Chân váy tennis, quần legging ngập đường Trung Quốc
Cơn sốt thể dục thể thao bùng nổ kéo theo sự lên ngôi của trang phục thể thao trong đời sống thường ngày. Giới trẻ xứ tỷ dân đang 'lăng xê' mốt diện đồ đi tập xuống phố.
Ariel Peng (29 tuổi), quản lý chất lượng tại một công ty dược phẩm đa quốc gia ở Bắc Kinh (Trung Quốc), là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ tại xứ tỷ dân đang ưu tiên sức khỏe và tập luyện. 5-6 ngày mỗi tuần, Ariel đều đến phòng gym sau giờ làm hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa để tập luyện từ 40 phút đến 1 tiếng.
Không chỉ coi trọng hiệu quả tập luyện, Ariel còn đầu tư cho trang phục. Thương hiệu yêu thích của cô là lululemon. Kể từ năm 2019 đến nay, cô đã chi hơn 50.000 NDT (khoảng 6.900 USD) cho thương hiệu thể thao Canada này.
Phong cách sống của Ariel phản ánh xu hướng ngày càng tăng của người dân Trung Quốc, đặc biệt là cư dân thành thị, những người coi thể dục thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Các phòng tập gym, lớp yoga, chạy bộ ngoài trời... không còn là hoạt động giải trí mà đã trở thành thói quen thiết yếu.
Theo các báo cáo ngành, thị trường đồ thể thao Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt gần 500 tỷ NDT vào năm ngoái. Trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (từ tháng 10 đến giữa tháng 11), 34 thương hiệu thể thao và dã ngoại đã đạt doanh số bán hàng vượt 100 triệu NDT trên Tmall, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, theo Xinhua.
Đồ thể thao lên ngôi
Sự lên ngôi của trang phục thể thao đã tạo nên những trào lưu thời trang mới tại Trung Quốc. "Gorpcore", xu hướng đề cao trang phục ngoài trời bền bỉ, tiện dụng, ngày càng phổ biến, đặc biệt sau đại dịch khi mọi người dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoài trời.
Giống như Ariel, nhiều người trẻ hiện nay không chỉ mặc đồ thể thao khi tập luyện mà còn khi đi làm hay gặp gỡ bạn bè.
Quần legging, chân váy tennis, áo polo... đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, trở thành những món đồ thời trang chủ đạo. Áo khoác leo núi, giày chống thấm nước, balo đa năng... trở thành những món đồ thời trang thiết yếu, được ưa chuộng bởi tính ứng dụng cao và khả năng chuyển đổi linh hoạt từ hoạt động dã ngoại sang cuộc sống đô thị.
Wang Xinyu (28 tuổi), nhân viên văn phòng ở Thượng Hải (Trung Quốc), đã thay thế bộ sưu tập váy áo điệu đà của mình bằng những trang phục lấy cảm hứng từ hoạt động ngoài trời.
Các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu đã góp phần khuếch đại những xu hướng này, với vô số hình ảnh về trang phục thể thao và những khoảnh khắc từ các chuyến đi bộ đường dài.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với trang phục thể thao đã thúc đẩy sự thành công của các thương hiệu cao cấp. Lululemon báo cáo doanh thu thuần tại Trung Quốc tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II năm nay. Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2013, thương hiệu này đã mở hơn 130 cửa hàng trên khắp Trung Quốc và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tương tự, Amer Sports, công ty mẹ của thương hiệu đồ dã ngoại Arc'teryx, ghi nhận doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,35 tỷ USD và lợi nhuận tăng vọt 257%. Doanh thu tại Trung Quốc tăng 56%, trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất của công ty.
Thị trường Trung Quốc 'béo bở'
Theo Kế hoạch Phát triển Ngành Thể thao Ngoài trời (2022-2025), hơn 400 triệu người Trung Quốc tham gia các hoạt động ngoài trời. Kế hoạch này, do Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc và các cơ quan chính phủ khác phối hợp ban hành, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của lĩnh vực này.
Giáo sư Zhou Lijun, giám đốc Cơ sở Nghiên cứu Công nghiệp Thể thao Quốc gia tại ĐH Chiết Giang, cho biết tỷ lệ người dân tham gia thể thao ngoài trời ở các nước phương Tây vào khoảng 60-70% tổng dân số.
"Với quy mô dân số khổng lồ của Trung Quốc và sự nhiệt tình hiện tại đối với các hoạt động ngoài trời, tiềm năng của ngành là rất lớn nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng", ông nói.
Sáng kiến "Trung Quốc khỏe mạnh 2030" của chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu có 530 triệu người dân thường xuyên tham gia tập thể dục vào năm 2030. Thị trường đồ thể thao Trung Quốc dự kiến sẽ đạt giá trị 599 tỷ NDT vào năm 2027.