Câu chuyện chi tiêu của thanh niên công nhân
Để giải quyết áp lực chi phí trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, thanh niên công nhân ở Bình Dương đã tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chi tiêu hợp lý để có tích lũy cho bản thân và gia đình...
Chi tiêu hợp lý
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TP. Bến Cát), chia sẻ: “Mức chi phí sinh hoạt của tôi 1 tháng khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Trong đó, chi tiền phòng trọ, điện nước là 1,5 triệu đồng, ăn sáng là 450.000 đồng và khoảng 900.000 đồng cho bữa ăn chiều; xăng xe đi lại là 500.000 đồng; chi phí cho mỹ phẩm, quần áo hay mua gia vị bếp núc là khoảng 500.000 đồng; tiền đi cà phê, uống nước cùng bạn bè phát sinh khoảng 500.000. Đó là những chi tiêu cơ bản, thiết yếu, chưa kể có tháng sẽ phát sinh đám tiệc thì mức chi sẽ nhỉnh hơn đôi chút”. Theo Lan với mức lương 10 triệu đồng/1 tháng như hiện tại, chị để dành được khoảng 5 triệu đồng…
Đối với người độc thân, câu chuyện chi tiêu khá dễ dàng vì không phải tính toán, lo toan cho gia đình. Còn đối với các gia đình công nhân, câu chuyện chi tiêu phải có sự tính toán kỹ lưỡng hơn bởi còn lo cho con nhỏ. Gia đình chị Phạm Thị Quỳnh Trang, công nhân Công ty TNHH TPR Việt Nam (phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên) và anh Hoàng Văn Luân, Công ty TNHH Accredoasia (phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên) là một điển hình. Anh quê ở Bắc Giang, chị quê ở Thanh Hóa, đều là công nhân xa quê, hàng tháng thu nhập của 2 anh, chị vừa phải chi vào việc chăm lo gia đình nhỏ với 2 con đang tuổi ăn học, phần còn lại phải phụ giúp cha mẹ 2 bên ở quê hay ốm đau bệnh tật nên nhìn chung chi tiêu phải gói ghém hợp lý để không bị hụt chi.
Nhiều thanh niên công nhân (TNCN) ở Bình Dương đã học được cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày, như tiết kiệm điện, nước, chi phí ăn uống, vui chơi, giải trí. Điển hình như anh Cao Tùng Lăng, quê ở Vĩnh Long, công nhân Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (phường Bình Hòa, TP.Thuận An), ngày cuối tuần anh chọn ở nhà nấu ăn, dọn dẹp phòng trọ vừa để tiết kiệm chi phí, vừa có thời gian dọn dẹp, vệ sinh tổ ấm nhỏ. Anh chia sẻ: “Thay vì ăn ở hàng quán vừa đắt tiền lại không bảo đảm chất lượng, gia đình tôi chọn nấu ăn ở nhà. Nhu cầu vui chơi, giải trí là cần thiết, tuy nhiên mình cũng cần cân đo, đong đếm để có mức chi phù hợp, bảo đảm đời sống và tính đến chuyện tương lai lâu dài”. Tương tự, anh Đỗ Tú Tài, TNCN ở phường Bình Hòa (TP.Thuận An) cũng chọn nấu ăn ở nhà. Anh cho biết: “Nấu một bữa ăn không mất nhiều thời gian mà có thể tiết kiệm chi phí. Bữa tối tôi nấu nhiều hơn một chút để sáng ăn cơm rồi đi làm”.
Nhìn chung phần lớn khoản chi phí của TNCN dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà trọ, điện nước và ăn uống. Tiền thuê trọ chiếm từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí điện nước trung bình khoảng 500.000 đồng, xăng xe khoảng 500.000 đồng; chi phí ăn uống dao động từ 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng, tùy vào thói quen sinh hoạt; chi phí chăm sóc con khoảng 3 - 4 triệu đồng. Nếu điều kiện thuận lợi, có mức thu nhập ổn định, lại biết chi tiêu khéo, nhiều TNCN có thể tiết kiệm để phụ giúp gia đình, hay có nhiều trường hợp họ còn có thể tiết kiệm để mua nhà ở Bình Dương.
Hỗ trợ TNCN cách chi tiêu hợp lý
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút nhiều lao động đến sinh sống, lập nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá thực phẩm, xăng dầu và các dịch vụ thiết yếu tăng sẽ khiến người lao động gặp khó khăn trong việc quản lý chi tiêu. Chính vì vậy việc nâng cao nhận thức cho TNCN về chi tiêu, tiết kiệm là việc làm cần thiết của các tổ chức đoàn thể. Do vậy, việc tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội về giáo dục tài chính để trang bị cho TNCN kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, bao gồm lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư... cần được các tổ chức đoàn thể quan tâm.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể nên sử dụng các kênh truyền thông để tăng cường hướng dẫn TNCN về quản lý tài chính cá nhân; xa hơn là cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng quản lý tài chính để giúp TNCN rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch chi tiêu, theo dõi thu chi, tiết kiệm…; hướng dẫn TNCN sử dụng các ứng dụng trên di động hỗ trợ quản lý tài chính để giúp TNCN dễ dàng theo dõi thu chi hợp lý, hiệu quả…
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cau-chuyen-chi-tieu-cua-thanh-nien-cong-nhan-a336118.html