'Canh lửa, giữ rừng' mùa hanh khô

Thời điểm này đang bước vào cao điểm mùa hanh khô 2019-2020 nên nguy cơ cháy rừng tại Hà Nội luôn ở mức cao, đòi hỏi công tác phòng, chống cháy rừng phải được đặt lên hàng đầu. Ngành Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương có rừng triển khai nhiều giải pháp nhằm 'canh lửa, giữ rừng'.

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại thị xã Sơn Tây.

Chủ quan là xảy ra cháy rừng

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho thấy, năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 10,5ha rừng. Trong đó huyện Sóc Sơn để xảy ra 11 vụ, gây thiệt hại 8,4ha rừng; huyện Ba Vì 2 vụ, Sơn Tây 1 vụ, thiệt hại 2,1ha rừng. Trong 2 tháng đầu năm 2020, tại huyện Sóc Sơn xảy ra 3 vụ cháy, thiêu rụi hàng chục héc ta rừng... Mới đây nhất, chiều 28-2-2020, tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục héc ta rừng.

Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, những vụ cháy rừng ở Hà Nội thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng đều do sự bất cẩn, chủ quan của con người gây ra.

Đơn cử, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hơn 4.500ha rừng và đất lâm nghiệp, với các loại thông, keo, bạch đàn được trồng lâu năm, thảm thực vật dày 0,5-1m, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vào mùa hanh khô, cấp độ báo động cháy rừng ở Sóc Sơn thường xuyên ở mức nguy hiểm. Thêm nữa, rừng ở Sóc Sơn có các điểm di tích văn hóa tâm linh nên thu hút nhiều người dân vào du lịch, cắm trại, khi sử dụng lửa sơ ý để tàn tro bắt vào lớp thực bì gây cháy rừng.

Ông Lê Văn Hưng, Trưởng thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết, một số khách du lịch gây cháy rừng, dập lửa không được đã bỏ chạy, đến khi người dân phát hiện thì đám cháy đã bùng phát lớn. “Ngay như vụ cháy ngày 18-2 vừa qua ở xã Nam Sơn, khi chúng tôi phát hiện thì ngọn lửa đã bắt đầu cháy lan, thiệt hại khoảng 1.000m2 rừng thông 5 tuổi” - ông Hưng nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội), hiện nay có một số chủ rừng cho rằng, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng là của lực lượng kiểm lâm nên lơ là công tác phòng, chống cháy rừng, để người dân tự do vào rừng du lịch, đốt tổ ong lấy mật...

“Khi đốt thực bì, nhiều người không áp dụng các biện pháp kỹ thuật dẫn đến cháy rừng, khi đám cháy bùng phát mạnh không kiểm soát được mới báo lực lượng chức năng thì đã muộn... Trong khi đó, muốn phủ xanh lại diện tích rừng đã bị cháy mất rất nhiều công sức và thời gian, thậm chí có những khu rừng thông phải 30 năm sau mới khôi phục được” - ông Nguyễn Tiến Lâm cho biết.

Chủ động phòng cháy, giữ rừng

Để xảy ra cháy rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường; mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội, thậm chí tính mạng của người dân xung quanh. Trước thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô 2019-2020.

Trong đó, đối với những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và các khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, di tích lịch sử, như: Chùa Hương, đền Sóc, đền Thượng…, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm cơ sở tăng cường lực lượng tuần tra, ứng trực 24/24 giờ để chủ động kiểm soát nguồn lửa, không để cháy lan vào rừng. Riêng với diện tích rừng ở huyện Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã lắp đặt 6 trạm quan trắc thu thập dữ liệu cảnh báo phòng, chống cháy rừng tự động, cung cấp thông tin trên hệ thống theo dõi 2 giờ/lần. Từ dữ liệu này và căn cứ vào thời tiết thực tế, đơn vị có chỉ đạo và bố trí lực lượng phòng, chống cháy rừng phù hợp.

Ngoài ra, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, bước vào mùa hanh khô hằng năm, Chi cục đã yêu cầu các huyện, thị xã có rừng chủ động xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng “4 tại chỗ”. Khi có sự cố cháy rừng, lập tức huy động lực lượng và phương tiện dập tắt ngay, không để cháy lan, cháy lại. Đối với khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng với 8 tỉnh là: Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang và Bắc Ninh. Qua đó, khi xảy ra cháy rừng ở khu vực giáp ranh, các địa phương sẽ phối hợp chữa cháy kịp thời và liên kết tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Còn ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì chia sẻ: Hằng năm bước vào mùa hanh khô, UBND huyện Ba Vì đều chủ động phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì và Hạt Kiểm lâm Ba Vì thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng “4 tại chỗ”, phân công tổ, đội xung kích tại các xã có rừng ứng trực 24/24 giờ. Nhờ đó, huyện Ba Vì đã kiểm soát, ngăn chặn được nhiều vụ cháy rừng trên địa bàn.

Để làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô 2019-2020, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại yêu cầu, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội cùng với các địa phương và chủ rừng bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong mọi thời điểm. Lực lượng kiểm lâm phải cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho nhân dân để tiếp nhận thông tin báo cháy rừng. Đặc biệt, để “canh lửa, giữ rừng” hiệu quả, biện pháp trọng tâm vẫn là tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng cho từng người dân và chủ rừng...

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/960074/canh-lua-giu-rung-mua-hanh-kho