Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45: Sớm gỡ những 'điểm nghẽn'

Mặc dù vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã được các địa phương quyết liệt vào cuộc tháo gỡ, song khó khăn về nguồn vật liệu thi công nền đường khan hiếm, bị đẩy giá cao gần gấp đôi cùng việc phải loay hoay tìm vị trí các bãi đổ thải đang khiến cho dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, một trong những dự án thành phần quan trọng nhất của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khó có thể hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình đang được thi công.

Sôi động là khung cảnh mà phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy những ngày này tại từng gói thầu trên công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45.

Tại gói thầu 11-XL (Km289+500 đến Km301+000, dài 11,5km), các nhà thầu tổ chức 16 mũi thi công. Còn tại gói thầu 12-XL (Km301+000 đến Km307+600, dài 6,6km), nhà thầu tổ chức 8 mũi thi công... Nền móng của những đoạn tuyến cao tốc đang dần hiện lên.

Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc quản lý dự án (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư), cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 là một trong những dự án điển hình cả về quy mô cũng như sự phức tạp trong quá trình triển khai. Công trình có tổng chiều dài 63,37km (đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,41km; đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 48,96km) chia thành 5 gói thầu xây lắp. Trên tuyến có tổng cộng 35 công trình cầu, 16 nút giao. Cùng với đó là 2 hầm lớn (hầm Tam Điệp dài 245m và hầm Thung Thi dài 680m). Tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải là phải hoàn thành trong năm 2022.

Đến nay, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã dần được tháo gỡ. 59/63,37km hoàn thành đền bù (đạt 93,15% khối lượng). Trong đó, tỉnh Ninh Bình dự kiến bàn giao 3,33km/14,35km còn lại vào cuối tháng 3-2021. Tại tỉnh Thanh Hóa, mặt bằng còn lại 1,5km, hiện Ban Quản lý dự án Thăng Long đang tích cực phối hợp cùng địa phương để giải quyết các vướng mắc.

Tuy nhiên, dự án đang gặp "điểm nghẽn" là nguồn vật liệu thi công nền đường khan hiếm trầm trọng do nhiều mỏ vật liệu dù nằm trong quy hoạch chưa được cấp phép, trong khi các mỏ đang khai thác trữ lượng ít, công suất nhỏ, dẫn đến khó khăn cho nhà thầu thi công và ảnh hưởng tới tiến độ.

Theo ông Trần Đình Ngân, Chỉ huy trưởng công trường thi công gói thầu 11-XL của Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), trước đây, giá vật liệu đất đắp nền 20.000-22.000 đồng/m3 nhưng hiện nay đã lên tới 35.000-37.000 đồng/m3, mà vẫn khó mua. Để có thể thi công, nhà thầu phải loay hoay khảo sát các mỏ khác nằm trong quy hoạch và được địa phương cấp phép để đáp ứng nguồn vật liệu cho gói thầu.

"Điểm nghẽn" thứ hai là tìm kiếm các bãi đổ thải. Đất thải, phế thải không có chỗ đổ phải tập kết tạm thời ngay tại chân công trình. Hiện, Bộ Giao thông – Vận tải và Ban Quản lý dự án Thăng Long đang tích cực làm việc với các địa phương để kiểm tra, rà soát các khu vực tập kết nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

"Đến thời điểm này, tiến độ thi công của các gói thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án. Tuy nhiên, nếu các vướng mắc về mặt bằng, nguồn vật liệu và bãi đổ phế thải không sớm được tháo gỡ thì dự án sẽ đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ và khó có thể hoàn thành trong năm 2022", Giám đốc quản lý dự án Lương Văn Long nhấn mạnh.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/993966/cao-toc-bac---nam-doan-mai-son---quoc-lo-45-som-go-nhung-diem-nghen