Chỉ thị 30/CT-TTg: Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội tham gia phát triển công nghiệp văn hóa
Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; đồng thời bàn thêm về cách phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH).
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho hay, hội nghị triển khai Chỉ thị 30 được tổ chức ở thời điểm rất quan trọng khi Đảng, Nhà nước đang chuẩn bị các tài liệu, văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ VHTT&DL cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các địa phương được xác định là trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa.
“Chỉ thị 30 là một bước để nâng cao nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa; thay đổi cách làm của ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”, ông Hồ An Phong thông tin.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,04% tổng GDP cả nước. "Dư địa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn rất lớn, vấn đề là phải thay đổi cách làm để hiệu quả", ông Hồ An Phong khẳng định và cho biết thêm, trong đợt Việt Nam quảng bá du lịch qua điện ảnh tại Hollywood (Hoa Kỳ) mới đây, có 17 chủ đoàn làm phim tại Hoa Kỳ cam kết năm 2025 sẽ đến Việt Nam nghiên cứu để xúc tiến làm phim tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2015 đến nay, địa phương này đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành CNVH được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.
Đà Nẵng xác định phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của Đà Nẵng; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế. Các ngành CNVH tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Hiện Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành CNVH TP. Đà Nẵng đến năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn triển khai phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, dù phát triển CNVH còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng sản phẩm từ các ngành CNVH cũng đã ít nhiều tạo hiệu ứng du lịch.
"Rõ ràng, phát triển CNVH là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành CNVH mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững", ông Hà Văn Siêu nói.
Ðể phát huy vai trò của ngành CNVH trong mối liên kết với du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề xuất, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành CNVH, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.
Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế, cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia...