Cao Bằng đi đầu trong đấu tranh giải phóng dân tộc

Cao Bằng - mảnh đất cội nguồn, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng với nhiều di tích lịch sử và văn hóa ghi dấu các chiến công oanh liệt của dân tộc. Mỗi một địa danh, khu rừng nơi đây đều gắn với chặng đường phát triển của lịch sử Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của một thời kỳ dài nô lệ, phong kiến, nhân dân các dân tộc Cao Bằng dưới các triều đại đã góp phần làm nên lịch sử truyền thống vĩ đại dựng nước và giữ nước của cha ông, Cao Bằng đã phát huy vai trò là phên dậu phía bắc của Tổ quốc.

Lịch sử truyền thống của Cao Bằng gắn liền với lịch sử truyền thống của các dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước. Cuộc đấu tranh đầu tiên trong lịch sử do Thục Phán chỉ huy đánh thắng 50 vạn quân Tần do Đồ Thư thống lĩnh giữ cho đất nước thanh bình, thịnh vượng gần nửa thế kỷ. Vào năm 180 TrCN sau những trận đánh lớn chống quân Nam Việt của Triệu Đà, đất Cao Bằng rơi vào ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc. Đến đầu thế kỉ XI, Cao Bằng là trung tâm của tiểu quốc do Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao đứng đầu xưng tự trị, đóng tại thành Nà Lữ phía tây Thị xã ngày nay. Dưới thời vua Lý Thái Tông, Nùng Trí Cao là người Đại Việt đầu tiên đánh vào thành Ung Châu của nhà Tống giành thắng lợi oanh liệt. Cuối thế kỉ XVI nhà Mạc rút bỏ Thăng Long lên đây, đặt thủ phủ ở Cao Bằng, giữ phần lãnh thổ Bắc triều một thời gian. Có thể khẳng định, từ xưa Cao Bằng đã từng là trung tâm chính trị và văn hóa của một vùng rộng lớn và mang tính chiến lược, làm phên giậu vững chắc che chắn nơi biên ải.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Cao Bằng nổi lên là một cứ điểm quan trọng. Ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, Châu Hòa An đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Giai đoạn 1930 - 1935, mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt nhưng các chi bộ đảng ở các châu liên tiếp được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Trong những năm 1936 - 1939, nổi bật nhất là phong trào Đông Dương đại hội với cuộc biểu tình đưa bản Dân nguyện cho phái đoàn đại diện chính phủ Pháp; cuộc biểu dương được coi như cuộc tổng diễn tập quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù trước khi Trung ương Đảng chuyển hướng chiến lược cách mạng tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tháng 10/1940, trên đường từ Quế Lâm về Nam Ninh (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm liên lạc quốc tế rất thuận lợi…”. Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đặt bước chân đầu tiên về Tổ quốc qua mốc 108 tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, chọn vùng đất Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, nơi chỉ huy các cuộc kháng chiến của quân đội Việt Nam. Từ đây, cái tên Già Thu gắn liền với các địa danh lịch sử như: hang Cốc Pó, suối Lê-nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm.

Tại đây, Bác lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Sau Hội nghị, Bác tự tay thảo ra bức thư “Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào, toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ dân tộc ta liên tiếp giành được thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 3/10/1950, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng.

Năm 1961, Bác Hồ lên thăm Cao Bằng, thăm hang Pác Bó nơi Người đã sống và làm việc 20 năm trước, gặp gỡ bà con làng Pác Bó. Ngày 21/2/1961, trong cuộc mít tinh tại Sân vận động Thị xã Cao Bằng, Người căn dặn: “Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc”.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, xuất phát điểm thấp, địa hình quanh co phức tạp; cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nặng nề… chỉ còn lại duy nhất là tinh thần đoàn kết, niềm tin và ý chí quật cường. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng gắn bó keo sơn, kiên trì phấn đấu với một niềm tin mãnh liệt, một nghị lực dồi dào, một tinh thần hăng hái, đầy linh hoạt và sáng tạo, từng bước vươn lên thực hiện lời nhắn nhủ của Bác Hồ kính yêu. Củng có phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tích cực đào tạo người dân tộc, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, xúc tiến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa. Xây dựng hậu phương về mọi mặt kịp thời huy động nhân lực, vật lực phục vụ các chiến trường góp phần đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng.

Năm 1953, tỉnh huy động 25.867 người, 914.958 ngày công để bảo đảm giao thông cho 181 km đường; năm 1954, toàn tỉnh huy động 35.456 người, 873.902 ngày công để sửa chữa đường, phà và phục vụ cho kế hoạch quân sự; hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm của tỉnh được chuyển ra mặt trận... Riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cao Bằng bổ sung cho bộ đội chủ lực 844 cán bộ chiến sỹ, 1.034 người đi dân công phục vụ Chiến dịch dài ngày; đóng góp gần 2.000 tấn thóc, tu sửa 800 cầu cống phục vụ chiến dịch.

Tính chung, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có 80.165 thanh niên Cao Bằng lên đường nhập ngũ, trong đó có 3.471 thương binh và 8.326 người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý gần 7.000 hồ sơ liệt sỹ; gần 15.000 thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 2.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và người có công với nước; 406 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cùng với trên 38.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng; bước vào những năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội.

15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2000), Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ luôn giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, quán triệt quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát huy nội lực của các thành phần kinh tế để củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh.

Trong giai đoạn 2011 - 2024, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mở rộng hội nhập quốc tế, tạo thế và lực mới trên con đường hội nhập, phát triển. Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay, tỉnh hoàn thành 03 chỉ tiêu, 10 chỉ tiêu đạt hơn 70%, các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác đề ra trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đang được triển khai, thực hiện tốt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của địa phương bình quân đạt 5,46% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; du lịch có kết quả thu hút du khách, tăng trưởng doanh thu đạt tốt[1]; quốc phòng - an ninh địa phương tiếp tục được bảo đảm, giữ vững; tích cực phối hợp triển khai thực hiện Dự án đường bộ Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng); Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) Việt Nam - Trung Quốc.

Kỷ niệm 525 năm (1499 - 2024) thành lập tỉnh, tự hào với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Trong bước chuyển mình vươn xa cùng với những tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thực hiện theo Di chúc của Người, Cao Bằng khẳng định tiềm lực của mình đang tiến đến niềm mong ước “cao bằng người” như ý nguyện của Bác Hồ.

M.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cao-bang-di-dau-trong-dau-tranh-giai-phong-dan-toc-3172439.html