Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát ở Bắc Giang

Thời gian gần đây, việc khai thác cát ở các con sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến phức tạp. Bên cạnh hoạt động khai thác không phép, một số doanh nghiệp được cấp phép lợi dụng bất cập trong quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng để tổ chức khai thác trái phép, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hằng ngày của người dân.

Điểm tập kết cát, sỏi ngoài quy hoạch tại địa bàn xã Yên Định, huyện Sơn Động.

Điểm tập kết cát, sỏi ngoài quy hoạch tại địa bàn xã Yên Định, huyện Sơn Động.

Nhiều điểm khai thác cát trái phép

Địa bàn tỉnh Bắc Giang có ba con sông lớn chảy qua gồm: Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Ba con sông này có trữ lượng cát, sỏi dồi dào, chiều rộng, độ sâu không quá lớn, tiện đường vận chuyển, cho nên từ lâu đã là địa bàn hoạt động thường xuyên của các đối tượng khai thác cát. Qua xác minh, chúng tôi được biết, trên sông Lục Nam, từ địa phận huyện Sơn Động đến huyện Yên Dũng chưa đầy 80 km mà có hàng chục điểm khai thác cát, sỏi. Những điểm nóng như Yên Định (Sơn Động); khu vực giáp ranh giữa xã Bình Sơn (Lục Nam) và xã Tân Mộc (Lục Ngạn); đoạn gần cầu Nam Dương (Lục Ngạn); đoạn qua thôn Thanh Long, xã Trí Yên (Yên Dũng); xã Vũ Xá, Bắc Lũng, Cương Sơn, Yên Sơn, Nghĩa Phương (Lục Nam)… có nhiều tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Trên sông Cầu, hoạt động khai thác cát, lập các bến, bãi “chui” diễn ra khá rầm rộ kéo dài từ huyện Hiệp Hòa đến ngã ba Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương). Sông Cầu là ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cho nên việc tuần tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Tàu hút cát trái phép thường di chuyển từ ranh giới tỉnh này sang tỉnh khác để trốn tránh lực lượng chức năng. Cá biệt, trên nhiều đoạn sông Cầu, một số đối tượng khai thác cát trái phép đã có hành vi manh động như lái tàu đâm, va vào xuồng của lực lượng chức năng; khủng bố tinh thần đối với người dân tố cáo, phản đối việc khai thác cát trái phép...

Trên sông Thương, mặc dù hoạt động khai thác cát có giảm, nhưng tình trạng tổ chức bến bãi kinh doanh cát, sỏi tương đối phức tạp. Vài năm gần đây, để tránh làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm khu vực đông dân cư, UBND và các ngành chức năng TP Bắc Giang đã cấm tất cả các hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Thương đoạn qua địa bàn thành phố. Nhằm trốn tránh lực lượng chức năng, một số chủ tàu hút cát di chuyển tàu về khu vực giáp ranh trên địa bàn xã Dương Đức, Xuân Hương (Lạng Giang), Đồng Sơn (TP Bắc Giang), Đồng Việt (Yên Dũng)…

Nhiều tàu không chỉ hút cát, sỏi giữa lòng sông mà còn chĩa vòi hút vào các “mỏ” cát, sỏi gần bờ. Họ tập trung hoạt động vào ban đêm nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Đây là nguyên nhân khiến các chân bãi sông bị sạt lở, nhiều héc-ta đất canh tác, thậm chí cả nhà ở của người dân bị dòng nước cuốn trôi. Trên địa bàn một số xã thuộc huyện Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa “cuộc chiến” của người dân chống nạn khai thác cát trái phép diễn ra quyết liệt. Điển hình như việc người dân thôn Vũ Trù Làng, Vũ Trù Trại (xã Vũ Xá), Chản Đồng, Trại Cầu (Yên Sơn) đã tổ chức lực lượng canh phòng, chuẩn bị gạch đá, gậy gộc, ná cao-su. Thực tế, trên địa bàn các thôn nêu trên đã từng xảy ra một số vụ xô xát giữa người dân và các đối tượng khai thác cát.

Hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất canh tác, nhà cửa của người dân quanh vùng, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân. Mặc dù các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi nhưng hầu như các hoạt động này không giảm, thậm chí còn được tổ chức ngày càng tinh vi, trắng trợn và manh động hơn trước.

Nan giải công tác quản lý, giám sát

Cho đến nay, tỉnh Bắc Giang đã một lần ban hành và ba lần sửa đổi, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh đã cấp 24 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông cho nhiều tổ chức, cá nhân; 90 giấy phép hoạt động bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Song vẫn còn hàng chục điểm khai thác cát, hoạt động bến bãi trái phép rải rác ở các sông, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Bắc Giang, trong ba năm trở lại đây, mỗi năm cả tỉnh xử phạt trung bình 500 triệu đồng vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Đáng chú ý, số vụ vi phạm và số tiền phạt trong năm sau tăng so với năm trước. Không chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bị phát hiện mà cả những đơn vị được cấp phép cũng vi phạm. Hình thức vi phạm chủ yếu là hút trộm, khai thác lấn vị trí, độ sâu được cấp phép, gian dối số lượng khai thác, tăng số tàu hút và vi phạm thời gian khai thác. Sự chồng lấn giữa các vị trí cấp phép hoặc có nhiều doanh nghiệp khai thác trên các vị trí tiếp giáp cũng làm phát sinh vi phạm. Trong đó, đoạn sông qua địa bàn huyện Lục Nam trở thành “điểm nóng” của hoạt động khai thác cát, sỏi của tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Đức Quảng, Trưởng phòng TN và MT huyện Lục Nam cho biết: Hiện nay trên địa bàn có năm doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được tỉnh cấp phép. Chưa kể còn một đơn vị do Cục Đường thủy nội địa cấp phép thăm dò, nạo vét luồng tuyến đang tạm dừng hoạt động. Hầu hết các điểm khai thác đều rất phức tạp, nhất là khu vực Vũ Trù Làng do hợp tác xã Yên Sơn khai thác. Đơn vị này đã từng bị kiểm tra, phạt hành chính 120 triệu đồng, tạm dừng hoạt động ba tháng để khắc phục hậu quả. Tháng 6-2018, hợp tác xã Yên Sơn đã bị UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định thu hồi 10,1 ha trong tổng số 27,1 ha được phép khai thác.

Mặc dù vậy, việc cắm mốc, rải phao nổi xác định khu vực khai thác; gắn biển hiệu, số hiệu đối với tàu hút; kiểm tra, giám sát… chưa được thực hiện nghiêm dẫn đến việc người dân ở thôn Vũ Trù Làng (xã Vũ Xá), Chản Đồng, Chản Làng (xã Yên Sơn) tiếp tục phản đối. Ông Vũ Xuân Quảng, người dân thôn Vũ Trù Làng bức xúc: “Chúng tôi không biết tọa độ, vị trí các tàu hút được cấp phép ở đâu nhưng cứ từ chập tối đến đêm, nhiều tàu không biển hiệu, số hiệu lấn vào phía bờ sông thôn Vũ Trù Làng để hút trộm. Khi người dân xua đuổi thì chúng lại chạy ra giữa sông. Chúng tôi có ghi hình, gọi điện thông báo cho chính quyền, nhưng không được giải quyết dứt điểm”.

Nhiều người dân chỉ đích danh những tàu hút vi phạm thuộc quản lý của hợp tác xã Yên Sơn. Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Giáp Văn Khánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Yên Sơn cho rằng, các tàu của ông đều có biển hiệu, thực hiện khai thác đúng vị trí được cấp phép. Những tàu hút trái phép, như người dân phản ánh, không phải tàu do ông quản lý. Ông Khánh đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Những thủ đoạn tinh vi trong hoạt động khai thác cát, sỏi được cơ quan chức năng chỉ rõ nhưng việc phát hiện, bắt quả tang đối tượng, phương tiện vi phạm không đơn giản. Theo đại úy Nguyễn Chí Tâm, Đội trưởng Công an kinh tế (Công an huyện Lục Nam), ngoài hạn chế về phương tiện, con người, Công an cấp huyện không có chức năng quản lý phương tiện tàu hút; khi giao mốc, tọa độ khai thác cũng không được tham gia; cũng không phải là lực lượng chính kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, cho dù tại các điểm nóng khai thác cát, sỏi trên địa bàn đều có đồn, trạm công an khu vực, nhưng hiệu quả giám sát chưa cao.

Để quản lý hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi trên các dòng sông, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Đồng thời, phải gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

UBND tỉnh đã đồng ý chuyển nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo kiểm tra và xử lý khai thác cát, sỏi trái phép của tỉnh sang Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu và gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền, đơn vị nếu địa phương để xảy ra vi phạm.

LẠI THANH SƠN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn hiện nay khá phức tạp. Có quá nhiều doanh nghiệp được cấp phép dẫn đến tình trạng chồng lấn, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa nghiêm, thiếu sự răn đe; sự tồn tại của nhiều bến bãi tự phát cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khai thác trái phép gia tăng.

NGUYỄN TRÍ DŨNG
Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang

Bài, ảnh: TRẦN THƯỜNG và ĐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/40327302-chan-chinh-hoat-dong-khai-thac-cat-o-bac-giang.html