Cảnh giác với 'cách mạng màu'

'Cách mạng màu' là một chiến lược nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm thực hiện các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị có tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm để lập ra bộ máy cầm quyền mới dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch.

Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài viết Cảnh giác với “cách mạng màu”, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên về “cách mạng màu”, âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch với Việt Nam.

Bài 1: Nhận diện “cách mạng màu”

“Cách mạng màu”, hay còn được gọi biết đến với tên gọi như “cách mạng cam”, nhung, hạt dẻ, hoa hồng, hoa Tulíp... là khái niệm dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến do các thế lực bên ngoài kích động tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ), Đông Âu vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX và ở Trung Đông, Bắc Phi trong những năm đầu thế kỷ XXI. Sau sự kiện Đông Âu và Liên Xô tan rã, các cuộc “cách mạng màu” diễn ra thường xuyên hơn và trở thành một trong những con bài chủ chốt của Phương Tây để can dự vào nội bộ của các quốc gia. Có thể kể ra đây cuộc “cách mạng màu” ở Nam Tư năm 2000, sau đó liên tiếp là “cách mạng Hoa hồng” tại Gruzia năm 2003; “cách mạng Cam” tại Ukraine năm 2004; Cách mạng hoa Tulip ở Kyrgyzstan năm 2005... và lan rộng sang khu vực Trung Đông với “cách mạng cây tuyết tùng” vào năm 2005 tại Liban; “cách mạng Xanh” ở Kuwait năm 2005... rồi “mùa xuân Ả Rập” tại Ai Cập... Hệ quả của các cuộc “cách mạng màu” này là sự bất ổn chính trị kéo dài tại các nước nói trên.

Từ các cuộc “cách mạng màu” ở Châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi có thể thấy thực chất của các cuộc cách mạng có những tên mỹ miều này chính là những hành động “lật đổ chính trị trong hòa bình” của các phe phái, tổ chức chính trị đối lập, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Phương Tây, nhằm mục đích chuyển hóa chế độ chính quyền đương nhiệm. Đó là các cuộc lật đổ chế độ hiện tại bằng phương pháp bất bạo động có sự phối hợp của những kẻ ủ mưu bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài.

Thời cơ của “cách mạng màu” thường diễn ra khi một nước nào đó tiến hành các cuộc bầu cử, đặc biệt là rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, kinh tế. Thủ đoạn thường thấy là tạo ra các chấn động xã hội, tác động đến nhận thức của người dân để từ đó lôi kéo người dân tham gia, biểu tình, tuần hành, khiến đời sống xã hội bị tê liệt làm cho Chính phủ dần mất kiểm soát xã hội. Khi những cuộc biểu tình tác động xấu đến đời sống xã hội ở mức độ nào đó sẽ xuất hiện các thế lực bên ngoài lên tiếng ủng hộ. Từ đây, xung đột giữa người dân và chính quyền ngày càng bị đẩy lên cao, dẫn đến hậu quả rất nặng nề.

Tóm lại, “cách mạng màu” là một biện pháp chiến lược của các thế lực thù địch, nhằm áp đặt quan niệm, giá trị “dân chủ” kiểu phương Tây thông qua các thủ đoạn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Đây là việc làm phản dân chủ, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thời đại, xét trên mọi khía cạnh nó chính là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” của thời kỳ hậu “chiến tranh lạnh”. Cùng với “Diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” là phương thức tiến hành các hoạt động chủ yếu là phi vũ trang, phi quân sự, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN trên phạm vi toàn thế giới, đưa các nước XHCN đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa; chống phá nền độc lập của các quốc gia, dân tộc, thiết lập một trật tự thế giới dưới sự chi phối và phương Tây.

(Còn nữa)
Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/canh-giac-voi-cach-mang-mau-134119.html