Canh bạc cuối của EU khi dồn tổng lực hỗ trợ cho Ukraine
Hôm qua (12/12), Liên minh châu Âu đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 15 chống lại Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Cùng với đó, khối này cũng đã bắt đầu dùng tiền bị đóng băng của Nga tại EU để hỗ trợ cho Ukraine.
Đây được xem là những bước đi mới nhất, quyết liệt nhất của EU trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tuần nữa, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức và có khả năng thay đổi quan điểm về viện trợ cho Kiev.
Gói trừng phạt mới bổ sung thêm nhiều cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt hiện có, cũng như hạn chế hoạt động của những tàu thuộc quốc gia thứ ba tham gia hỗ trợ, ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự lại Ukraine. Số hàng hóa bị cấm, bao gồm thiết bị lắp ráp máy bay không người lái. Tuy nhiên, EU cũng gia hạn miễn trừ cho phép Séc, Slovakia và Hungary được miễn trừ lệnh trừng phạt vì chưa có nguồn cung thay thế.
Cùng với gói trừng phạt mới, EU cũng đã bắt đầu thu lợi nhuận từ các tài sản của Nga nắm giữ trong khối để chuyển tới Ukraine. Hiện có khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga bị các đồng minh phương Tây đóng băng sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tháng trước, Nghị viện Châu Âu đã phê duyệt khoản vay lên tới 35 tỷ euro cho Ukraine, dự kiến hoàn trả bằng tiền lãi từ các quỹ của Nga bị phong tỏa.
Trước đó, Euroclear, công ty thanh toán hàng đầu có trụ sở tại Bỉ đang nắm giữ phần lớn tài sản bị đóng băng của Nga, đã chuyển khoảng 1,55 tỷ euro lãi suất từ tài sản bị đóng băng của vào Quỹ châu Âu - quỹ dành cho Ukraine. Trong cuộc họp các ngoại trưởng EU diễn ra ngày hôm qua tại Berlin, Đức, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về ngoại giao và chính sách an ninh, bà Kaja Kallas khẳng định nguồn tiền của Nga sẽ giúp thanh toán “mọi thiệt hại mà nước này gây ra cho Ukraine”.
"Trước hết, chúng ta cần hòa bình ở Ukraine để có thể thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình chung của EU và vì thế chúng ta cần là phải hỗ trợ Ukraine để khiến Nga dừng các hoạt động quân sự. Có một con chim nhỏ trong tay hơn là một con chim lớn trên mái nhà. Vì vậy, chúng ta có con chim nhỏ trong tay và đây là công cụ để gây áp lực lên Nga”.
Cùng quan điểm với bà Kallas, Bộ trưởng Châu Âu của Anh Stephen Doughty cho biết:
"Chúng tôi có cam kết sắt đá không chỉ với NATO và an ninh chung của chúng tôi, mà còn với Ukraine. Sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine trên nhiều năm trận, từ ngoại giao, chính trị, nhân đạo đến kinh tế, thông qua các gói tài trợ thường xuyên, các lệnh trừng phạt. Điều quan trọng là tất cả EU đang cùng nhau làm việc và với đối tác bên kia Đại Tây Dương. EU phải thúc đẩy các nỗ lực của mình không chỉ để hỗ trợ Ukraine, mà còn để xây dựng năng lực phòng thủ châu Âu, hợp tác quốc phòng châu Âu, hợp tác công nghiệp quốc phòng châu Âu, để có thể ứng phó với các mối đe dọa không chỉ từ Nga mà còn do một thế giới địa chính trị đầy thách thức”.
EU đang đứng trước nhiều thách thức trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoài những vấn đề chính trị nội bộ, EU còn phải đối mặt với những rủi ro khi Mỹ có thể không còn mặn mà cung cấp các gói viện trợ cho Ukraine sau thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức. Chính vì vậy, khi chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden vừa thông báo gói viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Ukraine, gồm đạn dược, thiết giáp và trang bị bảo hộ, EU muốn nắm lấy cơ hội này để hành động tăng tốc.
Tuy nhiên, mọi hành động của Châu Âu đều có thể là con dao hai lưỡi khi Nga tuyên bố sẽ có những đáp trả mạnh mẽ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhiều lần khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga là bất hợp pháp. Và việc Liên minh châu Âu liên tục áp đặt trừng phạt Nga cũng như sử dụng tiền của Nga hỗ trợ cho Ukraine sẽ gây thiệt hại cho cả những quốc gia áp đặt trừng phạt và Nga sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhất.