nhận những chuyến tàu có tải trọng lớn, đồng thời đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường cho khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp lân cận như Nam Đông Hà và Quán Ngang sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hiệu ứng lan tỏa này. Trục kết nối cảng – KCN không chỉ tạo thuận lợi cho việc cung ứng nguyên liệu đầu vào và xuất thành phẩm, mà còn thu hút thêm nhà đầu tư trong các ngành cơ khí phụ trợ, chế tạo thiết bị cảng, đóng gói – bao bì. Đặc biệt, Khu công nghiệp công nghệ cao – hóa dầu Mỹ Thủy sẽ trở thành điểm đến hàng đầu cho các tập đoàn trong và ngoài nước muốn phát triển chuỗi giá trị hóa dầu khép kín. Với ưu thế tiếp cận cảng biển sâu, Khu công nghiệp công nghệ này có thể nhập khẩu nguyên liệu quy mô lớn và xuất khẩu sản phẩm chủ động, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn vùng.

Kết nối liên vùng và quốc tế

Cảng Mỹ Thủy được kỳ vọng trở thành cửa ngõ ra biển của mạng lưới logistics xuyên biên giới từ Lào và Đông Bắc Thái Lan về Việt Nam. Với tuyến quốc lộ 15D – Quốc lộ 9 làm xương sống kết nối cửa khẩu Lao Bảo với hệ thống đường nội bộ cảng, cảng Mỹ Thủy là điểm cuối cùng cho hàng hóa từ sâu trong nội địa Lào và khu vực đông bắc Thái Lan. Nhờ luồng tàu sâu đến 17 m, các lô hàng khô, container và dự án dầu khí có thể được vận chuyển liên tục, giảm thiểu thời gian trung chuyển, từ đó hạ thấp tổng chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đồng thời, khi hoàn thiện đầy đủ các giai đoạn đầu tư, Cảng Mỹ Thủy sẽ một mặt củng cố vị thế của mình trong khái niệm “hành lang Đông – Tây”, mà mặt khác góp phần hình thành nên “Hành lang xuyên Á mới” – một trục vận tải có quy mô khổng lồ, tích hợp đường bộ, đường biển và đường sắt. Hàng lang này hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tuyến hiện hữu qua cảng Đà Nẵng và Vũng Áng. Nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn linh hoạt cho các lô hàng của mình hướng về thị trường Đông Á, góp phần giảm tải cho các cảng miền Trung hiện có và nâng cao tính ổn định của chuỗi cung ứng khu vực.

Thúc đẩy đầu tư DDI và FDI

Như đã trình bày ở trên, hạ tầng cảng biển sâu và hiện đại cùng chuỗi logistics đồng bộ sẽ giảm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm. Đây là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, hóa chất và logistics, bởi những địa điểm có khả năng vận chuyển quy mô lớn với mức chi phí cạnh tranh luôn được ưu tiên. Đặc biệt, các dự án kho trung chuyển LNG và lọc hóa dầu trong khu vực cảng sẽ khơi thông nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp hóa chất.

Quỹ đất cho các khu công nghiệp phụ trợ gần cảng – như khu công nghiệp công nghệ cao Mỹ Thủy – đáp ứng nhu cầu mở rộng chuỗi giá trị công nghiệp. Các nhà máy sản xuất thiết bị cảng, băng chuyền, container lạnh hay linh kiện cơ khí chính xác sẽ có sẵn mặt bằng và hạ tầng dịch vụ để triển khai nhanh chóng. Điều này đặc biệt hấp dẫn các tập đoàn Nhật Bản và Hàn Quốc vốn có thế mạnh về công nghệ cao và sản xuất tinh gọn.

Bên cạnh đó, chiến lược ưu đãi đầu tư của địa phương - bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động và cải cách thủ tục hành chính - sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Thái Lan và một đối tác tiềm năng là các quỹ đầu tư Trung Đông đang tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh tế “một cửa” cho phép nhà đầu tư đăng ký dự án, hoàn thành các thủ tục cấp phép và kết nối hạ tầng đồng bộ trong cùng một khu vực sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho Quảng Trị.

Cuối cùng, sự cam kết của chính quyền địa phương trong việc đồng hành với nhà đầu tư—từ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh nguồn cung cấp điện nước đến hợp tác quảng bá thị trường—sẽ củng cố niềm tin của các tập đoàn đa quốc gia. Từ đó, DDI và FDI không chỉ tập trung vào các ngành truyền thống mà còn mở rộng sang công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics cao cấp và công nghệ hóa dầu, biến Cảng Mỹ Thủy thành điểm đến đầu tư chiến lược của khu vực.

Tầm chiến lược sau sáp nhập Quảng bình – Quảng trị

Sau khi sáp nhập, Quảng Bình – Quảng Trị trở thành một đơn vị hành chính có quy mô và tiềm lực vượt trội, mở ra cơ hội kết nối, liên kết vùng sâu rộng và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Tạo ra một “cực tăng trưởng miền Trung mới”

Việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị mở rộng tổng diện tích quy hoạch của tỉnh Quảng Trị mới lên gần 12.000 km² với dân số trên 2 triệu người. Quy mô diện tích và dân số đáng kể này giúp Chính phủ và chỉnh quyền địa phương dễ dàng hoạch định một vùng kinh tế tổng thể — từ bờ biển Đông ra dãy Trường Sơn, qua Khu kinh tế ven biên giới và nối dài tới thị trường nội địa Lào.

Với nguồn lực (quỹ đất và nhân lực) dồi dào trong tay, tỉnh có thể dành sự ưu tiên cho các lĩnh vực mũi nhọn, đặc trưng vốn có của địa phương như du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Quảng Trị vẫn cần đặt một sự quan tâm lớn đến những lĩnh vực tiềm năng như cảng biển, công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ mà cảng Mỹ Thủy là một phần không thể thiếu. Việc đưa hoạt động logistics, cảng biển và khu công nghiệp vào quy hoạch chung sẽ tránh gây tình trạng chồng chéo, tăng tính liên kết giữa các khu vực chức năng. Khi mỗi ngành – nghề của hệ sinh thái kinh tế tỉnh Quảng Trị này được bố trí hợp lý và vận hành trơn tru, mọi khâu trong chuỗi giá trị sẽ khớp nối nhịp nhàng. Nhờ đó, “bộ máy” kinh tế vùng sẽ hoạt động hiệu quả, giảm lãng phí thời gian và chi phí, tạo đà cho tăng trưởng bền vững và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một khi quy mô hành chính được mở rộng và chính sách ưu đãi được chỉ đạo nhất quán bởi Chính phủ và chính quyền địa phương, một “thương hiệu vùng” mới sẽ được định vị, dễ dàng quảng bá với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hình ảnh “cực tăng trưởng miền Trung mới” không chỉ thu hút vốn vào hạ tầng giao thông, cảng biển, mà còn kích thích sự quan tâm ở các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ, năng lượng tái tạo và du lịch.

Tích hợp các trục phát triển

Tuyến đường sắt Bắc–Nam và Quốc lộ 1A hiện hữu, vốn là xương sống giao thông quan trọng của quốc gia. Với việc xây dựng “cực tăng trưởng miền Trung mới”, hai tuyến vận chuyển huyết mạch Bắc – Nam và Đông – Tây (qua cảng Mỹ Thủy) nay giao nhau tại địa bàn tỉnh Quảng Trị mới, nối Cảng Mỹ Thủy với Lào, Thái Lan đến Myanmar thông qua hành lang kinh tế EWEC. Sự kết hợp này không chỉ rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, mà còn mở ra khả năng liên kết đa phương thức giữa đường bộ, đường sắt và đường biển. Khi hai trục này vận hành nhịp nhàng, các cụm công nghiệp, khu kho bãi và cảng cạn dọc tuyến sẽ phát triển mạnh, từ đó hình thành một mạng lưới logistics liên vùng hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư toàn diện cho địa phương.

Định hướng chiến lược phát triển vùng kinh tế

Để khai thác tối đa tiềm năng của Cảng Mỹ Thủy và tạo bước đột phá cho “cực tăng trưởng miền Trung mới”, cần xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào các trụ cột sau:

Thiết lập các khu chức năng tập trung (LNG, ICD, kho hóa chất nguy hiểm) ngay sát bến cảng để rút ngắn thời gian xếp dỡ và trung chuyển, hình thành Trung tâm Logistics EWEC tại Mỹ Thủy.

Xây dựng chính sách ưu đãi bến đỗ, giá cước cạnh tranh, hỗ trợ thủ tục thông quan một cửa để mời gọi các hãng tàu biển lớn như Maersk, COSCO, CJ Logistics, Nippon Express,… và ưu đãi thuế cho ngành đóng gói, logistics lạnh. Phối hợp với các hãng tàu lớn mở tuyến dịch vụ trực tiếp đến Đông Á – châu Âu. Thu hút hãng tàu và doanh nghiệp logistics quốc tế.

Dành quỹ đất liền kề KCN công nghệ cao – hóa dầu Mỹ Thủy để hình thành, đầu tư, xây dựng khu công nghiệp phụ trợ cho lọc hóa dầu, góp phần thu hút các nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị đóng gói, van vòi, băng chuyền,…

Thiết lập cơ chế phối hợp cảng cạn (ICD) tại Savannakhet và Mukdahan để đồng bộ hạ tầng, đấu nối luồng hàng qua cửa khẩu Lao Bảo, nhằm hợp tác chiến lược với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Đầu tư dài hạn tuyến đường sắt Lào–Mỹ Thủy saiu khi khảo sát khả thi, lên kế hoạch kết nối đường sắt Lào (Thakhek–Savannakhet) tiếp tới Mỹ Thủy, tạo “đường sắt xuyên Á” đa phương thức.

Kiểm soát chặt chẽ môi trường tại khu hóa dầu thông qua áp dụng tiêu chuẩn xử lý nước thải, khí thải mức cao; giám sát liên tục; cam kết phát thải thấp nhất trong khu vực, đồng thời định hướng đến vùng công nghiệp tuần hoàn. Yêu cầu các Dự Án mới phải có giải pháp tái chế, tái sử dụng chất thải; hệ thống năng lượng tái tạo (pin Mặt Trời, gió); giảm tiêu thụ sử dụng nước.

Thúc đẩy liên kết DDI–FDI trong dịch vụ cảng và hậu cần bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân địa phương liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài để phát triển bến bãi, kho trung chuyển, dịch vụ giá trị gia tăng.

Đề xuất chính sách ưu đãi chiến lược cho khu kinh tế cảng Mỹ Thủy

Căn cứ vào các phân tích trên, bài viết đề xuất một số gói chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Cảng Mỹ Thủy. Trước khi đi vào chi tiết, bài viết phân tích các mục tiêu của gói chính sách này như sau:

Mục tiêu của gói chính sách đặc thù

Một là, nhằm biến Quảng Trị thành trung tâm logistics quốc tế kết nối Lào – Thái Lan – Đông Á. Kết nối xuyên biên giới đa phương thức là yếu tố then chốt để hàng hóa của Lào, Thái Lan và xa hơn và các nước nẳm sâu trong lục địa Á-Âu về cảng Mỹ Thủy như là một phần của tuyến hành lang xuyên Á, từ đó mới có thể phát triển dòng hàng xuất khẩu đi Đông Nam Á và các nước trong khu vực. Những ưu đãi phí và thủ tục nhanh sẽ giúp Cảng Mỹ Thủy nói chung và tuyến hành lang xuyên Á nói riêng sớm khẳng định khả năng cạnh tranh với các cảng đối thủ trong khu vực.

Hai là, để phát triển công nghiệp phụ trợ – hóa dầu – năng lượng gắn với cảng Mỹ Thủy. Công nghiệp hóa dầu và năng lượng là những ngành có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài. Ưu đãi về đất đai, thuế và đào tạo sẽ giảm bớt rủi ro tài chính, thu hút nhà đầu tư mạnh dạn đặt cơ sở sản xuất ngay sát cảng, từ đó hình thành chuỗi giá trị khép kín, giảm chi phí logistics nội vùng.

Ba là, tạo không gian kinh tế động lực phía Bắc miền Trung, bổ sung cho Đà Nẵng – Chu Lai. Đà Nẵng và Chu Lai đã hình thành cụm kinh tế mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Quảng Trị cần tận dụng “đòn bẩy” này để thu hút thêm dòng vốn và lao động với cảng Mỹ Thủy là đối trọng xứng tầm với cảng Đà Nẵng. Quy hoạch liên vùng và gói kích cầu sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tránh cạnh tranh đơn lẻ, đồng thời hoàn thiện mạng lưới hạ tầng chung.

Bốn là, nhằm thu hút dòng vốn FDI, DDI và PPP vào hạ tầng – logistics – công nghiệp – đào tạo. Vốn DDI, FDI và PPP là các nguồn lực quan trọng để hoàn thiện nhanh hạ tầng và đào tạo, nhưng chi phí vốn quốc tế thường cao và rủi ro thủ tục phức tạp. Các ưu đãi lãi suất, thuế và cơ chế hỗ trợ chuyên trách sẽ giảm bớt rào cản đầu tư, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư lớn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao năng lực nhân lực địa phương.

Đề xuất gói chính sách đặc thù

Gói ưu đãi thuế đặc biệt (super tax incentive) chính là yếu tố tiên quyết nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn của khu kinh tế cảng Mỹ Thủy. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư vào logistics, lọc hóa dầu, năng lượng sạch, kho LNG hoặc cảng biển sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi chỉ 5–10% trong vòng 15–20 năm. Đồng thời, chuyên gia và kỹ sư chất lượng cao làm việc tại các khu công nghiệp Mỹ Thủy – Đông Nam sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5–10 năm. Các ưu đãi này không chỉ giảm mạnh chi phí đầu tư ban đầu mà còn thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần hình thành chuỗi giá trị sâu và bền vững cho ngành logistics – công nghiệp hóa dầu.

Thứ hai, cơ chế Khu kinh tế – Khu công nghiệp trọng điểm quốc gia được Chính phủ phê duyệt là chìa khóa để nâng tầm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thành “Trung tâm hậu cần quốc tế” tương đương Chu Lai, Vân Phong. Vùng kinh tế mới hiện hữu này sẽ được hưởng cơ chế đầu tư tập trung từ Ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA cho việc phát triển hạ tầng kết nối qua Lào – Thái Lan. Đồng thời, cho phép rút gọn quy trình thẩm định dự án xuống còn 15 ngày làm việc. Cơ chế đặc thù này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng then chốt, tạo đà cho các dự án logistics và dịch vụ cảng biển sớm đi vào hoạt động, giúp các nhà đầu tư sớm thu hồi vốn.

Mặt khác, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA/PPP để hoàn thiện hạ tầng kết nối quan trọng. Trọng tâm là xây dựng hoàn thiện cầu đường bộ, đường sắt nối từ cửa khẩu Lao Bảo qua Quốc lộ 15D ra cảng Mỹ Thủy thành một dải thống nhất, đồng thời kết nối thuận tiện với trục cao tốc Bắc–Nam đang được phê duyệt theo chuẩn vận tải container. Hình thức đối tác công – tư (PPP) sẽ huy động được kinh nghiệm, công nghệ và tài chính của nhà đầu tư quốc tế, giúp chia sẻ rủi ro và tối ưu chi phí cho ngân sách địa phương.

Trong gói chính sách ưu đãi, không thể không kể đến sự cần thiết của việc thành lập một Quỹ phát triển logistics miền Trung – hành lang EWEC với nguồn vốn từ nhà nước, Ngân hàng Chính sách và hợp tác quốc tế (ADB, World Bank). Quỹ này chuyên cấp tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp với doanh nghiệp đầu tư kho bãi, ICD, logistics lạnh,… Nhờ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng có thể tiếp cận vốn rẻ, mở rộng năng lực lưu trữ và phân phối hàng hóa, đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới logistics xuyên biên giới.

Trong giai đoạn cảng đi vào hoạt động, cần ban hành chính sách đất đai – hạ tầng ưu đãi dành riêng cho khu vực cảng Mỹ Thủy. Doanh nghiệp đầu tư vào logistics, kho lạnh, dịch vụ vận tải hoặc chế biến xuất khẩu sẽ được miễn tiền thuê đất trong 20 năm đầu tiên. Đồng thời, ưu tiên cấp “đất sạch” và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong vòng 60 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ. Cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho doanh nghiệp khởi công xây dựng, giảm thiểu thủ tục và thời gian chuẩn bị dự án đầu tư.

Cuối cùng, nghiên cứu cơ chế liên vùng – xuyên quốc gia cho phép Quảng Trị ký kết bản ghi nhớ (MOU) về logistics xuyên biên giới với các tỉnh nước bạn, cụ thể là Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan). Đồng thời, phối hợp với nước bạn lập quy hoạch vùng kinh tế cảng biển gắn chặt với hành lang xuyên tỉnh và xuyên quốc gia. Cơ chế này sẽ tạo khung pháp lý và chính sách ổn định để đồng bộ hóa hạ tầng, thủ tục vận tải và phát triển chuỗi giá trị khu vực Đông Dương.

KẾT LUẬN

Từ những đặc điểm ưu việt của Cảng Mỹ Thủy, như quy mô lớn, luồng tàu có độ sâu lớn, nguồn nhân lực dồi dào từ tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập và hệ thống hành lang Đông–Tây, cho đến tác động lan tỏa mạnh mẽ lên thu hút đầu tư và phát triển logistics khu vực, Cảng Mỹ Thủy đã cho thấy sức mạnh chiến lược không thể thay thế. Trong bối cảnh sáp nhập Quảng Bình – Quảng Trị, cảng càng đóng vai trò then chốt, góp phần hình thành nên tầm nhìn về một “cực tăng trưởng mới” tại miền Trung Việt Nam.

Nhìn về tương lai, với định hướng phát triển vùng kinh tế cảng Mỹ Thủy tập trung vào logistics đa phương thức, công nghiệp phụ trợ, kết nối quốc tế, ESG và phát triển nguồn nhân lực, địa phương hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế – “lá bài chiến lược” đưa tỉnh Quảng Trị mới vươn mình thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn DDI, FDI và PPP. Đây không chỉ là bước chuyển mình của một cảng biển mà còn là dấu ấn quan trọng trong lộ trình phát triển bền vững của cả một khu vực, khẳng định vị thế cạnh tranh và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được tầm nhìn chiến lược đó, sự cần thiết của một gói chính sách ưu đãi đặc trưng đối với vùng kinh tế Cảng Mỹ Thủy là không thể thiếu. Từ ưu đãi thuế, đất đai, cơ chế đầu tư, đến chính sách hỗ trợ hạ tầng kết nối và hợp tác liên vùng – tất cả phải được thiết kế đồng bộ, nhất quán và đủ sức cạnh tranh với các mô hình khu kinh tế – cảng biển lớn khác trong khu vực. Với sức bẩy đủ mạnh từ “cơ chế đặc thù phù hợp” trên, vùng kinh tế cảng Mỹ Thủy có thể thực sự cất cánh, trở thành trung tâm logistics quốc tế của hành lang EWEC.

TS, LS Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cang-my-thuy-cua-ngo-dai-duong-moi-cua-mien-trung-100474.html