Chiếc áo duy nhất không bao giờ lỗi mốt tại Hàn Quốc

Chiếc áo khiến người mặc trong như gimbap (cơm cuộn rong biển) là loại trang phục không lỗi mốt ở Hàn Quốc - nơi các xu hướng thời trang đến và đi rất nhanh.

Sáng 27/11, Hàn Quốc đã biến thành xứ sở thần tiên mùa đông khi cơn bão tuyết bất ngờ bao phủ cả nước. Đây là trận tuyết rơi dày nhất vào tháng 11 kể từ khi các quan sát khí tượng hiện đại bắt đầu được ghi nhận vào năm 1907, với lượng tuyết tích tụ tại Seoul lên tới hơn 20 cm và một số khu vực lên tới hơn 40 cm.

Khi nhiệt độ giảm xuống gần mức đóng băng và trận tuyết đầu tiên trong năm xuất hiện, nó cũng đánh dấu sự trở lại của một trang phục theo mùa quen thuộc đối với người Hàn Quốc: áo khoác phao dài.

Những chiếc áo khoác này, dài từ cổ đến quá gối, trở thành hình ảnh thường thấy trên đường phố Hàn Quốc, báo hiệu mùa đông đã đến. Các hãng tin địa phương nhanh chóng đưa tin về những người đi làm mặc nhiều quần áo ấm, chủ yếu là áo khoác dài màu đen có đệm, vội vã đến nơi làm việc - một dấu hiệu cho thấy cái lạnh thực sự đã ập đến.

Ban đầu được thiết kế như một chiếc áo khoác vận động viên cồng kềnh, dài đến đầu gối, chiếc áo khoác dài có đệm đã nhanh chóng vượt ra khỏi lĩnh vực thể thao. Giờ đây, nó được coi là trang phục chủ lực trong tủ quần áo của người Hàn Quốc ở mọi lứa tuổi, giới tính và nghề nghiệp, được khẳng định là trang phục thường ngày cho mùa đông. Chiếc áo cũng là mặt hàng mà người nước ngoài muốn mua khi đến thăm Hàn Quốc.

Một tập chương trình Welcome, First Time in Korea? (2017-) của MBC every1 phát sóng vào tháng 2/2020, đã ghi lại phản ứng của ba người Đan Mạch khi nhìn thấy đường phố tràn ngập những người mặc áo khoác phao dài, họ nói rằng: "Không có ai không mặc áo khoác phao dài cả".

Mặc dù một số người cho rằng xu hướng đã chuyển sang áo khoác phao ngắn từ năm ngoái, hình ảnh trên đường phố chứng minh điều ngược lại. Một số người cho rằng những chiếc áo khoác này khiến mọi người trông giống như gimbap (cơm cuộn rong biển) khi được quấn chặt trong trang phục.

Ấm áp và thoải mái

Nhiều người cho biết họ chọn áo khoác phao dài để "sống sót" qua thời tiết lạnh thấu xương của Hàn Quốc.

"Đây là vật dụng giữ ấm giúp sinh tồn qua mùa đông", Kang Pil-sung, 28 tuổi sống tại Seoul, cho biết. "Thành thật mà nói, tôi không chắc nó có hợp thời trang không, nhưng khi trời lạnh buốt, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mặc nó. Thà vậy còn hơn chết cóng".

 Người Hàn thường mặc những chiếc áo khoác phao dài vào mùa đông.

Người Hàn thường mặc những chiếc áo khoác phao dài vào mùa đông.

Ngay cả người nước ngoài ở Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng thật khó để từ bỏ món đồ ấm áp và thoải mái này. Mehtap Oezkan, còn được gọi là @mehtapisme trên mạng xã hội, là người có sức ảnh hưởng làm việc Hàn Quốc. Trong một bài đăng trên TikTok của mình vào tháng 12 năm ngoái, cô nói: "Mọi người nói rằng những chiếc áo khoác phao dài không còn hợp thời trang nữa, trông thật ngớ ngẩn và chúng ta nên mặc những chiếc áo ngắn hơn. Tuy nhiên, những chiếc áo khoác phao dài thực sự giữ ấm cho đôi chân của tôi và tôi sẽ không chuyển sang một chiếc áo ngắn hơn khi nhiệt độ bên ngoài dưới 0 độ C".

Cái lạnh buốt giá đóng vai trò to lớn khiến cả người Hàn Quốc và người nước ngoài ở Hàn Quốc không thể từ bỏ những chiếc áo phao dài, bất chấp các cơn sốt thời trang qua từng năm.

Nguồn gốc

Áo phao dài không phải là phong cách thời trang mới đối với người Hàn Quốc, vì nó đã được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1994 trong loạt phim của MBC Final Jump, với sự tham gia của các diễn viên Jang Dong-gun, Son Ji-chang và Shin Eun-Kyung.

Vào thời điểm đó, những chiếc áo khoác này thường được gọi là "áo khoác bóng rổ" hoặc "áo khoác băng ghế dự bị". Ngoài ra, chúng không có đệm dày bằng lông ngỗng như ngày nay. Hầu hết đều có lớp đệm mỏng hơn và vải có họa tiết bóng.

Theo thời gian, kiểu áo này đã trở nên dày hơn, có lông vũ và phổ biến đáng kể vào những năm 2010. Gong Ye-jin, 28 tuổi, người tự nhận mình là "đam mê áo phao dài", cho biết: "Tôi nhớ những người nổi tiếng và học sinh nghệ thuật biểu diễn, truyền thông của trường tôi đều mặc áo khoác này. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ những kiểu áo đó chỉ dành cho người nổi tiếng, vì vậy tôi không mặc. Nhưng bây giờ, tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ sống thiếu nó vào mùa đông".

 Áo khoác phao dài ban đầu phổ biến trong giới vận động viên và người nổi tiếng.

Áo khoác phao dài ban đầu phổ biến trong giới vận động viên và người nổi tiếng.

Trước khi cơn sốt áo khoác phao dài bắt đầu, kiểu áo này thường gắn liền với các diễn viên và thần tượng, những người mặc chúng để giữ ấm trong khi chờ đợi trên phim trường hoặc di chuyển giữa các lịch trình.

Phong cách vận động viên kiêm người nổi tiếng này dần dần trở thành xu hướng thời trang chính thống, phổ biến trong giới sinh viên đại học và thậm chí cả những đối tượng trẻ hơn ở trường trung học phổ thông và trung học cơ sở. Do đó, ngày nay áo khoác phao dài thường được coi là "đồng phục" dành cho học sinh.

Đỉnh cao

Cơn sốt áo khoác phao dài đạt đến đỉnh cao vào năm 2017, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018.

Thế vận hội mùa đông đã ra mắt chiếc áo khoác dài chính thức làm quà kỷ niệm, thúc đẩy cơn sốt áo khoác dài ở Hàn Quốc. Với mức giá 149.000 won (106 USD), chiếc áo khoác này gần bằng một nửa giá của hầu hết loại áo khoác dài độn bán lẻ, thường dao động từ 300.000 đến 400.000 won. Mọi người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng trên khắp đất nước để mua được món đồ mùa đông giá cả phải chăng này.

 Cơn sốt áo khoác phao dài trở lại khi Hàn Quốc đón trận tuyết đầu mùa.

Cơn sốt áo khoác phao dài trở lại khi Hàn Quốc đón trận tuyết đầu mùa.

Theo Lee Dong-Hyun, Tổng giám đốc điều hành của FCL Hàn Quốc và là một nhà phê bình thời trang, một động lực khác thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của áo khoác phao dài đến từ sở thích chung của người Hàn Quốc đối với áo khoác bên ngoài và sự thay đổi trong xu hướng thời trang.

Lee chia sẻ với Korea JoongAng Daily: "Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, có sự kết hợp giữa áo khoác len và áo khoác phao. Tuy nhiên, áo khoác phao thực sự trở nên quan trọng khi trang phục ngoài trời bắt đầu tăng lên".

Nhà phê bình thời trang nhấn mạnh sự thay đổi xã hội trong lựa chọn trang phục là lý do chính khiến áo khoác ngoài có đệm được đưa vào thị trường Hàn Quốc, một xu hướng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ông cho biết: "Trước đây, trang phục không mang tính thể thao như ngày nay. Nó mang lại cảm giác trang trọng hơn. Trong 10 năm qua, trang phục thể thao bắt đầu trở nên phổ biến đáng kể và bắt đầu đa dạng hơn".

Với sự thay đổi này, áo khoác phao dài đã trở thành "đồng phục" văn hóa. Cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu trực tuyến PMI thực hiện cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 4 người sở hữu một chiếc áo khoác này.

Cùng với sự phổ biến của áo phao dài, những ảnh hưởng tiêu cực cũng xuất hiện, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

Học sinh, nhất là những học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, rất muốn có được những chiếc áo khoác đắt tiền và thậm chí chia rẽ, xếp hạng nhau dựa trên thương hiệu áo khoác. Một số buộc cha mẹ mua những món đồ đắt tiền hơn để "bằng bạn bằng bè", tạo gánh nặng chi phí cho gia đình.

Lê Vy

Ảnh: Pinterest, Osen

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chiec-ao-duy-nhat-khong-bao-gio-loi-mot-tai-han-quoc-post1515023.html