Cảnh sát hóa trang 'theo dấu' tài xế và chuyện chặn 'ma men' ra đường gây họa
Sau những vụ tài xế say xỉn vẫn lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, nhiều người dân đồng tình với việc áp dụng các biện pháp mạnh, tăng nặng mức phạt… để ngăn chặn các 'ma men' ra đường gây họa.
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, cả nước đã ghi nhận ít nhất 2 vụ tai nạn giao thông liên hoàn trong đó tài xế đều sử dụng rượu bia trước khi cầm vô-lăng, vi phạm nồng độ cồn vượt mức “kịch khung”.
Gần đây nhất, tại Hà Nội, tối 16/7, tài xế Lê Minh Giáp (SN 1984, trú Hà Nội) điều khiển ô tô trong tình trạng say xỉn, đã tông vào 5 xe máy, 2 ô tô. Hậu quả vụ tai nạn khiến 1 người tử vong tại chỗ; 1 người phụ nữ chở theo 2 con nhỏ trên xe máy bị thương.
Qua kiểm tra, tài xế Giáp vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,861 mg/L khí thở, cao gấp hơn 2 lần mức "kịch khung" quy định tại Nghị định 168/2024.

Hiện trường vụ ô tô đâm liên hoàn ở Dương Nội, Hà Nội.
Cách đây hơn 3 tuần, tại Bắc Ninh, tối 26/6, tài xế Hồ Sỹ Phong (SN 1976, trú Bắc Ninh) lái ô tô 4 chỗ đã bất ngờ tông vào xe máy chở 2 cô gái đi cùng chiều, kéo lê hơn 5m.
Sau đó, ô tô tiếp tục lao lên phía trước, đâm 9 xe máy, xe đạp điện đang đỗ trước quán nhậu và chỉ dừng lại khi va vào cột điện và xe bán tải.
Vụ tai nạn khiến 2 người bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Qua kiểm tra, tài xế Phong vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,435 mg/L khí thở, vượt mức "kịch khung" được quy định tại Nghị định 168/2024.

Hiện trường vụ tai nạn ở Bắc Ninh.
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2025, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 1,6 triệu trường hợp vi phạm luật Trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 310 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Còn theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong khoảng 1 tháng (từ 14/6-15/7), cảnh sát toàn thành phố đã xử lý 3.901 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Đề xuất tăng nặng mức phạt
Trong bối cảnh đó, thông tin CSGT Hà Nội hóa trang "theo dấu" tài xế rời quán nhậu, 30 phút xử lý 10 "ma men" đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và ý kiến bình luận.
Theo đó, tối 17/7, Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) triển khai kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, xe máy và xe đạp.
Thay vì chọn một tuyến đường cố định để làm nhiệm vụ, Tổ CSGT cử cán bộ, chiến sĩ hóa trang đi khảo sát tuyến đường có nhiều hàng quán hoạt động.
Qua khảo sát, CSGT phát hiện tại một cửa hàng trên phố Trần Thái Tông (phường Cầu Giấy, Hà Nội) có rất nhiều ô tô, xe máy đang được trông giữ ở ngoài nên đã lập 2 điểm kiểm soát vi phạm nồng độ cồn tại 2 đầu tuyến phố này. Đồng thời, Tổ CSGT cũng bố trí một cán bộ hóa trang để "chỉ điểm" tài xế điều khiển xe rời khỏi quán.
Sau khoảng 30 phút, cảnh sát đã phát hiện 10 trường hợp tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn từ mức dưới 0,25 mg/L khí thở đến vượt 0,4 mg/L khí thở. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, Tổ CSGT đã phát hiện 26 trường hợp tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến VietNamNet thể hiện sự đồng thuận với cách làm quyết liệt này. “Ủng hộ mạnh mẽ các anh công an tích cực làm việc này. Phải phạt nghiêm những kẻ uống rượu lái xe gây thảm họa cho dân thường và xã hội", tài khoản Minh Hằng bình luận.
“Chỉ cần làm mạnh một thời gian, ý thức người tham gia giao thông sẽ thay đổi. Tai nạn vì ‘ma men’ gây ra thì dù có ân hận cũng không thể bù đắp được nỗi đau cho gia đình nạn nhân”, độc giả Trần Phương Bình nhìn nhận.
Bạn đọc Mai Trang thì cho rằng: "Phải chủ động kiên quyết mạnh tay, quyết liệt, thường xuyên, liên tục... thì mới mang lại hiệu quả, chứ nếu để bẵng đi thời gian thì sợ đâu lại vào đấy... Nhiều người vẫn không biết sợ".
Có ý kiến còn đánh giá, việc hóa trang, tuần tra bí mật quanh các tụ điểm ăn nhậu, quán bia tuy vất vả nhưng có thể hiệu quả hơn so với cách lập chốt cố định trên đường phố. Cách làm này vừa bất ngờ, vừa đánh trúng tâm lý chủ quan của một bộ phận lái xe.

Đã uống rượu bia thì không điều khiển xe ra đường. Ảnh minh họa: Đình Hiếu.
Ngoài việc tăng cường xử lý, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng trách nhiệm cộng đồng, từ chính quyền địa phương đến các cơ sở kinh doanh.
Chẳng hạn, đề xuất các tổ dân phố, phường xã cần tiếp tục truyền thông, đề nghị nhà hàng, quán nhậu ký cam kết nhắc nhở khách không lái xe sau khi uống rượu bia.
Một số ý kiến mong các địa phương khác cũng áp dụng cách làm này của Hà Nội. “Mong sao công an các địa phương cũng áp dụng cách làm này để hạn chế các 'ma men' cầm lái. Thấy các vụ tai nạn do 'ma men' gây ra mà phẫn nộ", độc giả Nguyễn Như Bon đề xuất.
“Tôi đề nghị phải tăng nặng mức phạt đối với tài xế say rượu gây tai nạn chết người. Phải truy cứu trách nhiệm hình sự thật nghiêm khắc... Không thể để người vô tội chết oan dưới bánh xe của những kẻ coi thường pháp luật và mạng sống của người khác”, bạn đọc Nguyễn Vinh đề xuất.
Tương tự, độc giả Lê Thoại cũng đề xuất tăng mức phạt: "Nên sửa lại Nghị định 168 đối với nồng độ cồn tăng mức phạt lên ít nhất 4 lần, vi phạm 'kịch khung' 6 lần trừ toàn bộ điểm giấy phép lái xe và tước bằng lái 2 năm đến vĩnh viễn".