Cây vú sữa và tình cảm sâu nặng của Bác với đồng bào miền Nam

70 năm trước, thực hiện Hiệp định Geneve, Sông Đốc (Cà Mau) là một trong 3 địa điểm mà ta tổ chức cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết để xuống tàu ra miền Bắc. Thời gian tập kết tại đây là 200 ngày, tính từ 21/7/1954 đến 6h sáng 10/2/1955.

Trong buổi lễ tiễn đưa, sau khi nghe đại diện đơn vị quân đội phát biểu từ giã đồng bào, má Lê Thị Sảnh (má Sảnh) bước lên khán đài trao cây vú sữa được bứng trong vườn và nhờ chuyển ra Bắc dâng tặng Bác Hồ... Cây vú sữa được đưa lên tàu mang theo tình cảm, tấm lòng kính yêu Bác Hồ, trở thành biểu tượng tấm lòng đồng bào miền Nam với Bác và ngược lại...

Cây vú sữa và niềm tin ngày thống nhất

Nhà má Sảnh ở gần Ranh Hạt nằm cặp bờ kênh Chắc Băng (đoạn giáp ranh giữa huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là địa điểm bộ đội tập trung để lên tàu ra Bắc sau khi Hiệp định Geneve có hiệu lực. “Giai đoạn từ cuối năm 1949 đến 1955, Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam đóng tại Cà Mau. Điểm Chắc Băng và sông Đốc là nơi tập tập kết của khu vực Cà Mau”, ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau thông tin thêm.

Ông Nguyễn Văn Dậu (Hai Dậu), người có nhiều năm tự nguyện trông coi Phủ thờ Bác Hồ bên cây vú sữa được chiết nhánh từ cây vú sữa miền Nam trong vườn Bác.

Ông Nguyễn Văn Dậu (Hai Dậu), người có nhiều năm tự nguyện trông coi Phủ thờ Bác Hồ bên cây vú sữa được chiết nhánh từ cây vú sữa miền Nam trong vườn Bác.

Theo nhiều tư liệu và qua lời kể của người thân má Sảnh và người dân địa phương, thời điểm đó, má nuôi giấu nhiều bộ đội, nhà có gì ngon, má cũng dành cho các anh. Có lần, má chẳng tiếc thịt luôn con gà mái đẻ để nấu cháo, bồi dưỡng cho các anh.

Má Sảnh sinh năm 1903, mất ngày 9/5/1986. Trò chuyện với phóng viên Báo CAND, ông Lê Thanh Hùng, 54 tuổi, người gọi má Sảnh bằng bà nội và là người đang chăm sóc phần mộ, thờ cúng má Sảnh kể: “Lúc còn sống, má tôi (bà Nguyễn Thị Bảy - con dâu má Sảnh, cũng là người sống chung với má Sảnh lúc sinh thời) kể lại, bà nội tôi rất thương bộ đội và đặc biệt kính yêu Bác Hồ. Bà nội thường hay xay bột, đổ bánh cho bộ đội ăn. Trước khi bà mất, chiếc cối xay ấy được giao lại cho con dâu giữ làm kỷ niệm”, ông Hùng nhớ lại. Lần về Cà Mau gần chục năm trước, chúng tôi được lãnh đạo bảo tàng tỉnh cho biết gia đình đã hiến tặng cho bảo tàng hiện vật quý, đó là chiếc cối xay bột này.

Những ngày bộ đội tập kết về Chắc Băng để di chuyển ra Bắc, má Sảnh muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa để gửi đến Bác Hồ, thể hiện tấm lòng của má nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung với Bác. Trong buổi lễ tiễn đưa bộ đội xuống tàu, sau khi nghe đại diện đơn vị 370 (nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân) phát biểu từ giã đồng bào, má Sảnh bước lên khán đài trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa được bứng trong vườn và nhờ chuyển đến dâng lên Bác Hồ. Má Sảnh muốn gửi gắm tình cảm, khi Bác thấy cây vú sữa cũng như thấy đồng bào miền Nam. Và, má hứa sẽ cùng với đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày thống nhất đất nước...

Đầu năm 1955, trên con tàu Kilinki (mang quốc tịch Ba Lan), đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tập kết ra Bắc. Trên con tàu ra Bắc ấy cây vú sữa được chăm sóc rất đặc biệt. Mấy ngày trên biển, sóng gió nhưng nhờ được thường xuyên tưới bằng nước ngọt nên khi tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), cây vẫn xanh tươi. Mọi người trên tàu đều rất vui. Mồng 3 Tết năm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ (khi đó là Phó Bí thư, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng) và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (khi đó là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách đoàn cán bộ tập kết) đã mang cây vú sữa vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi được biết đây là cây vú sữa của đồng bào tận vùng đất mũi Cà Mau gửi tặng. Cây vú sữa được Bác trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch.

Tài liệu do ông Nguyễn Trung Đỉnh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Thới Bình cung cấp cho biết, do vú sữa là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam, ít chịu được lạnh ở miền Bắc nên mặc dù bận nhiều công việc nhưng trước giờ làm việc mỗi ngày, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi đổ.

Nhờ sự quan tâm chăm sóc của Bác và những đồng chí phục vụ, cây vú sữa lớn dần, cành lá sum sê và vươn cao, rễ bám sâu vào lòng đất. Cây vú sữa trong vườn Bác từ những năm tháng đó đã trở thành biểu tượng về tấm lòng của Bác luôn nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt, đang phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước. “Hình ảnh cây vú sữa mang ý nghĩa sâu xa. Hằng ngày, Bác chăm sóc cây vú sữa, như là Bác đang nâng niu tình cảm của miền Nam. Hình ảnh của miền Nam ở bên cạnh Bác. Cây vú sữa của Cà Mau, đại diện cho miền Nam có mặt bên cạnh Bác, như lời hứa của nhân dân miền Nam với Bác không bao giờ rời xa. Bắc - Nam sẽ là một nhà”, ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau chia sẻ.

Qua lời kể của nhiều cán bộ, trước khi mất, Bác có căn dặn một khi đất nước độc lập mà Bác chưa được vào Nam, Bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác, sau đó cho nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại cho đồng bào miền Nam.

Ông Lê Thanh Hùng (bên trái) - cháu nội của Má Sảnh.

Ông Lê Thanh Hùng (bên trái) - cháu nội của Má Sảnh.

Tấm lòng người dân miền Nam với Bác

Năm 2007, tưởng nhớ những tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam và tấm lòng của đồng bào miền Nam với Bác, huyện Thới Bình đã xây dựng bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”. Bia kỷ niệm được xây dựng ngay tại khu mộ má Sảnh. Từ quốc lộ 63 nhìn vào, có thể thấy rõ tấm bia kỷ niệm với hình ảnh thân thương Bác Hồ đang tưới, chăm sóc cây vú sữa. Trên tấm bia kỷ niệm khắc rõ dòng chữ: “Má Lê Thị Sảnh, người gởi cây vú sữa miền Nam dâng tặng Bác Hồ nhân dịp chuyến tàu tập kết ra Bắc, năm 1954. Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam”.

Nằm trong chuỗi sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc, Tỉnh ủy Cà Mau đã cho triển khai thực hiện dự án đầu tư xây bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”. Cuối tháng 5/2024 vừa qua, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác của tỉnh đã khảo sát thực tế. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu phải trùng tu, nâng cấp cả khu mộ của má Sảnh và tạo thành khuôn viên di tích.

Rời khu mộ của má Sảnh, xuôi theo quốc lộ 63 nằm trên bờ kênh Chắc Băng, chúng tôi rẽ vào đường bê tông cặp con kênh 7 để đến phủ thờ Bác Hồ. Trước đây, cả nơi mộ phần má Sảnh, bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ” và phủ thờ đều cùng thuộc địa phận xã Trí Phải. Sau khi chia tách địa giới hành chính, nay nơi phủ thờ tọa lạc thuộc xã Trí Lực. Phủ thờ cũng nằm cạnh bờ kênh, bên trái có trồng cây vú sữa được nhân giống từ chính cây vú sữa mà 70 năm trước má Sảnh gửi ra Bắc để dâng tặng Bác.

Theo tâm nguyện của Bác lúc sinh thời, từ cây vú sữa trong vườn Bác, bằng phương pháp chiết cành, có 4 cây chiết cho rễ khỏe nhất được chuyển vào Nam. Tuy nhiên, khi vận chuyển về tới Bạc Liêu thì chỉ 2 cây còn sống. Sáng 19/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, cây vú sữa được chuyển từ thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) về xã Trí Phải. Tại đây, một buổi lễ trang nghiêm đã diễn ra - đại diện Huyện ủy Thới Bình và Đảng ủy xã Trí Phải nhận bàn giao cây vú sữa và mang về trồng trong khuôn viên phủ thờ Bác Hồ; một cây được gửi tặng lại gia đình má Sảnh. Trải qua thời gian, cây vú sữa nhiều lần bị sâu đục thân tấn công, nguy cơ bị chết nhưng chính quyền địa phương và nhân dân đã tìm mọi cách để cứu sống. Cây vú sữa tại phủ thờ hiện cành lá xanh tươi.

“Mấy chú, mấy bác cán bộ lão thành cách mạng rất nâng niu, dày công chăm sóc nên cây vú sữa mới tốt được như ngày nay. Năm 2009, nhân dịp Quốc khánh 2/9, mấy chú trong Hội Cựu chiến binh đến viếng phủ thờ thì phát hiện cây vú sữa đơm bông kết trái. Khoảng 3 tháng thì trái chín, trái rất tròn nhưng chỉ ra đúng 9 trái. Mấy chú, bác, anh em có hái ăn, trái rất ngọt. Ai cũng tự hào khi ăn trái vú sữa được chiết ra trồng từ cây vú sữa ở vườn Bác do má Sảnh gửi ra dâng lên Bác Hồ năm đó”, ông Nguyễn Văn Dậu (Hai Dậu), 68 tuổi, người có nhiều năm tự nguyện tham gia trông coi phủ thờ kể lại.

Chúng tôi thật sự cảm động khi được biết ông Hai Dậu cũng chính là người đã trực tiếp tham gia xây dựng phủ thờ này. Cụ thể, tháng 9/1969, hay tin Bác mất, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được người dân dựng lên khắp nơi trên mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, biểu tượng của niềm thương yêu, kính trọng đối với Bác. Trí Phải là một trong những địa phương xây dựng phủ thờ với lòng kính yêu Bác vô hạn. “Nơi đây hồi chiến tranh bị bom đạn cày xới nên đó là một cái lung rộng và sâu; xung quanh hoang vu, lau sậy mọc um tùm”, ông Hai Dậu nói.

Khi khởi công xây dựng phủ thờ vào năm 1973, hàng trăm, hàng ngàn lượt người ở xã Trí Phải và vùng lân cận (chủ yếu là thanh niên) đã vận chuyển đất từ nơi khác đến để đắp nền. Lực lượng thanh niên được chia thành nhiều đội, có hậu cần, cứu thương, thông tin phục vụ công trình. Thời gian đắp nền bị gián đoạn nhiều lần do địch càn quét. Đến tháng 8/1974, nền đắp xong mới tiến hành cất phủ thờ Bác Hồ. Đền thờ được xây dựng trên nền đất hình chữ nhật 3 mái, cột tràm, mái lợp tôn, vách bằng ván tràm, mắm. Mặt trước quay về hướng Tây, có khoảng sân rộng 200 m2 trồng hoa kiểng, cột cờ. Mặt sau có con mương chạy dài, để ghe xuồng dễ cập bến khi bộ đội, cơ quan và nhân dân đến dâng hương tưởng niệm, trên bờ trồng cây ăn trái. Phần bài trí bên trong đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm.

Phóng viên Báo CAND bên Bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”.

Phóng viên Báo CAND bên Bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”.

“Ngày 19/5/1974, công trình được khánh thành vào đúng ngày sinh của Bác. Phủ thờ là nơi để nhân dân thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác, đặc biệt cũng là nơi thiêng liêng để dân quân, du kích, bộ đội chủ lực đến dâng hương trước khi xuất trận và khi thắng trận trở về lại dâng hương báo tin vui với Bác”, ông Hai Dậu cho biết. Hiện nay, phủ thờ Bác Hồ đã được trùng tu, xây dựng lại. Năm 1996, phủ thờ Bác Hồ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 23 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ, trong đó 3 phủ thờ, đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: Đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An (huyện Ngọc Hiển); đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước) và phủ thờ Bác tại xã Trí Lực (huyện Thới Bình). Có 8 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ được xây dựng ngay trong năm 1969 để thể hiện tấm lòng thành kính của người dân với Bác kính yêu, khi người dân Cà Mau hay tin Bác qua đời.

Trong nhiều nhà dân ở Cà Mau đều treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng nhất. Nhiều gia đình lập ban thờ Bác trang nghiêm và hằng ngày hương khói tưởng nhớ, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách của Người.

Thái Bình - Văn Vĩnh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cay-vu-sua-va-tinh-cam-sau-nang-cua-bac-voi-dong-bao-mien-nam-i742536/