Chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cùng với những hy sinh nơi tiền tuyến khốc liệt là sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ tảo tần ở hậu phương, những người vĩnh viễn mất đi người thân yêu nhất của mình vì sự nghiệp cách mạng. Để bù đắp phần nào sự mất mát vô cùng to lớn ấy, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên đã chú trọng quan tâm, thực hiện chu đáo công tác chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, góp phần tô đẹp truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc Việt Nam.

Cán bộ xã Quỳnh Phụ thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái.

Cán bộ xã Quỳnh Phụ thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gái ở xã Quỳnh Phụ có chồng là liệt sĩ Vũ Viết Đông, hy sinh năm 1952 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cha đi trước, con tiếp bước theo sau. 20 năm sau, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, con trai mẹ là liệt sĩ Vũ Viết Châu đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Mất chồng rồi mất con, đó là tổn thất vô cùng lớn lao, không gì đo đếm được khi mẹ Gái mất đi những người thân yêu nhất của mình vì sự nghiệp cách mạng.

Xác định việc chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng là đạo lý, trách nhiệm của thế hệ hôm nay, các cấp, ngành trong tỉnh luôn dành sự quan tâm, chăm lo chu đáo để mẹ Gái phần nào vơi đi những đau thương, mất mát, để mẹ được sống vui, sống khỏe. Theo chia sẻ của ông Vũ Duy Tư, con rể mẹ Gái: Những năm qua, gia đình luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành mỗi dịp lễ, tết. Ngoài các phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh theo quy định, các cấp lãnh đạo, chính quyền luôn dành những lời thăm hỏi, động viên tới gia đình. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Trung ương đã về động viên, thăm hỏi mẹ tôi và gia đình. Đó là sự quan tâm chu đáo, kịp thời để mẹ nguôi ngoai nỗi đau mất mát chồng, con, đồng thời là động lực để gia đình tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; sống gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ở xã Thư Vũ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sen có người con trai duy nhất là liệt sĩ Trần Duy Hải hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc khi anh vừa tròn 20 tuổi. Hưởng ứng phong trào Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư là đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sen suốt đời. Chị Hoàng Ánh Hưng, Bí thư Đoàn thanh niên, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư chia sẻ: Với lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi dành sự quan tâm, chăm lo chu đáo để mẹ Sen phần nào vơi đi những đau thương, mất mát, để mẹ được sống vui, sống khỏe. Ngoài kinh phí chăm sóc hàng năm, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên mẹ. Mỗi lần đi, chúng tôi đều cử bác sĩ đi cùng để khám sức khỏe cho mẹ. Khi sức khỏe của mẹ không tốt thì chúng tôi sẽ đưa mẹ lên bệnh viện để chăm sóc và điều trị. Chúng tôi luôn tâm niệm đây là việc làm ý nghĩa, bù đắp phần nào những đau thương, mất mát, giúp mẹ có cuộc sống ổn định, tinh thần và sức khỏe tốt.

Các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Vũ Thư thăm hỏi, động viên và khám sức khỏe cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sen.

Các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Vũ Thư thăm hỏi, động viên và khám sức khỏe cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sen.

Sự hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng là vô cùng to lớn, công tác chăm lo, phụng dưỡng các mẹ bởi vậy được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện bằng hành động cụ thể và tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Nhiều đơn vị, tổ chức không chỉ gửi tiền trợ cấp mà còn phân công cán bộ thường xuyên thăm nom, động viên, chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống của các mẹ. Ở nhiều nơi, những cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên đã coi mẹ như người thân ruột thịt, đến nấu ăn, dọn dẹp, đưa mẹ đi khám bệnh, tổ chức sinh nhật, mừng thọ cho mẹ…Toàn tỉnh có trên 7,8 nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đến nay, còn 68 mẹ còn sống đang được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ông Bùi Văn Quyết, Phó trưởng Phòng Người có công, Sở Nội vụ cho biết: Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải gánh chịu những nỗi đau khôn nguôi khi chồng, con của mình vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng tôi xác định rõ việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội.

Số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh còn sống ngày càng giảm dần, phần lớn các mẹ tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Nhiều mẹ sống đơn thân hoặc không còn người thân bên cạnh. Chính bởi vậy, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa để đền đáp phần nào công ơn của người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đỗ Hồng Gia

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/cham-lo-phung-duong-ba-me-viet-nam-anh-hung-3182862.html