Chạm vào nhịp sống xanh
Việc Công viên Thống Nhất dỡ hàng rào sắt được xem là bước tiến đáng kể trong nỗ lực kiến tạo một đô thị thân thiện, hiện đại, lấy con người làm trung tâm.
Hơn 650m hàng rào sắt đoạn từ phố Trần Nhân Tông tới phố Đại Cồ Việt được tháo dỡ mới đây đã giúp Công viên Thống Nhất khoác lên mình một diện mạo mới, thân thiện và dễ gần. Qua đó, công viên này trở thành biểu tượng cho nỗ lực kiến tạo không gian công cộng thân thiện, kết nối và bền vững của Thành phố.
Chạm vào nhịp sống xanh
Những hàng rào sắt từng khiến Công viên Thống Nhất như một “ốc đảo” biệt lập giữa lòng Hà Nội nay đã được tháo dỡ. Một không gian vốn bị bó hẹp bỗng trở nên cởi mở, thân thiện, mang theo luồng sinh khí mới len lỏi khắp từng tán cây, con đường và cả tầm nhìn của người dân Thành phố.
Giữa nhịp sống hối hả và những khối bê tông san sát của đô thị, thì công viên - những khoảng xanh hiếm hoi - trở thành chốn để tâm hồn tìm thấy sự cân bằng, thư thái. Và khi công viên trở nên dễ tiếp cận hơn, không còn rào cản địa lý, giao thông hay tâm lý ngại ngần thì giá trị của nó không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện thể chất.
Ông Lê Huy Quang (phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP. Hà Nội) cho rằng: “Hàng rào này đáng ra phải phá đi từ lâu rồi, không gian thoáng đãng hơn, mọi người đi lại qua đây cũng dễ dàng hơn".
Chị Nguyễn Thị Hoàn (phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP. Hà Nội) cho biết: “Buổi sáng mình đi bộ qua đây nhìn rất thoáng, từ xa thôi là đã thấy được gần như toàn cảnh công viên rồi. Trước đây tôi toàn tập thể dục ở hồ Linh Quang với Văn Chương nhưng giờ thì sẽ ghé qua đây nhiều hơn”.
Chị Nguyễn Minh Phương (phường Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết: “Không gian xanh như này là nơi rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của người dân Thủ đô, là nơi để mọi người đến thư giãn, tập thể dục và kết nối”.
Không gian công cộng giờ đây không còn khép kín, mà mở ra để con người dễ dàng tiếp cận, hòa mình và thích nghi. Sự chuyển mình ấy phản ánh một tư duy quy hoạch mới - lấy con người làm trung tâm, tạo nên những nơi chốn nuôi dưỡng cả thể chất lẫn tinh thần. Ở đó, từng khoảng trời, hàng ghế đá, bụi hoa ven đường,… đều như lời mời gọi nhẹ nhàng, để chúng ta tạm rời guồng quay vội vã và chạm vào một nhịp sống xanh - bình yên, bền vững và đầy cảm hứng.
Việc dỡ bỏ hàng rào sắt tại Công viên Thống Nhất đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, không chỉ trong cảnh quan đô thị mà là trong tư duy quản lý khi đã đặt sự tiện lợi, hạnh phúc của người dân làm thước đo.
Giữ gìn không gian xanh
Cởi mở, thân thiện và kết nối - những giá trị mới đang dần hiện diện ở các công viên Hà Nội sau khi không gian công cộng được mở rộng. Việc tháo dỡ rào chắn, cải tạo hạ tầng và chỉnh trang cảnh quan đã giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những mảng xanh quý giá giữa lòng đô thị.
Tuy nhiên, đi cùng với sự cởi mở là những hệ lụy không thể bỏ qua. Từ việc xả rác bừa bãi, tiếng ồn kéo dài, lấn chiếm không gian chung để tổ chức ăn uống, vui chơi tự phát, đến hoạt động buôn bán hàng rong thiếu kiểm soát... những hình ảnh ấy phần nào làm phai mờ ý nghĩa của một không gian sinh thái - nơi người dân được thư giãn và tái tạo năng lượng.
Chị Phạm Thị Lan (phường Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi đi tập ở đây chục năm rồi, không gian thoáng mát và trong thời gian gần đây mọi người có xu hướng muốn đi tập ở công viên nhiều hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất với mỗi người khi đi tập ở công viên là an ninh an toàn phải bảo đảm, thứ hai là không gian phải thoải mái”.
Chị Ngô Thị Thanh Huyền (phường Yên Hòa, TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi đi tập ở đây cũng phải hơn 20 năm rồi. Tôi mong rằng sau khi phá bỏ hàng rào, công viên vẫn giữ được mỹ quan, đảm bảo về môi trường xanh, an ninh tốt để người dân chúng tôi có thể yên tâm hưởng thụ”.
Từ việc xả rác bừa bãi, tiếng ồn kéo dài, lấn chiếm không gian chung cho mục đích cá nhân, đến tình trạng buôn bán tự phát thiếu kiểm soát trong công viên... nếu không có sự quản lý đồng bộ, những giá trị tích cực ban đầu rất có thể sẽ bị chính thói quen thiếu ý thức và buông lỏng giám sát làm lu mờ.
Chị Trịnh Thanh Xuân (phường Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết: “Không gian xanh ở đây rất quan trọng, ai cũng muốn có một không gian như vậy để có chỗ vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Tuy sau khi phá bỏ hàng rào sẽ có một số lo ngại về an ninh trật tự nhưng tôi nghĩ vấn đề đó sẽ dần được giải quyết”.
Không gian công cộng chỉ thực sự bền vững khi mỗi người biết gìn giữ và có trách nhiệm. Giữ gìn không gian xanh không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân. Khi ranh giới được mở, điều quan trọng là văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng phải được nâng lên - để những mảng xanh đô thị thực sự là chốn bình yên và gắn kết cộng đồng
Sáng sớm, khung cảnh một người dắt chó đi dạo, người thì chạy bộ, các cụ ông ngồi bên bồn hoa đánh cờ hay cảnh các em nhỏ nô đùa đã trở nên quá đỗi quen thuộc và giờ đây không gian công cộng được mở ra khi rào chắn được dỡ bỏ, nhiều người dân hơn nữa sẽ đến với nơi này, một chốn yên bình của Thủ đô.
Những thay đổi nhỏ đem lại giá trị lớn
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Khi công viên còn rào chắn thì vào công viên buồn lắm. Người ta ngại mua vé, dù chỉ 2.000 - 5.000 đồng thôi nhưng vào phải mua vé, họ cảm thấy công viên này không phải của họ nữa. Việc bỏ các hàng rào công viên, trả lại không gian cho người dân sẽ tạo môi trường sống tốt hơn, giúp thành phố được gắn bó với mỗi người dân hơn”.
Dưới sức ép của tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh, nhiều khu nhà ở cao tầng mọc lên, hạ tầng giao thông nới rộng… nhưng không gian xanh, không gian công cộng lại ngày càng thu hẹp lại, khiến cho cuộc sống của người dân đô thị phải đối mặt với sự ngột ngạt. Vì thế, việc phá bỏ hàng rào ở các công viên là đúng đắn, giúp con người được hòa mình vào không gian xanh.
TS - KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Bỏ hàng rào là xu hướng của thế giới và đã đóng góp rất tốt cho thành phố trở nên cởi mở và giao thoa giữa hoạt động và nơi giải trí, không gian xanh được mở sẽ kết nối đường phố và cuộc sống, tạo bức tranh thành phố cân bằng sinh thái rất tốt”.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ: “Việc cải tạo công viên, vườn hoa, phá bỏ hàng rào để tạo không gian công cộng thân thiện hơn, cũng như đẩy mạnh xử lý ô nhiễm sông ngòi trong thành phố - đây là những chủ trương rất đúng, là việc làm cần thiết khi Hà Nội đang phấn đấu là đô thị văn minh, phấn đấu đến năm 2050, nước ta trở thành nước Net Zero (phát thải bằng 0) theo cam kết của Thủ tướng”.
Công viên mở là hướng đi đúng đắn, giúp Hà Nội trở thành thành phố xanh. Tuy nhiên, để duy trì "lá phổi xanh" này, ngoài sự đầu tư của chính quyền, mỗi người dân đều cần có trách nhiệm bảo vệ không gian công cộng. Nếu mỗi người đều có ý thức tự giác, giữ gìn vệ sinh chung sẽ giúp công viên trở thành điểm đến thư giãn, vui chơi cho tất cả mọi người.
Các công viên xanh nổi tiếng trên thế giới
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng phát triển, các công viên xanh trên thế giới đang đóng vai trò quan trọng như những lá phổi tự nhiên giữa lòng thành phố. Không chỉ mang lại không gian thư giãn, rèn luyện sức khỏe cho người dân, các công viên còn góp phần điều hòa khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sống.
Nhắc đến các công viên xanh nổi tiếng trên thế giới, không thể không kể đến Central Park tọa lạc tại thành phố New York, Mỹ. Central Park là một biểu tượng không thể thiếu của thành phố New York, Mỹ. Được xây dựng vào năm 1857 và chính thức hoàn thiện vào năm 1876, công viên này nằm ở trung tâm Manhattan, trải dài trên diện tích hơn 340 hecta. Với hơn 40 triệu lượt khách ghé thăm hàng năm, Central Park là một trong những công viên đô thị nổi tiếng và đông khách nhất thế giới.
Điều đặc biệt ở Central Park là sự kết hợp hoàn hảo giữa không gian tự nhiên và các công trình nhân tạo. Du khách có thể đi dạo qua những khu rừng nhỏ, dạo quanh hồ nước, dừng chân tại đài phun nước Bethesda, hoặc khám phá các khu vườn như vườn Shakespeare hay khu tưởng niệm Strawberry Fields dành riêng cho John Lennon.
Ngoài ra, công viên còn có sân trượt băng, rạp hát ngoài trời, sở thú và rất nhiều hoạt động cộng đồng xuyên suốt năm. Không chỉ là "lá phổi xanh" của New York, Central Park còn là một biểu tượng văn hóa, từng xuất hiện trong hàng trăm bộ phim và tác phẩm nghệ thuật. Đây cũng là minh chứng cho tầm nhìn xa của thành phố trong việc duy trì không gian công cộng thân thiện với thiên nhiên giữa lòng đô thị hiện đại.
Tại Anh, tọa lạc giữa trung tâm London, Hyde Park cũng là một trong những công viên hoàng gia lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới. Với diện tích hơn 140 hecta, công viên được mở cửa từ thế kỷ 17 và từng là nơi săn bắn của vua Henry VIII. Ngày nay, Hyde Park là không gian xanh đa chức năng, vừa mang tính chất thư giãn, vừa phục vụ các hoạt động văn hóa - xã hội. Hồ Serpentine chảy giữa công viên là địa điểm lý tưởng để chèo thuyền hoặc ngắm thiên nga.
Ngoài ra, công viên còn có Đài tưởng niệm Công nương Diana, khu vực diễn thuyết Speaker’s Corner - nơi mọi người có thể tự do phát biểu ý kiến và rất nhiều khu vườn hoa được cắt tỉa công phu. Hyde Park không chỉ là nơi người dân London đến thư giãn cuối tuần, mà còn là nơi diễn ra các sự kiện lớn như hòa nhạc, biểu tình, lễ hội mùa hè,… Công viên thể hiện rõ triết lý về không gian công cộng mở, khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội.
Còn đối với các nước châu Á, công viên Gardens by the Bay tại Singapore là ví dụ điển hình cho công viên xanh hiện đại, kết hợp giữa công nghệ sinh thái tiên tiến và thẩm mỹ kiến trúc ấn tượng. Nằm ngay bên vịnh Marina của Singapore, công viên này có diện tích khoảng 101 hecta, được khai trương vào năm 2012 như một phần của chiến lược phát triển đô thị "Thành phố trong vườn".
Điểm nổi bật nhất của Gardens by the Bay là khu "siêu cây", gồm các cấu trúc hình cây cao từ 25 đến 50 mét, được phủ kín bằng hơn 200 loài cây và thực vật dây leo. Những "cây nhân tạo" này không chỉ đẹp mắt mà còn có chức năng hấp thụ năng lượng mặt trời, tích nước mưa, và hỗ trợ điều hòa khí hậu vi mô trong khu vực. Vào ban đêm, chúng trở thành sân khấu ánh sáng tuyệt đẹp với các buổi biểu diễn nhạc nước hoành tráng.
Bên cạnh đó, hai khu nhà kính Flower Dome và Cloud Forest chứa hàng nghìn loài thực vật quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới, cũng thu hút đông đảo du khách tới tham quan chiêm ngưỡng. Công viên không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là trung tâm giáo dục môi trường, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ở Bắc Mỹ, nằm trên bán đảo giữa trung tâm thành phố Vancouver, Canada, Stanley Park là một trong những công viên đô thị lớn nhất Bắc Mỹ, với diện tích khoảng 405 hecta. Công viên được thành lập vào năm 1888 và từ đó đến nay luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của cư dân Vancouver. Stanley Park nổi tiếng với tuyến đường đi bộ và xe đạp dọc bờ biển dài gần 9 km - được gọi là "Seawall". Du khách có thể dạo bộ ven bờ, ngắm nhìn cảnh biển, núi và đường chân trời thành phố.
Bên trong công viên là rừng nguyên sinh với hàng trăm nghìn cây cổ thụ, một hồ nước tự nhiên (Beaver Lake), vườn hoa, sân chơi trẻ em, vườn thú nhỏ, bảo tàng và công viên nước. Công viên cũng lưu giữ nhiều di sản văn hóa của người bản địa, nổi bật là các cột totem được dựng lên để tưởng nhớ các tộc người bản xứ tại vùng British Columbia. Stanley Park không chỉ là không gian sinh thái mà còn là cầu nối giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kể đến Ibirapuera Park, công viên công cộng lớn nhất tại São Paulo - thành phố đông dân nhất Brazil. Với diện tích khoảng 158 hecta, công viên được khánh thành vào năm 1954, nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố.
Khác với các công viên mang phong cách châu Âu truyền thống, Ibirapuera là kết tinh của kiến trúc hiện đại Brazil, do kiến trúc sư nổi tiếng Oscar Niemeyer và nhà quy hoạch cảnh quan Roberto Burle Marx thiết kế. Công viên không chỉ có cây xanh, hồ nước và đường đi dạo, mà còn là trung tâm văn hóa lớn với các viện bảo tàng, phòng triển lãm nghệ thuật, nhà hát ngoài trời và thư viện công cộng. Hằng năm, Ibirapuera thu hút hàng triệu lượt khách nhờ các sự kiện như Tuần lễ Thời trang São Paulo, triển lãm nghệ thuật quốc tế, các buổi hòa nhạc lớn và hoạt động giải trí ngoài trời. Đây là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật, kiến trúc, thiên nhiên và đời sống cộng đồng.
Các công viên xanh nổi tiếng trên thế giới không chỉ đơn thuần là nơi để thư giãn mà còn đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hệ sinh thái đô thị, cải thiện chất lượng không khí, bảo tồn đa dạng sinh học và kết nối cộng đồng.
Từ vẻ đẹp tự nhiên của Stanley Park, tính lịch sử của Hyde Park, biểu tượng của Central Park, đến sự sáng tạo công nghệ trong Gardens by the Bay và nét độc đáo của Ibirapuera, mỗi công viên đều mang bản sắc riêng đặc biệt, kết nối con người với không gian xanh để phát triển bền vững, hướng tới một tương lai xanh và lành mạnh hơn cho các thế hệ tiếp theo.
Không còn hàng rào nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta cũng gỡ bỏ ý thức. Ngược lại, mỗi người dân cần nỗ lực xây nên những “hàng rào ý thức”, tự giác bảo vệ không gian xanh của Thủ đô.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cham-vao-nhip-song-xanh-347819.htm