Chevron thắng kiện, tiếp cận được mỏ dầu lớn nhất thế kỷ
Chevron vừa hoàn tất thương vụ mua lại công ty dầu khí Hess, sau khi thắng trong cuộc tranh chấp pháp lý với Exxon liên quan đến một trong những dự án dầu mỏ tiềm năng hàng đầu thế giới.

Chevron vừa hoàn tất thương vụ mua lại công ty dầu khí Hess, sau khi thắng trong cuộc tranh chấp pháp lý với Exxon liên quan đến một trong những dự án dầu mỏ tiềm năng hàng đầu thế giới. (Ảnh: Youtube)
Thương vụ sáp nhập với Hess - công ty quy mô nhỏ hơn - được Chevron chốt vào ngày thứ Sáu, sau khi vượt qua đối thủ Exxon Mobil trong một vụ kiện gay gắt. Qua thương vụ này, Chevron chính thức sở hữu một phần trong dự án dầu khí được đánh giá là có giá trị rất lớn trên thế giới.
Thỏa thuận trị giá 53 tỷ USD từng bị đình trệ gần 2 năm do tranh chấp hợp đồng, được đưa ra giải quyết tại Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris.
Việc được “bật đèn xanh” để mua lại Hess được xem là một thắng lợi lớn đối với Chevron - tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Mỹ, trụ sở đặt tại Houston - trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo lắng về tương lai của công ty nếu thương vụ đổ vỡ.
Thông qua thương vụ này, Chevron nắm được phần sở hữu trong dự án dầu khí ngoài khơi Guyana (Nam Mỹ) - một mỏ dầu có tiềm năng sinh lời rất lớn. Ngoài ra, Chevron cũng tiếp quản thêm nhiều tài sản ở các khu vực khác, từ Bắc Dakota đến Đông Nam Á, giúp mở rộng hoạt động khai thác và tăng sức cạnh tranh với các đối thủ lớn như Exxon.
Chevron hoàn tất thương vụ khá nhanh chóng. Theo Tổng Giám đốc Chevron - ông Mike Wirth, phán quyết pháp lý được đưa ra vào khoảng 5 giờ sáng (giờ miền Đông nước Mỹ) hôm thứ Sáu. Chỉ hơn 3 tiếng sau, vào lúc 8 giờ 30 sáng, hai bên đã chính thức hoàn tất quá trình sáp nhập.
“Kết quả này không chỉ có lợi cho Chevron, mà còn tốt cho toàn ngành”, ông Wirth chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times.
Exxon và Chevron đã tranh chấp quyền sở hữu cổ phần của Hess tại Guyana suốt hơn một năm, khiến Chevron rơi vào thế kẹt - không thể tiến hành mua lại, mà cũng không thể rút lui khỏi thương vụ.
Giá cổ phiếu của Chevron đã giảm khoảng 9% kể từ khi công bố thương vụ vào tháng 10/2023 đến hết ngày thứ Năm vừa rồi. Trong khi đó, cổ phiếu của Exxon chỉ tăng chưa đến 1%, gần như không bị ảnh hưởng.
Chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu, cổ phiếu Chevron giảm thêm khoảng 1%, còn cổ phiếu Exxon giảm 3,5%.
Nguồn gốc cuộc tranh chấp bắt đầu từ một điều khoản trong hợp đồng - tài liệu này chưa từng được công bố công khai.
Dự án dầu khí tại Guyana là liên doanh giữa ba bên: Exxon là đơn vị điều hành và nắm phần lớn cổ phần, còn lại là Hess và CNOOC - công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc. Dự án này được đánh giá là một trong những mỏ dầu triển vọng nhất thế giới, có thể đóng góp khoảng 1% sản lượng dầu toàn cầu trong vài năm tới, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Exxon cho rằng Hess không được tự ý bán công ty nếu chưa cho Exxon quyền ưu tiên mua lại phần góp trong dự án dầu khí tại Guyana. Tuy nhiên, cả Chevron và Hess đều khẳng định Exxon đã hiểu sai các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác giữa ba bên.
Do không đạt được thỏa thuận, vụ việc được chuyển đến một hội đồng trọng tài để xem xét kín vào cuối tháng 5. Tranh chấp liên quan đến cả ba bên tham gia dự án, nên về mặt pháp lý, Chevron không trực tiếp đứng tên trong quá trình tố tụng.
Tổng Giám đốc Chevron, ông Mike Wirth, cho biết hội đồng trọng tài đã đưa ra phán quyết khẳng định rằng: “Từ trước đến nay, người ta vẫn hiểu rằng quyền ưu tiên mua lại ở cấp tài sản không áp dụng đối với các thương vụ sáp nhập ở cấp công ty mẹ”.
Đối tác Trung Quốc trong dự án - CNOOC - bày tỏ sự thất vọng với phán quyết. Trong khi đó, Exxon tuyên bố không đồng tình với kết quả này.
“Tuy nhiên, chúng tôi chào đón Chevron tham gia vào liên doanh và mong muốn tiếp tục mang lại hiệu quả và giá trị cao tại Guyana cho tất cả các bên liên quan”, người phát ngôn của Exxon cho biết trong một tuyên bố.
Tại Phố Wall, giới phân tích cũng nhẹ nhõm khi cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai ông lớn ngành dầu khí Mỹ cuối cùng đã đi đến hồi kết.
“Có vẻ như mọi chuyện giờ đã rõ ràng và chúng ta có thể khép lại “vụ kiện tụng” này, các chuyên gia của RBC Capital Markets nói trong thông báo gửi nhà đầu tư.
Hiện Chevron đang thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí và dự kiến tinh giản từ 15 đến 20% nhân sự. Con số này chưa bao gồm lượng nhân viên từ Hess sau khi sáp nhập.
Ông Wirth cho biết Chevron sẽ sớm công bố rõ hơn số lượng nhân sự sẽ được giữ lại sau khi hai công ty hợp nhất. “Thông thường, trong những thương vụ như thế này sẽ có những vị trí trùng lặp”, ông nói.
Thương vụ mua lại Hess mang lại cho Chevron thêm lợi thế trong bối cảnh ngành dầu khí đang phải đối mặt với nhiều biến động.
Dưới thời Tổng thống Trump, ngành nhiên liệu hóa thạch được ưu ái với nhiều chính sách nới lỏng quy định, tăng ưu đãi thuế, đồng thời dẫn tới việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, hay điện mặt trời trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, ông Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn giữ giá dầu ở mức thấp, đồng thời theo đuổi cuộc chiến thương mại khiến giá dầu giảm.
Giá dầu giảm vì lo ngại rằng các rào cản thương mại sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ nhiên liệu giảm theo. Điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại gây sức ép lên lợi nhuận của các công ty dầu khí.
Chiều thứ Sáu, giá dầu thô chuẩn của Mỹ đóng cửa ở mức khoảng 67 USD/thùng - thấp hơn khoảng 10 USD so với thời điểm ngay trước khi ông Trump lên nắm quyền.