Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu: Thiếu bản lĩnh hay thiếu niềm tin?
Bóng đá Việt Nam đang trải qua mùa chuyển nhượng đầy sôi động với những cuộc đi, đến gây chú ý. Nhưng đến giờ, chưa có động thái nào cho thấy những cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam sẽ ra nước ngoài thi đấu. Có vẻ như sân chơi trong nước vẫn là 'vùng an toàn' mà nhiều cầu thủ chưa đủ tự tin để bước ra.

Tiền vệ Hoàng Đức (áo đen) từng có cơ hội ra nước ngoài thi đấu nhưng chưa để lại dấu ấn đậm nét. Ảnh: VPF
Vì sao giấc mơ ra biển lớn vẫn xa vời?
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa có cầu thủ nào thực sự thành công khi thi đấu ở nước ngoài. Từ Lê Huỳnh Đức khoác áo CLB Lifan Trùng Khánh (Trung Quốc) năm 2001 đến các thế hệ sau như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu..., tất cả đều chưa để lại dấu ấn rõ nét trên sân cỏ quốc tế. Rào cản không chỉ đến từ khác biệt văn hóa, mà còn nằm ở khoảng cách về chuyên môn, thể lực, thể hình và khả năng thích ứng với cường độ thi đấu cao so với đồng nghiệp quốc tế. Chính điều đó khiến các cầu thủ Việt thường chỉ đóng vai trò dự bị, chưa thể trở thành trụ cột ở những đội bóng mà họ đầu quân.
Hai trường hợp xuất ngoại gần đây nhất là Nguyễn Quang Hải và Đoàn Văn Hậu đều chưa để lại dấu ấn đậm nét khi thi đấu tại châu Âu. Quang Hải chỉ có thời gian ngắn khoác áo Pau FC (Pháp), còn Văn Hậu từng sang SC Heerenveen (Hà Lan) nhưng chủ yếu thi đấu cho đội hình dự bị. Dù vậy, cả hai vẫn xứng đáng được ghi nhận vì đã dám rời bỏ “vùng an toàn”, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn để theo đuổi giấc mơ thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Và chính trong những trải nghiệm tưởng như thất bại ấy, họ đã trưởng thành đáng kể về chuyên môn, với tư duy và cách chơi bóng hiện đại hơn nhiều so với trước khi xuất ngoại.
Dù vậy, tâm lý hài lòng với lựa chọn “an toàn” - thi đấu trong nước - vẫn bao trùm giới cầu thủ Việt Nam. Mức thu nhập ổn định, vị thế “ngôi sao nội địa” cùng sự bao bọc từ các CLB khiến nhiều người không mặn mà với giấc mơ xuất ngoại. Ra nước ngoài đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, văn hóa, áp lực chuyên môn và nguy cơ thất bại - đó là điều khiến không ít cầu thủ chùn bước.
HLV Mano Polking - người đang dẫn dắt CLB Công an Hà Nội và từng hai lần giúp đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup - thẳng thắn cho rằng rào cản lớn nhất của cầu thủ Việt Nam không phải chuyên môn, mà là tâm lý ngại thay đổi. Ông kêu gọi các cầu thủ cần dũng cảm bước ra khỏi “vùng an toàn”. Trong khi đó, nhiều cầu thủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã và đang thi đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu.
Thủ môn Nguyễn Filip (Công an Hà Nội) cũng từng chia sẻ rằng khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ châu Âu và Việt Nam chính là tinh thần sẵn sàng ra đi. Với cầu thủ trẻ ở châu Âu, xuất ngoại là mục tiêu tất yếu để phát triển sự nghiệp còn ở Việt Nam, nhiều người vẫn chọn ở lại để giữ hình ảnh, chưa coi đó là con đường cần thiết để trưởng thành.
Những câu chuyện truyền cảm hứng từ bóng chuyền
Trong khi bóng đá Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán xuất ngoại thì ở môn bóng chuyền, nhiều vận động viên đã mạnh dạn ra nước ngoài thi đấu và để lại dấu ấn tích cực. Một trong những gương mặt tiêu biểu nhất là Trần Thị Thanh Thúy - chủ công số 1 của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Cô từng khoác áo nhiều CLB quốc tế tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Dù hành trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ - như việc bị chấm dứt hợp đồng sớm với CLB Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ) hay chia tay Gresik Petrokimia (Indonesia) chỉ sau một tháng - nhưng Thanh Thúy vẫn cho thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân. Mới đây, cô tiếp tục được CLB Gunma Green Wings (Nhật Bản) mời ký hợp đồng và dự kiến sẽ thi đấu tại đây trong mùa giải 2025 - 2026.
Một trường hợp truyền cảm hứng khác là phụ công Nguyễn Thị Bích Thủy. Khi đầu quân cho CLB GS Caltex tại giải bóng chuyền Hàn Quốc, cô không chỉ thích nghi nhanh mà còn trở thành nhân tố quan trọng giúp đội bóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Với sự góp mặt của Bích Thủy, GS Caltex giành chiến thắng 11/12 trận cuối mùa giải vừa qua. Hiện nay, trong làng bóng chuyền, ngày càng nhiều VĐV sẵn sàng xuất ngoại để tích lũy kinh nghiệm. Đáng chú ý, phần lớn các CLB trong nước đều ủng hộ việc này. Họ tin rằng sau thời gian thi đấu ở nước ngoài, các VĐV sẽ tiến bộ rõ rệt và đóng góp hiệu quả hơn cho cả đội tuyển quốc gia lẫn CLB chủ quản. Bài học từ bóng chuyền cho thấy, VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể thi đấu tốt ở nước ngoài nếu có đủ bản lĩnh, được hỗ trợ đúng cách và tiếp cận với môi trường phù hợp. Với bóng đá, điều cốt lõi - như HLV Mano Polking từng nhấn mạnh - là: “Cầu thủ Việt Nam có đủ dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn hay không?”.
Chuyên gia Phan Anh Tú cũng nhận định: “Chúng ta cần nhiều hơn những người như Quang Hải hay Văn Hậu, vì họ dám đi, dám đối mặt với thách thức. Càng có nhiều cầu thủ được tập luyện, thi đấu trong môi trường có mặt bằng chuyên môn cao hơn, bóng đá Việt Nam càng được hưởng lợi - đặc biệt là đội tuyển quốc gia”. Hy vọng trong thời gian tới, thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều VĐV được mời ra nước ngoài thi đấu và quan trọng hơn, họ sẽ đủ bản lĩnh dám chấp nhận thử thách để nâng tầm chính mình.