Chặn 'bước chân' sa mạc hóa
Diễn ra trong 2 tuần đến ngày 13/12 với chủ đề 'Đất đai của chúng ta, tương lai của chúng ta', Hội nghị COP16 diễn ra tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD).
Đây là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của Liên hợp quốc (LHQ) cho đến nay, là nỗ lực toàn cầu nhằm chặn “bước chân” sa mạc hóa. Trong phát biểu của mình, Thư ký điều hành UNCCD, ông Ibrahim Thiaw nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đất đai, cho rằng đây là một trong những công cụ hiệu quả để giải quyết những thách thức lớn nhất của thời đại như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư cưỡng bức và thậm chí là bất ổn toàn cầu.
Ông Thiaw lưu ý rằng đến năm 2050 sẽ có tới gần 7 tỷ người sẽ bị tác động của hạn hán và biến đổi khí hậu. "Cùng nhau, chúng ta có thể đảo ngược xu hướng suy thoái đất đai và xây dựng một thế giới có khả năng phục hồi tốt hơn trước nạn sa mạc hóa đang lan rộng" - ông Thiaw kêu gọi.
Tại COP16 lần này sẽ quyết định các hành động tập thể để đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi đất, tăng cường sức chống chọi trước hạn hán và bão cát, phục hồi đất và mở rộng quy mô sản xuất lương thực.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng nhấn mạnh: Chúng ta hãy hành động ngay bây giờ để chống sa mạc hóa cho tương lai của nhân loại.
Nêu dẫn chứng cụ thể, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) bày tỏ lo ngại về “vựa rau củ của châu Âu” là Tây Ban Nha - một trong hai nhà sản xuất rau củ hàng đầu ở châu Âu, cùng với Italy. Tây Ban Nha từng làm giàu nhờ sản xuất rau củ bởi nông nghiệp đóng góp tới 66 tỷ USD giá trị xuất khẩu hằng năm của nước này. Tuy nhiên, doanh thu ấy giờ đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng nguồn nước khi mà có tới 70% diện tích đất nông nghiệp đứng trước nguy cơ bị sa mạc hóa. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, các hồ chứa nước tại Tây Ban Nha cạn chỉ còn hơn 40% dung tích. Theo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, mức độ suy thoái đất đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua, điều này được hiểu là đất mất khả năng giữ nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trồng trọt và chăn nuôi. Bộ Môi trường Tây Ban Nha từng cảnh báo, 4 khu vực Andalusia (miền Nam), Murcia và Valencia (miền Đông) cũng như quần đảo Canary (Đông Bắc) đang đứng trước nguy cơ đất canh tác bị hoang hóa do hạn hán.
Tuy nhiên, nguy cơ sa mạc hóa không chỉ đe dọa Tây Ban Nha. Từ lâu, LHQ đã cảnh báo hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề toàn cầu, đe dọa an ninh sinh thái của cả hành tinh và coi đó là một trong số những thách thức môi trường lớn nhất, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là môi trường và sinh kế của người dân.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 40% dân số toàn cầu bị thiếu nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030 do tình trạng hoang mạc lan rộng. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 và nếu không có hành động khẩn cấp hạn hán và hoang mạc có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Đất đai suy thoái trên diện rộng cũng có thể lấy đi 44 nghìn tỷ USD trên phạm vi toàn cầu vào năm 2050.
Trên thế giới, tốc độ sa mạc hóa, hoang mạc hóa ở vùng Sừng châu Phi là nghiêm trọng nhất, gây mất an ninh lương thực, tình trạng suy dinh dưỡng tăng vọt, đa dạng sinh học suy giảm, nồng độ khí nhà kính đang tiếp tục gia tăng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, nhưng hôm nay nó đang đau đớn. Suy thoái đất đe dọa cuộc sống của 3,2 tỷ người. Trong đó, vùng Sừng châu Phi chịu hậu quả nặng nề nhất.
Một trong những động thái quyết liệt nhất trong nỗ lực chống sa mạc hóa là vào năm 1977, một hội nghị về vấn đề này của LHQ đã thông qua kế hoạch hành động toàn cầu. Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của LHQ đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Năm 1994, Đại hội đồng LHQ tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán.
Từ đó, nhiều giải pháp chống sa mạc hóa đã được đưa ra. Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường LHQ lấy chủ đề là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, trong đó phục hồi đất được xác định là mục tiêu hàng đầu vì rằng phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất. Một tín hiệu đáng mừng là tại COP29 được tổ chức tháng 11 vừa qua tại Baku (Azerbaijan), các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển "xanh hóa" nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu. Nói như bà Ursula von der Lyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu thì điều đó đánh dấu “kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu”, hướng tới tương lai bền vững: Bảo vệ con người, sinh kế và hệ sinh thái hành tinh.
Theo công bố của Liên hợp quốc, mỗi phút diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn cầu tương đương với 4 sân bóng đá. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến hạn hán ngày càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hiện thế giới cần thêm khoảng 300 triệu héc ta đất sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong khi các vùng đất trở thành hoang mạc vẫn không dừng lại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-buoc-chan-sa-mac-hoa-10296113.html