Cha, mà không phải là cha!
Có những khuất tất trong lịch sử, hay là những khoảng mờ, khoảng trống trong lịch sử, nếu không có thơ ca, thì không thể nào lý giải những tồn nghi do lịch sử để lại, kể từ hàng ngàn năm trước.
Năm 2018, khi giải mã thơ ca đời Lý-Trần, chúng tôi đã dịch thơ và bình giải bài thơ "Sinh lão bệnh tử" của tác giả có pháp danh là Ni Cô Diệu Nhân (1041-1113).
Căn cứ tài liệu nguồn từ sách "Thơ văn Lý Trần” do Viện văn học biên soạn (1977), thì Ni Cô Diệu Nhân tên thật là Lý Ngọc Kiều, con gái của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung được gả cho Châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Khi chồng nàng (Châu mục châu Chân Đăng) chết, Lý Ngọc Kiều không tái giá. Nàng bỏ đi tu ở chùa Kiến Sơ, Kinh Bắc, nay thuộc Gia Lâm-Hà Nội, pháp danh là Diệu Nhân…
Ni cô Diệu Nhân rất xinh đẹp. Hơn thế, Diệu Nhân còn là người đứng đầu thế hệ thứ 17, dòng Thiền Nam Phương.
Tưởng rằng như thế thì hành trạng tác giả Lý Ngọc Kiều đã tỏ tường rồi. Vậy nhưng, sự thật lại không hề đơn giản, không phải là sáng rõ như vậy. Từ xửa từ xưa, vốn đã có rất nhiều quan chức, tưởng rằng "lý lịch trích ngang" đã tường minh, nhưng mà không hẳn là như thế. Chuyện thâm cung bí sử dài dài, thôi không nói nữa…
Những điều còn khuất tất đại khái mơ hồ sương khói như vậy, lại có ở chính tác giả Lý Ngọc Kiều mà tôi đang nói đây.
Lý Ngọc Kiều (Ni Cô Diệu Nhân) không rõ sáng tác như thế nào, chỉ thấy còn duy nhất bài thơ tứ ngôn bát cú (bốn chữ tám câu).
"Sinh lão bệnh tử"
Sinh lão bệnh tử
Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phọc thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu.
Đỗ khẩu vô ngôn.
Dịch nghĩa:
Sinh lão bệnh tử/ Lẽ thường xưa nay vẫn thế/ Muốn cầu siêu thoát/ Nhưng cởi trói cũng chính là buộc chặt thêm/ Mê muội thì mới cầu Phật/ Nhầm lẫn thì mới cầu Thiền/ Chẳng cầu Thiền, chẳng cầu Phật/ Mím mồm lại, không nói gì!
Dịch thơ:
Sinh ra, già ốm, rồi đi,
Lẽ thường nhiên, chả có gì xưa nay.
Muốn cầu siêu thoát, mới hay
Rằng mong cởi trói, lạt dày buộc thêm.
Muội mê cầu Phật miếu đền,
Lên non xuống bể cầu Thiền thấy đâu.
Thần Phật ư, chớ nên cầu,
Tâm trong lặng lẽ, cần đâu nói gì!
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Bài thơ tứ ngôn bát cú, không hề thấy điển cố điển tích gì, cho nên nó cũng có vẻ giản dị, dễ hiểu, như một câu nói thường.
Tuy nhiên lại nghĩ, Ni Cô Diệu Nhân, người đứng đầu thế hệ thứ 17 dòng Thiền Nam Phương, lại bàn về sinh - lão - bệnh - tử, về Thiền, về Phật, nghe có vẻ rất lạ lùng. Chính Ni Cô tu Phật, thành tâm hướng theo giáo lý Thiền, lại khuyên người ta chớ nên cầu Phật cầu Thiền làm chi. Lạ ở chỗ ấy. Không lạ cũng ở chỗ ấy.
Nhưng cái lạ mà không lạ, nó lại nằm ở hai câu cuối bài thơ, như một tuyên ngôn, như một đúc kết hàm súc chân lý huyền diệu của Phật pháp: "Thiền Phật bất cầu / Đỗ khẩu vô ngôn" (Chẳng cầu Thiền, chẳng cầu Phật / Ngậm miệng lại, không nói gì).
Bàn về chữ "vô ngôn", xưa nay người ta đã bàn nhiều. Và cũng có những cách hiểu về chữ "vô ngôn" không hẳn là giống nhau. "Vô ngôn", theo nguyên nghĩa là "không nói". Thế thôi ư? Ni Cô Diệu Nhân bảo rằng chẳng cần cầu Phật cầu Thiền làm gì cho vất vả khó nhọc đến thân. Chỉ cần mím môi ngậm miệng lại, không nói gì. "Vô ngôn". Im lặng. Nhưng mà im lặng là để gửi cái tâm Thiền của mình trong lặng lẽ, không cần nói ra lời.
Cũng vậy, "vô vi" là không làm gì. Chỉ thuận theo tự nhiên. Nhưng hiểu sâu hơn "vô vi", không làm, mà làm đấy. Làm theo lẽ tự nhiên. Chứ nếu không làm gì thì không thể có sự vận động chủ quan của con người vào thực tại. Mọi việc không thể tiến lên được…
Một hôm ngồi đàm đạo với một người bạn tâm giao mà tôi rất kính trọng. Ông bảo rằng mình đã vài chục năm đọc OSHO. Lúc đầu chả hiểu được là bao. Mãi đến nay, mới vỡ ra nhiều điều. Không đơn giản một tẹo nào đâu. Ông bảo tôi dịch câu cuối bài thơ "Sinh lão bệnh tử" của Ni Cô Diệu Nhân chưa tới bến. Tôi phải dịch câu ấy lại như đã đăng ở trên. Lại hỏi đã đọc sách "Trò chuyện với cõi vô hình" hay chưa? Cuốn ấy thì nên đọc đoạn viết về việc tìm mộ công chúa Lý Kiều Oanh, mới tỏ tường hơn về Ni Cô Diệu Nhân. Tôi bảo đã đọc cách nay hơn chục năm rồi, trên Tạp chí Xưa&Nay. Ông bảo, cái ấy chỉ nêu việc, nêu kết quả thôi, còn diễn biến nội dung câu chuyện thì chưa rõ. Rồi ông ghé tiệm sách, mua luôn cho tôi cuốn ấy.
Tôi mang sách về đọc. Nay mới vỡ ra cái điều tưởng như đã sáng tỏ rồi đấy, mà thực ra không phải như vậy.
Ở đời nhà Lý, vua Lý Thái Tông một hôm ra ngoài thành Thăng Long ngắm trời ngắm đất, bất chợt thấy một cô gái quê trẻ đẹp, thông minh. Vua rất cảm mến cô, liền đem về làm cung nhân hầu hạ Hoàng hậu.
Ít lâu sau nàng mang thai rồng. Hoàng hậu yêu vì, nhưng lo ngại một số bà Phi sinh lòng đố kỵ, ghen ghét, sẽ tìm cách ám hại. Hoàng hậu theo ý vua, bèn tổ chức kịch bản một cuộc đào tẩu êm ru, đến một nơi khác an toàn. Nàng sinh hạ một cô công chúa rất xinh đẹp, đặt tên là Lý Kiều Oanh.
Nhà Lý thường gả các công chúa cho các thủ lĩnh vùng biên cương, như một "sáng kiến" hay, giữ yên vùng phên giậu cho đất nước. Ví như tù trưởng động Giáp Vũ Thành ở mạn Bắc Giang, Dương Tự Minh ở vùng Thái Nguyên chẳng hạn.
Công chúa Lý Kiều Oanh được vua Lý Thái Tông cho kết duyên cùng Bảng Nhãn Hồ Đức Cường. Hồi đó, vùng biên ải phủ Tân Bình (Quảng Bình) có giặc quấy nhiễu. Vua sai Phò Mã Hồ Đức Cường và Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung vào phủ Tân Bình chống giặc.
Một vài trận đánh ác liệt chống giặc Tống và Chiêm Thành đã diễn ra. Quân nhà Lý thắng lớn. Tuy nhiên, trên đường ra Thăng Long báo công trở về, Phò Mã Hồ Đức Cường bị bọn giặc cỏ bao vây phục kích, dùng tên bắn chết. Thi thể tướng quân Hồ Đức Cường được an táng bên sông Nhật Lệ, đoạn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bây giờ. Ông hy sinh, mà chưa biết vợ mình là công chúa Lý Kiều Oanh đã mang thai.
Buồn lo nhiều lắm. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Nhưng rồi Lý Kiều Oanh cũng đến kỳ sinh nở. Nàng sinh hạ được con gái. Nhưng rồi nàng kiệt sức. Biết mình không thể qua khỏi, Lý Kiều Oanh đem con gái ký thác cho anh trai (cùng cha khác mẹ) là Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, bấy giờ đang trấn thủ ở Tân Bình, rồi lặng lẽ về trời.
Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung nhận cháu gái làm con nuôi, đặt tên là Lý Ngọc Kiều. Lý Ngọc Kiều, con gái của Tướng quân Hồ Đức Cường và công chúa Lý Kiều Oanh, mang họ Lý là thế. Lý Ngọc Kiều lớn lên xinh đẹp thông minh như mẹ nàng, được vua gả cho Châu mục châu Chân Đăng. Chồng chết, nàng đi tu, lấy Pháp danh là Diệu Nhân, như ta đã thấy!
Việc tìm kiếm, phát hiện ra ngôi mộ của công chúa Lý Kiều Oanh, con gái vua Lý Thái Tông là một câu chuyện rất ly kỳ. Nàng đã báo mộng cho nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, quê gốc tỉnh Nam Định, nhưng theo cha lên sinh sống ở Lào Cai. Quá trình tìm kiếm mấy năm trời, vô cùng vất vả. Cuối cùng thì lăng mộ của công chúa Lý Kiều Oanh, mẹ Ni Cô Diệu Nhân (Lý Ngọc Kiều) đã được khai quật, xác minh khoa học. Thân thế Ni Cô Diệu Nhân, tác giả bài thơ trên đây đã được sáng tỏ.
Tôi viết bài này, chẳng qua cũng chỉ nói rõ thêm đôi chút về hành trạng tác giả bài thơ thế thôi. Câu chuyện thế giới tâm linh huyền diệu lắm! Chẳng phải là cũng đáng sợ lắm hay sao?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cha-ma-khong-phai-la-cha--i751794/