Chặng đường dài gian nan

Syria đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, với việc phe đối lập chỉ định một thủ tướng lâm thời tới ngày 1/3/2025 và xúc tiến các bước cần thiết cho một quá trình chuyển giao quyền lực dự kiến kéo dài 3 tháng.

Người dân Syria tại thủ đô Damascus ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân Syria tại thủ đô Damascus ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp đã gặp các thành viên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để chuẩn bị chuyển giao các thể chế nhà nước và đảm bảo các dịch vụ công không bị gián đoạn. Lệnh giới nghiêm ở thủ đô Damascus và các khu vực lân cận đã được dỡ bỏ ngày 11/12, người dân trở lại làm việc và tiếp tục cuộc sống thường nhật, người tị nạn bắt đầu về nước sau nhiều năm xa xứ.

Văn phòng Thủ tướng lâm thời Mohammad al-Bashir thông báo tất cả các cơ sở giáo dục công và tư sẽ mở cửa trở lại từ ngày 15/12. Việc mở cửa trở lại các trường học và trường đại học được coi là một động thái quan trọng trong việc ổn định cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó là những tuyên bố thiện chí và hướng tới hòa bình, đoàn kết từ lực lượng mới.

Chính phủ lâm thời kêu gọi mọi người dân “chung tay xây dựng đất nước Syria mới”, trong khi Quốc hội ra tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của người dân về việc xây dựng một đất nước mới “hướng tới tương lai tươi sáng hơn, trên cơ sở luật pháp và công lý”.

Tuy nhiên, sự khởi đầu mới diễn ra như thế nào phần lớn sẽ phụ thuộc vào lực lượng đối lập gồm nhiều phe phái của Syria và chặng đường phục hồi sắp tới dự báo sẽ không hề dễ dàng. Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, ông Geir Pedersen nhấn mạnh chính phủ chuyển tiếp của Syria cần thúc đẩy một tiến trình chính trị bao trùm hơn để không làm “trật bánh” quá trình chuyển tiếp rất phức tạp nhằm tránh làn sóng xung đột mới.

Lời cảnh báo trên là có cơ sở khi nhìn vào nền tảng chính trị ở Syria, với nhiều đảng phái, thành phần xã hội và các phe phái vũ trang khác nhau, tranh giành ảnh hưởng với nhau. Các nhóm đối lập khác nhau kiểm soát những khu vực khác nhau, phản ánh một thực tế Syria đã bị chia cắt sâu sắc đến thế nào.

Nhóm đứng đầu lực lượng đối lập Syria hiện nay là Hayat Tahrir al Sham (HTS), từng là một chi nhánh của tổ chức al-Qaeda ở Syria, đang kiểm soát phần lãnh thổ trải dài từ Tây Bắc xuống phía Nam Syria. Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), có thành viên chủ yếu là các tay súng người Kurd và được Mỹ hậu thuẫn, chiếm giữ miền Đông.

Tình trạng chia cắt gia tăng kể từ khi chính quyền của Tổng thống al-Assad sụp đổ. Các nhóm đối lập từ miền Bắc, miền Đông và miền Nam đất nước đã phối hợp tiếp quản đất nước những ngày gần đây, nhưng họ chưa có thời gian để lên kế hoạch chung cho tương lai. Trong khi đó, họ đều có đội quân riêng, đều muốn có phần "chiến lợi phẩm" sau khi giành quyền kiểm soát Damascus. Có thể thấy, bất kỳ lực lượng nào lên nắm quyền ở Damascus cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, cũng như kiểm soát toàn bộ Syria.

Chính quyền mới tại Syria cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là tái thiết đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế Syria đã suy thoái trong gần 14 năm xung đột, cơ sở hạ tầng bị tàn phá trầm trọng và siêu lạm phát kéo dài. Theo phân tích của Capital Economics, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria ước tính đã giảm hơn 85% kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2011.

Ngân hàng Thế giới ước tính của lạm phát đã đạt 115% vào năm 2023, đồng thời cũng dự báo nền kinh tế Syria sẽ suy giảm 1,5% trong năm nay. LHQ đánh giá có tới 90% người dân Syria sống dưới mức nghèo khổ và hơn một nửa dân số nước này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Một số ý kiến cho rằng ảnh hưởng từ các nước lớn và các nước có vai trò quan trọng trong khu vực có thể giúp các lực lượng khác nhau tại Syria tập hợp lại trong một chính phủ thống nhất và mở đường cho một quá trình chuyển đổi chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, thái độ và hành động của các nước đang khiến cho tình hình khá bất định.

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã viết: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta. Đừng can thiệp”. Giới chuyên gia dự đoán ông Trump sẽ rút lực lượng Mỹ khỏi Syria. Trong khi đó, Nga cũng tập trung cho các vấn đề liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

Về phần Thổ Nhĩ kỳ, lập trường của nước này đối với Syria cũng khá phức tạp. Tổng thống Tayyip Erdogan hy vọng diễn biến mới ở Syria sẽ mở đường cho việc hồi hương 1,3 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Ankara cũng kỳ vọng vào nhu cầu tái thiết Syria. Các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ đang vật lộn với lạm phát và suy thoái trong nước, sẵn sàng tiếp quản phần lớn nhất của "chiếc bánh" hấp dẫn này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt nguy cơ phải chứng kiến xuất hiện một “Afghanistan mới” ngay bên kia biên giới quốc gia, với làn sóng người tị nạn ngày càng tăng và bất ổn an ninh do các phần tử vũ trang người Kurd ở Syria gây ra.

Iran tuyên bố muốn duy trì quan hệ với Syria, nhưng cách tiếp cận của các nhóm đối lập đối với Israel sẽ là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, Israel đang có những bước đi gây lo ngại khi tiến hành ném bom và phá hủy nhiều địa điểm, căn cứ, vũ khí, thiết bị và hệ thống quân sự trên khắp Syria, đồng thời củng cố sự hiện diện và mở rộng quyền kiểm soát đối với các khu vực bị chiếm đóng sâu trong lãnh thổ Syria, cụ thể là vùng đệm ở Cao nguyên Golan.

Chuyên gia Andrey Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế RIAC nhận định “tại Syria, mọi thứ mới chỉ bắt đầu”. Theo ông, sự khác biệt và cạnh tranh giữa tất cả những lực lượng có thể tham gia quá trình "phân chia di sản" của Tổng thống Assad là rất lớn, khiến cho liên minh đối lập hiện nay sẽ rất khó duy trì.

Cùng với đó, những thay đổi lãnh đạo chính trị sắp tới ở Washington cũng đặt ra câu hỏi về vai trò tương lai của Mỹ trong khu vực. Các nước láng giềng của Syria khó có thể đóng vai trò là người bảo đảm cho tình trạng nhà nước của Syria hoặc ít nhất là an ninh ở Syria. Israel quá bận rộn ở Gaza và miền Nam Liban để có thể nghĩ đến tương lai của Syria. Ảnh hưởng của Ankara đối với các nhóm cực đoan ở tỉnh Idlib (Tây Bắc Syria) cũng không phải là tuyệt đối và đây có thể là mối đe dọa an ninh ở nước này.

Iran và Iraq sẽ không thể đóng vai trò là trọng tài khách quan trong các vấn đề của Syria. Chuyên gia Nga dự báo Syria có nguy cơ trở thành một "Somalia thứ hai", nơi các cuộc xung đột và các cuộc nổi loạn chống lại chính quyền trung ương ở Mogadishu vẫn tiếp diễn.

Trên thực tế, hiện nay không lực lượng nào ở Syria có khả năng một mình quản lý đất nước, bởi vậy các phe nhóm cần phải ngồi vào bàn thương lượng và thỏa hiệp. Đó sẽ là một cuộc chiến đấu mới cho Syria, đòi hỏi nỗ lực giải quyết những bất đồng trong nhiều năm xung đột và thiết lập các cấu trúc quản trị phản ánh sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và chính trị. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng và một tương lai gian nan, khó đoán định đang ở phía trước.

Bạch Dương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chang-duong-dai-gian-nan-20241213182802818.htm