Căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu chạm đỉnh của hai tuần

Giá dầu đã tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 22/11, chốt phiên ở mức cao nhất của hai tuần, giữa bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang, đe dọa ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu.

Một cơ sở lọc dầu tại Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Một cơ sở lọc dầu tại Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 94 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên 75,17 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,14 USD, tương đương 1,6%, lên 71,24 USD/thùng.

Nhìn lại diễn biến của giá dầu trong tuần này, “vàng đen” đã bắt đầu phục hồi từ ngày 18/11, khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng. Hôm 19/11, Nga cho biết Ukraine đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả cuộc tấn công là sự leo thang của phương Tây. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới. Trong số các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân có việc phóng tên lửa đạn đạo ồ ạt nhằm vào Nga. Tình hình căng thẳng giữa hai bên đe dọa mở rộng thành xung đột toàn cầu, có khả năng gây ảnh hưởng tới nguồn cung dầu.

Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định, sự leo thang xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt quá mức độ đã thấy trong cuộc xung đột kéo dài 1 năm qua ở Trung Đông. Nhà phân tích John Evans của PVM nhận xét thêm, điều mà thị trường lo ngại là sự phá hủy ngẫu nhiên ở bất kỳ đâu, liên quan tới dầu mỏ, khí đốt và lọc dầu. Chúng không chỉ gây ra thiệt hại lâu dài mà còn đẩy nhanh vòng xoáy xung đột.

Bên cạnh đó, gián đoạn hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy (trong ngày 18/11) cũng là một tác nhân đẩy giá dầu tăng mạnh hôm đầu tuần. Trong hai ngày tiếp theo, giá dầu có dấu hiệu chững lại bởi sự giằng co giữa các yếu tố hỗ trợ, như căng thẳng địa chính trị toàn cầu và dấu hiệu Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu thô, đi kèm với thông tin nguồn dự trữ dầu thô của Mỹ tăng. Tuy nhiên, bước sang hai phiên sau đó, giá dầu đã phục hồi trở lại, mặc dù mức tăng không lớn.

Gây áp lực lên giá dầu phiên 22/11 là hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 11/2024 đã chuyển biến xấu một cách đáng ngạc nhiên, khi ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối bị thu hẹp và sản xuất tiếp tục suy giảm.

Ngược lại, S&P Global cho biết Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, với lĩnh vực dịch vụ đóng góp phần lớn vào mức tăng này.

Phiên 22/11, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm so với rổ các tiền tệ quốc tế. Sự tăng giá của đồng USD khiến dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài, do đó có thể làm giảm nhu cầu về dầu.

Tính theo tuần, cả hai loại dầu trên đều tăng khoảng 6%, đạt mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 7/11/2024.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì quanh ngưỡng 70-85 USD/thùng trong những tháng tới.

Mặc dù vậy, do những bất ổn về địa chính trị khó đoán trước được, không loại trừ khả năng giá dầu sẽ vượt ngưỡng 85 USD/thùng trong nửa đầu năm 2025, theo nhận định của các chuyên gia tại Goldman Sachs.

Diệu Linh/TTXVN (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cang-thang-dia-chinh-tri-leo-thang-gia-dau-cham-dinh-cua-hai-tuan-20241123115048433.htm