Cha - Giai điệu bình yên nơi trái tim con

Người ta vẫn thường nói, mẹ dịu dàng như khúc hát ru êm đềm vỗ về tháng năm, còn cha vững chãi như bờ thành che chắn mọi giông bão. Thế nhưng, trong miền ký ức và sâu thẳm trái tim tôi, hình bóng cha và mẹ lại hòa quyện thành một bức tranh bình yên, nơi mỗi ngày tuổi thơ tôi đều được vun đầy bởi tình yêu thương, sự chở che ấm áp, nhẹ nhàng và từ tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: AI

Mùi của cha và miền ký ức xanh rêu

Ngày ấy, căn nhà nhỏ của chúng tôi nghèo lắm. Mẹ tảo tần bên sạp hàng chợ từ tờ mờ sáng đến chiều tối, còn cha, ngày nào cũng về nhà với tấm lưng đẫm mồ hôi. Cha là thợ xây. Tôi vẫn nhớ như in cái mùi tường vôi, mùi xi măng ám vào người cha mỗi khi cha bước qua ngưỡng cửa. Thoạt đầu thấy lạ, rồi dần quen, cái mùi ấy trở thành một phần thân thuộc đến nỗi, nếu hôm nào cha đi công trình xa, tôi lại thấy thiếu vắng đến lạ.

Người ta vẫn nghĩ thợ xây thì khô khan, cục mịch. Nhưng cha tôi, trời phú cho một tâm hồn nghệ sĩ. Bàn tay cha, dù chai sần, thô ráp vì công việc nặng nhọc, lại có thể vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp, sống động như một họa sĩ thực thụ. Bức tranh cha vẽ tôi ngày nhỏ vẫn được treo trang trọng nơi góc nhà, không chỉ là kỷ niệm, mà còn là niềm tự hào để tôi khoe mỗi khi có ai đó ghé thăm. Cha còn đàn, còn hát rất hay nữa. Mẹ kể, thuở xưa, gia đình nội tôi khó khăn vô vàn, cha là anh cả trong mười ba anh em, nên những ước mơ nghệ thuật đành phải gác lại, nhường chỗ cho gánh nặng mưu sinh và trách nhiệm với các em. Có lẽ vì vậy mà cha tôi luôn nhường nhịn, yêu thương các em hết mực. Cái nghiêm của cha, nếu có, không lộ ra bằng lời mắng, mà nằm lặng thinh trong ánh mắt dõi theo, nơi bờ vai rộng mỗi khi tôi nép vào. Từ nhỏ đến lớn, tôi và anh hai chưa bao giờ biết đến đòn roi. Câu nói "thương cho roi cho vọt" dường như không có chỗ đứng trong cách cha tôi yêu thương và nuôi dạy chúng tôi.

Tuổi thơ tôi đẹp nhất có lẽ là những đêm trăng tròn vành vạnh. Cha mang đàn ra, tiếng đàn trầm bổng hòa cùng giọng hát ấm áp của cha, của mẹ, của anh hai và tôi trước hiên nhà. Dưới ánh trăng vàng, cả gia đình tôi quên đi mọi nhọc nhằn, vất vả, chỉ còn lại yêu thương và hạnh phúc đong đầy. Tiếng hát cha vang lên, anh hai gõ nhịp, mẹ và tôi vỗ tay. Chúng tôi đắm chìm trong những giai điệu của tình thân, của sự bình yên đến lạ. Dù cuộc sống có gian khó đến mấy, cha mẹ vẫn cố gắng chắt chiu, lo cho hai anh em tôi được đến trường, có cái chữ như bạn bè.

Những ngày cuối tuần, khi anh hai chọn theo mẹ ra chợ, tôi lại lẽo đẽo theo cha đến công trường. Tôi tự chơi riêng một góc với những viên gạch, những nắm cát, nhưng ánh mắt tôi chẳng lúc nào rời khỏi bóng cha. Tôi dõi theo từng bước chân cha leo trèo trên những giàn giáo cao. Dưới cái nắng hè như đổ lửa, mồ hôi cha nhễ nhại, thấm đẫm cả tấm lưng áo bạc màu. Lòng tôi thắt lại, thương cha không tả xiết. Tôi chỉ mong sau này, mình sẽ có một công việc ổn định, sẽ chăm chỉ, kiên trì để đáp đền công ơn trời biển của cha.

Tôi vẫn nhớ như in những đêm mưa tầm tã, cha và tôi phải ngủ lại công trường vì ở xa không về kịp. Dù đã chọn một góc trong cùng để tránh mưa, nhưng cơn mưa quá lớn vẫn tạt vào, làm ướt cả chỗ ngủ của hai cha con. Trong màn đêm lạnh buốt, cha chỉ biết ôm tôi vào lòng, lấy mền quấn quanh người tôi, rồi lấy áo khoác trùm thêm lên đầu hai cha con cho đỡ lạnh. Hơi ấm từ vòng tay cha, từ tấm áo khoác bạc màu ấy, đủ để tôi ngủ một giấc ngon lành đến sáng, bình yên đến lạ lùng trong vòng tay cha.

Điều tôi trân quý nhất, và cho đến tận bây giờ, khi đã gần 40 tuổi, đã là cha của hai cậu con trai nghịch ngợm không kém gì tôi và anh hai ngày trước, đó chính là buổi sáng khi thức dậy, được cha rửa mặt cho mình. Một tay cha nhẹ nhàng xoa và giữ đầu tôi, vuốt cho mấy cọng tóc dựng ngược sau đêm dài - nằm ngay ngắn xuống. Nhưng tuyệt vời nhất, lay động nhất, đó là khi bàn tay thô ráp, rắn rỏi, đầy những chai sần của cha chạm vào mặt tôi. Chẳng mềm mại, mịn màng gì cả, nhưng bàn tay ấy mang đến cho tôi sự che chở, bình yên và êm đềm đến lạ. Mỗi nốt chai sần trên bàn tay cha như một dấu khắc sâu vào tâm trí tôi những vất vả, nhọc nhằn mà cha đã gánh chịu, để rồi mang đến ấm áp, bình yên và yêu thương cho cuộc sống gia đình tôi theo năm tháng. Giờ đây, khi tự tay rửa mặt cho hai đứa con trai mình, tôi lại cảm thấy sợi dây vô hình kết nối thiêng liêng với cha, như được tiếp nối hơi ấm yêu thương ấy qua từng thế hệ.

Giai điệu yêu thương còn mãi

Từ ngày trưởng thành, tôi rời xa vòng tay cha mẹ, đi lập nghiệp nơi xa và xây dựng gia đình riêng. Dù vậy, tôi vẫn luôn sắp xếp để về thăm cha mẹ vào mỗi dịp nghỉ phép hay lễ, Tết. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn hằng khao khát được trở về với những đêm trăng thanh bình năm xưa, được quây quần trước hiên nhà, cùng cha mẹ và anh hai cất lên những khúc ca yêu thương. Giờ đây, nếu khoảnh khắc ấy thành hiện thực, chắc hẳn niềm vui sẽ vỡ òa hơn, bởi "ban nhạc gia đình" ngày nào nay đã thêm đông thành viên, thêm tiếng cười nói rộn ràng, cùng những vòng tay bé nhỏ của các cháu nội xúm xít xung quanh.

Năm nay, cha tôi đã tròn 70 tuổi. Ở cái tuổi mà dáng hình không còn linh hoạt, nhanh nhẹn như trước, mái tóc đã điểm màu thời gian, tôi biết mình may mắn khi vẫn còn được nghe giọng cha qua điện thoại, được nhìn ngắm cha mẹ sớm tối thủ thỉ có nhau qua những cuộc gọi video mỗi khi nỗi nhớ dâng đầy. Cảm ơn cuộc đời đã cho cha một người bạn đời tuyệt vời là mẹ tôi kề bên. Và cho cả tình yêu âm nhạc, tâm hồn nghệ sĩ không đổi qua bao nhiêu năm tháng. Đó chính là niềm vui nho nhỏ ở tuổi thất thập để cha có thể khỏa lấp nỗi buồn khi con cháu không ở gần bên.

Tôi tự hào về cha, và các cháu nội của cha lại càng tự hào về ông nội của chúng qua những câu chuyện tôi kể mỗi ngày. Giai điệu yêu thương mà cha đã thắp lên trong lòng tôi từ những ngày thơ bé ấy, tôi sẽ mãi ấp ôm, trân trọng, gìn giữ như một món quà kỷ niệm quý giá nhất cho tôi và tổ ấm của mình. Chỉ mong cha và mẹ luôn mạnh khỏe để hiên nhà thân thương vẫn đợi chờ, để những đêm trăng bình yên lại được thắp sáng. Rồi cả nhà mình lại cùng nhau cất vang khúc ca: "Cả nhà thương nhau", cha nhé!

Hoàng Bách Khoa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202507/cha-giai-dieu-binh-yen-noi-trai-tim-con-82803f4/