Chắt chiu tài nguyên nước

Thủy điện từ lâu được các quốc gia xem là nguồn năng lượng rẻ, thân thiện với môi trường hơn một số năng lượng như điện than, điện nguyên tử. Đối với các nước đông Nam Á, nơi mà hệ thống sông suối dày đặc, với trữ lượng nước khá lớn và độ dốc lý tưởng thì thủy điện gần như lợi thế so sánh trong phát triển, nhất là các nước lưu vực thượng nguồn các dòng sông lớn như Mê Công. Cũng chính vì thế, Mê Công đang là dòng sông nhận được sự quan tâm lớn về tính bền vững bởi việc khai thác lợi ích của dòng chảy một cách quá sức, cộng với các yếu tố về biến đổi khí hậu, dân số các nước lưu vực tăng nhanh...

Việt Nam, là nước nằm ở lưu vực hạ nguồn nên những tác động đó đã diễn ra rõ nét trong nhiều năm trở lại đây. Việc chắt chiu nguồn nước, sử dụng phù hợp, hài hòa nguồn nước, khai thác tốt các nguồn năng lượng tái tạo khác phục vụ cho mục tiêu phát triển là điều đang được Việt Nam cũng như một số nước quan tâm.

Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, nắng lắm, độ ẩm cao. Lượng mưa trung bình nhiều năm trên toàn quốc khoảng 1940 mm/năm. Việt Nam có hơn 2.360 con sông có chiều dài hơn 10km. Về lý thuyết, Việt Nam là quốc gia “giàu” về nước. Nhưng thực tế, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, và phân bổ rất không đều theo không gian và theo thời gian.

Nếu tính bình quân đầu người thì Việt Nam là quốc gia nghèo về nước. Tính theo không gian thì tổng diện tích lưu vực của các con sông khoảng 1.167.000 km2. Trong đó, lưu vực ngoài nước chiếm 72%. Lưu vực trong nước chỉ chiếm 28% và phân bổ chủ yếu ở sông Mê Công chiếm 57%, sông Hồng – Thái Bình chiếm 16,5%, sông Đồng Nai là 4,2%, các sông lớn còn lại chỉ chiếm từ 0,1 đến 2,9% mỗi sông.

 Sông Krông Nô là vùng tạo sinh kế cho hàng vạn người dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Văn Biên

Sông Krông Nô là vùng tạo sinh kế cho hàng vạn người dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Văn Biên

Theo số liệu năm 2009 của Bộ TN&MT, tổng lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830 – 840 tỷ m3/năm. Trong đó có tới 62,6% là nước từ ngoài lãnh thổ (tương đương 520 – 525 tỷ m3/năm). Riêng sông Mê Công có tới 90% nguồn nước từ ngoài lãnh thổ. Xét trên từng lưu vực sông theo tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam chỉ có 4 con sông có đủ nước gồm: Mê Công; Sê San; Vu Gia – Thu Bồn và sông Gianh.

Từ những con số trên, trong những năm qua, Việt Nam đã khai thác khá tốt tiềm năng nguồn nước cho mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các quốc gia trong lưu vực thượng nguồn các dòng sông lớn cũng đang ra sức khai thác nguồn tài nguyên này thì việc tận dụng, chắt chiu nguồn nước, trong đó đặc biệt đến yếu tố đa mục tiêu là cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Nông hồi tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các dự án thủy điện trên dòng Sêrêpốk qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để có báo cáo cụ thể với Chính phủ. Đối với những dự án đã cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện về yếu tố tổng hợp, đa mục tiêu, không mang tính bền vững thì cần có phương án đề xuất Chính phủ thu hồi giấy phép hoặc đưa ra khỏi quy hoạch, tránh tình trạng xây dựng thủy điện tràn làn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, chúng ta không phải phát triển bằng mọi giá mà phải phát triển trên cơ sở cân bằng lợi ích, đảm bảo yếu tố an sinh, bền vững. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngoài việc cân nhắc trước khi xây dựng các công trình thủy điện, Việt Nam cũng đã và đang đặc biệt quan tâm đến những nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư xây dựng, góp phần chia sẻ gánh nặng năng lượng cho các dòng sông, suối.

 Thác Dray Sap là thắng cảnh đẹp trên sông Krông Nô và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Đắk Nông. Ảnh: Lê Phước

Thác Dray Sap là thắng cảnh đẹp trên sông Krông Nô và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Đắk Nông. Ảnh: Lê Phước

Riêng địa bàn tỉnh Đắk Nông, ngoài các công trình thủy điện nhỏ, thời gian gần đây, tỉnh cũng chủ trương khuyến khích người dân, hộ kinh doanh lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thu hút được 2 dự án điện năng lượng mặt trời vào đầu tư nhà máy sản xuất điện tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) và đưa vào danh mục kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió tại huyện Đắk Song. Cùng với việc cam kết thực hiện những mục tiêu bền vững, là thành viên của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Đắk Nông đã và đang làm tốt vai trò tham vấn, đề xuất nhiều giải pháp khai thác nguồn nước một cách hiệu quả. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để gia tăng lượng nước mặt, nước ngầm, đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chung-tay-phat-trien-ben-vung-song-me-cong/chat-chiu-tai-nguyen-nuoc-76362.html