Cảnh giác trước 'bẫy' du lịch giá rẻ

Núp bóng những tour giá rẻ, combo khách sạn sang trọng hay vé máy bay 'siêu hời', hàng loạt chiêu trò tinh vi đang đánh vào tâm lý ham rẻ, nhẹ dạ của người dân muốn có một kỳ nghỉ hè thoải mái.

Khi kỳ nghỉ mơ ước trở thành cơn ác mộng

Cuối tháng 6 vừa qua, anh Phan Trí Sơn (ngụ phường Tây Thạnh, TP Hồ Chí Minh) dự định đưa gia đình đi du lịch ở Đà Nẵng dịp hè. Tìm trên mạng xã hội, anh thấy một tài khoản Facebook quảng bá tour 5 ngày 4 đêm giá chỉ 3,2 triệu đồng/người. "Tôi nhắn tin liên hệ thì họ gửi thông tin rất chuyên nghiệp, có logo, hình ảnh đoàn cũ, thậm chí có cả video review từ khách hàng. Sau khi chuyển khoản 6 triệu tiền đặt cọc thì không liên lạc được nữa", anh Sơn bức xúc.

Còn chị Hoàng Nga (ngụ phường Khánh Hội, TP Hồ Chí Minh) thì bị lừa 10 triệu đồng tiền đặt cọc phòng khách sạn ở tỉnh Thanh Hóa. Dự đình đưa gia đình đi du lịch tại biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) nên chị lên mạng tìm khách sạn. Thấy trang fanpage của khu nghỉ dưỡng The Victoria Beach Resort FLC Samson trên Facebook có nhiều lượt thích và video trải nghiệm thực tế cũng như hình ảnh, bình luận khen nên chị nhắn tin hỏi thông tin đặt phòng. Sau khi chốt giá, đối tượng gửi biên lai như thật với đầy đủ các thông tin như họ tên, ngày giờ đặt phòng, số người, số tiền cọc và số tiền còn lại. Mọi việc diễn ra khá chuyên nghiệp nên chị Nga tin tưởng và chuyển khoản đặt cọc phòng nghỉ 10 triệu đồng.

Ngay sau khi chuyển tiền cọc, chị Nga nhận được tin nhắn với nội dung: "Lệnh chuyển tiền chưa ghi nội dung chuyển khoản đúng như biên lai đặt cọc". Đối tượng nhắn tin đề nghị chị chuyển khoản lại, sau đó công ty sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản của chị. Đối tượng cũng yêu cầu chị điền thông tin theo link gửi kèm và làm theo yêu cầu… Nghi ngờ bị lừa nên chị không làm theo.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai Linh (ngụ phường Biên Hòa, Đồng Nai) bị lừa mất 4 triệu đồng khi đặt phòng tại một resort 5 sao ở Phú Quốc thông qua Fanpage có dấu tick xanh. "Fanpage đó giống hệt trang chính thức, có hàng ngàn lượt theo dõi. Sau khi chuyển tiền giữ phòng, tôi không thể liên lạc lại với nhân viên. Tìm hiểu kỹ thì ngỡ ngàng biết mình đã bị lừa".

Người dân cần tìm hiểu kỹ các tour du lịch giá rẻ trên mạng để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.

Người dân cần tìm hiểu kỹ các tour du lịch giá rẻ trên mạng để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.

Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi

Các hình thức lừa đảo mùa du lịch tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Các đối tượng giả mạo fanpage, website với tên gọi, hình ảnh, logo giống hệt các khác sạn, resort lớn. Thậm chí, chúng còn mua quảng cáo để hiện đầu trang tìm kiếm, sử dụng tick xanh để tạo lòng tin. Sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc (thường là 30 - 50% giá trị dịch vụ), chúng chặn tin nhắn.

Đối tượng đánh vào tâm lý người dân và đưa ra combo siêu rẻ so với giá thực tế. Đến gần ngày đi, các "công ty ma" viện cớ lỗi hệ thống, trục trặc hãng bay, hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để được "giữ suất", rồi biến mất.

Một số kẻ lừa đảo giả danh nhân viên các hãng hàng không và đại lý vé máy bay uy tín, đăng bán vé rẻ kèm thông tin "hot" như "vé hủy phút chót", "săn sale giá sốc"… Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng gửi mã vé giả hoặc giữ chỗ tạm thời để đánh lừa, rồi hủy giao dịch và chặn liên lạc.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là thuê dịch vụ cấp tích xanh Facebook hoặc mua lại các tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, đổi tên thành khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc các doanh nghiệp lữ hành có uy tín để tạo sự tin cậy cho người dân, chạy quảng cáo và đăng tải thông tin nhận đặt vé máy bay, phòng khách sạn… đưa ra thông tin chương trình du lịch hấp dẫn, quỹ vé, quỹ phòng còn nhiều với giá thành tương đồng với các cơ sở chính thống để tránh sự nghi ngờ từ người dân. Nhiều trang Fanpage đăng tải toàn bộ thông tin chính thống của cơ sở thật, yêu cầu người dân chuyển tiền trước 50% để đặt cọc, sau đó cung cấp code đặt phòng giả mạo và yêu cầu nạn nhân thanh toán toàn bộ số tiền trước.

Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên cá nhân, sim rác và xóa toàn bộ dấu vết sau khi nhận tiền. Việc truy vết gặp nhiều khó khăn. Không ít nạn nhân vì muốn giữ thể diện hoặc thấy số tiền không quá lớn nên không trình báo cới cơ quan Công an. Đây chính là "đất sống" cho các đối tượng lừa đảo tiếp tục hoạt động.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho biết, Fanpage có tick xanh hay lượt theo dõi lớn không đồng nghĩa là thật. Một số đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo, mua tick xanh, tạo bình luận giả để tạo lòng tin. Người dùng không nên nhấp vào đường link lạ, không cung cấp mã OTP hay thông tin tài khoản cho bất kỳ ai qua mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ phần "Thông tin minh bạch của trang" (Page Transparency) trên Facebook, bao gồm ngày tạo, lịch sử đổi tên, quốc gia quản trị. Khi phát hiện bị lừa, cần nhanh chóng thu thập bằng chứng và trình báo Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hầu hết các tài khoản giả mạo đều mới được thành lập hoặc mới được đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn. Người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này và không nên giao dịch với những tài khoản có dấu hiệu như trên.

Khách hàng chỉ đặt dịch vụ qua nền tảng uy tín hoặc các đại lý chính thức có xác nhận pháp lý. Không chuyển khoản cho tài khoản cá nhân không rõ danh tính, không có hợp đồng, hóa đơn. Xác minh thông tin khách sạn/tour/vé qua website chính thức, gọi điện trực tiếp để kiểm tra mã đặt chỗ. Cảnh giác với combo giá rẻ bất thường, bởi "vé rẻ bất thường, rủi ro phi thường". Nếu phát hiện hành vi nghi ngờ, hãy nhanh chóng báo cho cơ quan Công an địa phương hoặc Phòng An ninh mạng để được hỗ trợ và xử lý.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/canh-giac-truoc-bay-du-lich-gia-re-i775249/