Chế phẩm sinh học từ vỏ quế diệt nấm bệnh
Chế phẩm sinh học kết hợp từ Chitosan tách chiết từ vỏ quế Trà My có tác dụng phòng trừ tuyến trùng và nấm bệnh cho cây trồng.
Giải pháp cho tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Công nghệ chiết xuất và sản xuất chế phẩm sinh học Bacte Cisa từ vỏ quế phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh cho rau củ quả, cây ăn trái...”. Công nghệ của nhóm startup Bacte do kỹ sư (KS) Hồ Phúc Nguyên - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế TipTo Mã Lai đứng đầu.
Xuất thân là một kỹ sư nông nghiệp, ông Nguyên đã chứng kiến thực trạng lạm dụng thuốc BVTV ở một số cây trồng, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng vẫn không đem lại hiệu quả cao cho nông nghiệp, hơn thế còn khiến chất lượng nông sản đi xuống dẫn tới những thiệt hại về kinh tế.
Năm 2012, ông cùng đội ngũ sáng lập Bacte đã liên kết với một số trung tâm nghiên cứu, các viện trong và ngoài nước để tìm giải pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học an toàn cho cây trồng.
“Chúng tôi sử dụng Chitosan - sản phẩm từ vỏ tôm, là một polymer sinh học có khả năng tạo màng bao bên ngoài. Chitosan là một gram âm, nấm bệnh là gram dương, nó sẽ liên kết với nhau để làm phá vỡ cấu trúc bề mặt rò rỉ tế bào chất.
Cái thứ hai và cũng là hoạt chất chính Cinnamyl acetate được tách chiết từ vỏ quế Trà My, sẽ tấn công trực diện và phá vỡ cấu trúc bề mặt, làm chết nấm và sâu bệnh. Do đó chế phẩm này, có hiệu lực rất nhanh và mạnh, diệt 98% lượng tuyến trùng sau 90 phút và diệt 82 - 87% nấm bệnh rễ đất sau 3 giờ sử dụng”, ông Nguyên chia sẻ.
Cũng theo KS Hồ Phúc Nguyên, ứng dụng công nghệ cao để chiết xuất các hoạt chất từ những nguồn nguyên liệu có sẵn như vỏ cây quế làm các chế phẩm sinh học, giúp phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại cây trồng, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng và bảo vệ môi trường đất, hệ sinh thái đang được nhiều nước quan tâm. Trên thế giới, sáng chế dạng tương tự đã có ở Mỹ và Úc, chiết xuất ra Cinnamyl acetate nhưng ông Nguyên cho rằng, họ lấy nồng độ thấp hơn và chi phí cao hơn so với sản phẩm của Bacte.
“Chế phẩm sinh học Bacte có giá thành thấp với chi phí sản xuất chỉ bằng 30 - 40% so với thuốc hóa học trên thị trường, nhờ đó giá bán cũng rẻ hơn 30 - 40% sản phẩm thông thường trên thị trường, đồng thời khả năng bảo vệ môi trường tối ưu hơn”, KS Hồ Phúc Nguyên chia sẻ thêm.
Tập trung vào cây sầu riêng, hồ tiêu
Hiện nay Bacte có 24 sản phẩm, tập trung nhiều cho cây sầu riêng. Bên cạnh đó, Bacte cũng đem lại hiệu quả phòng trừ tuyến trùng và nấm bệnh chính gây hại rễ cây cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên. Sản phẩm của nhóm đã đăng ký sáng chế, đồng thời, đã được kiểm định không gây kích ứng da khi dính thuốc, không độc hại thông qua thí nghiệm đánh giá độ độc LD50 với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Đối tượng khách hàng của Bacte hiện chủ yếu là các nông trại, đại lý và nhà phân phối. Về giá trị sử dụng sản phẩm, ví dụ 1 hecta sầu riêng trong 1 năm sử dụng phòng bệnh là 6 triệu đồng và trị bệnh là khoảng 5 triệu đồng.
Nhóm đang hướng tới thị trường xuất khẩu và hiện đã đăng ký lưu hành ở Thái Lan, dự kiến cuối năm 2024 sẽ có giấy phép. Tại Hàn Quốc, sản phẩm của nhóm đã ứng dụng cho một nông trại trồng bắp cải làm kim chi. Tại Autralia, Bacte đã thử nghiệm thành công trên cây cà chua và dự kiến sản phẩm sẽ phân phối ở Melbourne.
Mặc dù sản phẩm mới ra mắt vào tháng 10/2023, nhưng tính đến nay, tổng doanh thu của Bacte đã đạt khoảng 6,5 tỷ đồng. Hiện Bacte cũng đã có 8 nhà phân phối bán trực tiếp B2B2C và xây dựng được 30 cửa hàng bán trực tiếp. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ đang được triển khai rộng rãi tại các tỉnh phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long…
Trước đó, tháng 10/2020, KS Hồ Phúc Nguyên đã bảo vệ đề tài cấp Nhà nước trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia và tại Bộ Khoa học Công nghệ về việc sản xuất các chế phẩm sinh học Bacte phòng trừ tuyến trùng và các nấm bệnh cho cây trồng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/che-pham-sinh-hoc-tu-vo-que-diet-nam-benh-post711819.html