Chi phí đàm phán ấn vàng Hoàng đế chi bảo được giữ bí mật

Theo lãnh đạo Cục Di sản, điều kiện để đàm phán thành công và hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo được giữ bí mật. Đây được đề cử là một trong các sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm.

Ngày 6/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức họp báo thông tin về 15 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được đề cử bình chọn là sự kiện nổi bật trong năm 2022. Trong số này có sự kiện đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo.

Việc hồi hương kim ấn không thể so sánh với sự kiện nào khác

Trả lời câu hỏi của Zing về điều kiện và chi phí để hãng Millon của Pháp đồng ý giao ấn vàng cho Việt Nam, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết bản thân ông không tham gia trực tiếp nên những thông tin, số liệu cụ thể không có để thông tin.

"Nhưng sau khi cùng đoàn liên ngành đàm phán trở về, Cục trưởng Cục Di sản cũng cho biết chi phí là thông tin bí mật nên không trao đổi lại về nội dung này", ông Thành nói.

Ông nhấn mạnh sự ảnh hưởng của sự kiện đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo không chỉ tác động đến lĩnh vực di sản văn hóa, mà còn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Theo đó, lãnh đạo Cục Di sản cho rằng đây được đánh giá là sự kiện "không thể so sánh với bất kỳ sự kiện nào khác". Mặc dù còn quá trình đưa ấn vàng về Việt Nam, việc đàm phán đã thành công, nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa sự kiện này vào danh sách đề cử sự kiện nổi bật của năm.

 Ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được đàm phán thành công để đưa về Việt Nam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được đàm phán thành công để đưa về Việt Nam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Theo Bộ VHTT&DL, ngày 19/10, website của Hãng đấu giá Millon ở Paris, Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng Hoàng đế chi bảo của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào ngày 31/10.

Được sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án hồi hương ấn vàng và xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng cho phép triển khai thực hiện.

Theo đó, đoàn công tác liên ngành đã đến đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

"Quyết tâm thực hiện việc hồi hương ấn vàng không chỉ để hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc", theo Bộ VHTT&DL.

Đây cũng là việc làm có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Việt Nam có thêm hai di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương

Tại họp báo, Bộ VHTT&DL cũng cho biết di sản tư liệu bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi vào danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn gồm 78 tư liệu bia ma nhai, trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm.

Di sản này là những tư liệu giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…

 Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thông tin về 15 sự kiện được đề cử để bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà.

Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thông tin về 15 sự kiện được đề cử để bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà.

Về văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943), đây là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.

Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách.

Vì vậy, nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.

Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-phi-dam-phan-an-vang-hoang-de-chi-bao-duoc-giu-bi-mat-post1382258.html