Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, cần thêm nhiều nỗ lực

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Ngày 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 1/12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mít tinh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau gần 35 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu.

Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình.

Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Toàn cảnh lễ mít tinh. (Ảnh: Trần Minh)

Toàn cảnh lễ mít tinh. (Ảnh: Trần Minh)

Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hằng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV.

Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu và Trung Á kêu gọi, hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu của quốc gia. Đó là các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao cần được mở rộng hơn nữa. Khoảng trống còn lớn giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người tham gia điều trị kháng HIV cần được lấp đầy. Các hành động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và bảo đảm mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Marc. E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: "Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cam kết mạnh mẽ về chính trị, chương trình, kỹ thuật và tài chính ở các cấp cao nhất và tại các địa phương để thu hút sự tham gia đa ngành ở tất cả các cấp và huy động sự tham gia của cộng đồng. Trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho các quốc gia khác khi họ cũng tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo trong nước tốt hơn để duy trì ứng phó với HIV”.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, sáng kiến mới về phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai đa dạng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.

Triển khai đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, xác định các tồn tại, hạn chế của các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa hiệu quả, có nguy cơ không đạt được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố kịp thời.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP căn cứ tình hình nhiễm HIV/AIDS thực tế, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS để đầu tư bảo đảm phân bổ đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và giao các chỉ tiêu cụ thể đến với từng cấp xã, cấp huyện với tinh thần quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với các cơ quan và chính quyền các cấp.

Đồng thời người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tiếp tục tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, giúp Việt Nam cập nhật tiến bộ khoa học, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.

Ngay sau buổi mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có buổi gặp mặt, trao đổi với các đối tác, các tổ chức quốc tế đã chung vai, sát cánh với ngành y tế trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS suốt thời gian qua.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/cham-dut-benh-aids-vao-nam-2030-can-them-nhieu-no-luc--i751811/