CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV, NĂM 2024: Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng đoàn kết, bình đẳng cùng phát triển

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV không chỉ là ngày hội lớn, là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống người dân đồng bào DTTS mà còn là dịp để nhìn lại, đánh giá hiệu quả công tác dân tộc (CTDT) và chính sách dân tộc (CSDT). Đây cũng là dịp để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu, khơi dậy tinh thần thi đua sôi nổi trong cộng đồng DTTS. Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội, về những thành quả đã đạt được cũng như các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và sức mạnh của cộng đồng DTTS trong thời gian tới.

Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông khai giảng năm học mới. Ảnh: Chính Thành

Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông khai giảng năm học mới. Ảnh: Chính Thành

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những đặc điểm khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ông Nguyễn Ngọc Phúc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ông Nguyễn Ngọc Phúc: CTDT luôn được xác định là vấn đề chiến lược quan trọng, lâu dài, là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc, đề ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Những chủ trương này không chỉ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế so với các khu vực khác, mà còn xây dựng nền tảng cho sự phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng bền vững.

Nhiều chính sách lớn đã được Trung ương ban hành, đáng chú ý như Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT trong tình hình mới; Nghị quyết số 88 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể hóa 2 Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình MTQG Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025. Chương trình gồm 10 dự án thành phần bao phủ hầu hết các mặt của đời sống KT - XH vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với nguồn lực đầu tư chung để phát triển KT - XH toàn tỉnh, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng cho vùng DTTS là 1.264,8 tỷ đồng được Trung ương phân bổ đủ và ngân sách địa phương đảm bảo tỉ lệ đối ứng 15%.

Nhờ nguồn lực này, KT - XH vùng DTTS đã có những chuyển biến rõ nét: Mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5 % so với năm 2019). Phấn đấu 100% xã, 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2 - 3% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); 76/78 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ: 100% thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư.

Đáng chú ý, công tác giáo dục và y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ học sinh đến trường ở lứa tuổi trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt hơn 98%, trung học cơ sở đạt 97%, trung học phổ thông đạt hơn 80%. 100% đồng bào DTTS tại khu vực II, III hoặc mới thoát khỏi khu vực II, III (chưa đủ 36 tháng) tham gia Bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống còn 14,9%; trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện người DTTS...

Như vậy, việc triển khai hiệu quả các nguồn lực, CSDT, các chương trình MTQG không những góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình thiết yếu mà còn hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào DTTS.

Diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Khu trung tâm huyện vùng sâu Đam Rông. Ảnh: Chính Thành

Diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Khu trung tâm huyện vùng sâu Đam Rông. Ảnh: Chính Thành

PV: Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện hiệu quả CTDT, CSDT như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Về chủ trương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 16 về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022- 2030. Để hiện thực hóa chủ trương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1183 về thực hiện Chiến lược CTDT giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch 1920 về thực hiện Chương trình MTQG Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 1868 về triển khai Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành các kế hoạch để hiện thực hóa chủ trương.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ đột phá như: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CTDT, CSDT, như chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS; phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch...

Về các nhiệm vụ chủ yếu, tỉnh tập trung đổi mới phương thức quản lý nhà nước về CTDT; phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tiến tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả, dâu tằm; chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, phát triển kinh tế thu nhập từ rừng cho đồng bào DTTS; hoàn thành giao đất gắn với giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo các chính sách đã ban hành.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và an sinh xã hội, tỉnh chú trọng củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú; tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu lao động tại địa phương; ưu tiên bố trí đủ số lượng, cơ cấu và bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục, đào tạo. Về y tế, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS; tuyên truyền về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh cũng nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra, công tác quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở cũng được đặc biệt chú trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS.

PV: Thưa ông, để tiếp tục khơi dậy, phát huy tiềm năng và sức mạnh của các DTTS trong giai đoạn tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CTDT và đại đoàn kết dân tộc. Coi đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài; phát huy sức mạnh đại đoàn kết; đấu tranh với các tư tưởng, biểu hiện kỳ thị, chia rẽ các dân tộc.

Đồng thời, tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng DTTS, đặc biệt là 3 chương trình MTQG. Trong đó, hướng dẫn bà con đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Làm tốt công tác ổn định dân di cư; giải quyết nhu cầu về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, chấm dứt nạn chặt phá rừng; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cơ sở...

Thực hiện tốt các chính sách nhằm giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; xây dựng, phát triển và mở rộng trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú; và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người DTTS; xây dựng đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào các DTTS thật sự am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói, có uy tín, được đồng bào tin yêu; coi trọng và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thôn bản trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, đoàn kết, tập hợp được đồng bào các DTTS thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

PV: Với phương hướng, mục tiêu đề ra, ông có thể cho biết, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của đời sống chính trị, KT - XH vùng đồng bào DTTS trong những năm tới?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhiều kỳ vọng lớn, cụ thể là: Đến hết năm 2025, không còn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và đến hết năm 2030, không còn thôn đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực quan trọng như: Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa phát triển đồng bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; giảm nghèo nhanh, bền vững. Đặc biệt, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đồng bào DTTS. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương theo quy định.

Lâm Đồng đưa ra các chương trình, kế hoạch để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các DTTS. Về an ninh chính trị, tỉnh mong muốn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát triển các sinh kế bền vững nhằm tăng thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS đạt 84-87 triệu đồng, xấp xỉ 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm từ 2,0 - 3,0%/năm nhờ các chính sách an sinh xã hội, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.

Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo các xã, thôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi có đầy đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đời sống của người dân.

PV:Xin cảm ơn ông!

NHẬT QUỲNH (thực hiện)

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202409/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-lam-dong-lan-thu-iv-nam-2024-nhan-dan-cac-dan-toc-tinh-lam-ong-doan-ket-binh-dang-cung-phat-trien-0042b14/