'Chiếc nôi' đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Suốt chặng đường 30 năm (1992 - 2022) xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt sứ mệnh, vai trò đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trở thành chiếc nôi đào tạo nhân lực cho tỉnh.

Ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1991, giữa bộn bề gian khó, tỉnh Lào Cai đã xác định rõ tầm quan trọng và cần thiết phải đào tạo nguồn cán bộ địa phương có trình độ để xây dựng tỉnh nhanh chóng phát triển. Chỉ nửa năm sau ngày tái lập tỉnh, tháng 5/1992, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã được thành lập và là trường học chuyên biệt nhằm đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho tỉnh. Thầy giáo Lý Văn Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nhớ lại: 30 năm trước, thị xã Lào Cai xây dựng lại, mọi thứ bộn bề, ngổn ngang. Mùa hè năm 1992, các thầy, cô giáo tất bật chuẩn bị bàn ghế, sách vở, dọn dẹp, phá lau sậy, vệ sinh trường lớp… để kịp đón học sinh vào năm học mới. 14 thầy cô giáo, 9 nhân viên và 72 học sinh của 3 lớp học khóa đầu tiên đã mở đầu hành trình dựng xây và phát triển của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh bằng những ký ức gian khó, nhưng không thể nào quên. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian, các thầy cô tận dụng làm bếp ăn tập thể, thầy trò cùng nấu ăn, thau rửa giếng cũ để lấy nước sinh hoạt. Thiếu thốn là vậy nhưng cả thầy và trò đều phấn khởi bởi nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành. Ngay từ những ngày đầu, nhà trường đã rất coi trọng xây dựng, củng cố nền nếp, kỷ cương; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn.

Trường PTDT nội trú những năm đầu thành lập. Ảnh: Phạm Ngọc Triển

Vượt qua buổi đầu gian khó, nhà trường phát triển nhanh về quy mô, cơ sở vật chất cũng dần dần được trang bị đầy đủ. Đến năm học 1998 - 1999, trường chuyển về địa điểm hiện tại với 8 lớp học sinh. Những năm sau đó, quy mô của trường phát triển lên 10 lớp và từ năm học 2012 - 2013 đã ổn định quy mô với 15 lớp, hơn 500 học sinh dân tộc thiểu số.

Thấm thoắt đã 30 năm, thị xã Lào Cai đơn sơ, đầy lau sậy ngày ấy đã trở thành thành phố năng động, là trung tâm kinh tế, chính trị, với vị thế quan trọng ở cửa ngõ biên giới Tây Bắc của Tổ quốc. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức được tăng cường, từ năm đầu thành lập trường chỉ có 23 người, đến năm học 2022 - 2023 có 58 người (trong đó 7 thạc sỹ), 32 đảng viên, nhiều thầy, cô là giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh, là cốt cán của ngành trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cô giáo Vũ Thị Thu Hiền chia sẻ: Với đặc thù của trường nội trú, nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên không chỉ dạy kiến thức, mà cả kỹ năng sống, dạy học sinh lý tưởng sống tốt đẹp, khát khao học tập và khát vọng cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước. Cùng với đó, trường còn nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh trong 3 năm học tập tại trường. Vì thế, công việc nặng nề, vất vả hơn, đòi hỏi tinh thần cao hơn, tận tụy, gắn bó và yêu công việc nhiều hơn.

Có thể khẳng định, chất lượng đội ngũ là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đều đạt 100%; từ năm 2016 không còn học sinh xếp loại học lực yếu; tỷ lệ học sinh giỏi, khá tăng mạnh, chiếm trên 80%; đặc biệt 3 năm học liên tiếp trở lại đây, tỷ lệ học sinh giỏi, khá đạt hơn 90%.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được phát triển toàn diện.

Năm 2010, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia và giữ vững chất lượng trường đạt chuẩn đến nay. Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai cho biết: Học sinh là con em của 15 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mái trường trở thành ngôi nhà chung đầy tình thân, ở đây, các em được học tập, rèn luyện, tự tin diện những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình, được thổi khèn, múa xòe hay múa sinh tiền... Năm 1994, lần đầu tiên tham dự Hội thi văn hóa, thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc, trường đã giành được Huy chương Vàng văn nghệ, Huy chương Bạc học sinh thanh lịch toàn quốc. Đến năm học 2015 - 2016, lần đầu tiên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đăng ký thực hiện mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng. Những câu lạc bộ như thêu thổ cẩm; dân ca, dân vũ dân tộc; thể thao dân tộc được duy trì hoạt động hiệu quả, thông qua đó giáo dục cho học sinh biết bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc Lào Cai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai bày tỏ: Được học tập, rèn luyện ở ngôi trường này là niềm tự hào của em và các bạn học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, em sẽ học tập thật tốt để trở thành công dân có ích, góp sức xây dựng quê hương.

Với bề dày truyền thống, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh luôn giành được thành tích cao trong dạy và học. Từ mái trường này, gần 4.000 học sinh của 15 dân tộc đã tốt nghiệp THPT. Nhiều thế hệ học sinh của trường đã trưởng thành là lao động giỏi, cán bộ ở các địa phương đến cơ quan của tỉnh, đặc biệt có người là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã…

Dưới mái trường THPT Dân tộc nội trú, nhiều thế hệ học sinh đã được bồi dưỡng, trưởng thành.

Dưới mái trường THPT Dân tộc nội trú, nhiều thế hệ học sinh đã được bồi dưỡng, trưởng thành.

Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai cho biết: 30 năm qua, nhà trường không ngừng phát triển với những bước đi vững chắc, trở thành lá cờ đầu trong ngành giáo dục dân tộc, miền núi. Những kết quả giáo dục của nhà trường được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 2012, trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Những thành tích ấy là động lực to lớn để thầy và trò nhà trường tiếp tục phấn đấu trên con đường đổi mới, hội nhập. Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cùng với ngành giáo dục Lào Cai và giáo dục cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai mới được quy hoạch trên diện tích 9,3 ha.

Đồng chí Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, trong những năm học tới, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cần tập trung tối đa cho nhiệm vụ phát triển đội ngũ để phát huy nhân tố con người; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - hội nhập quốc tế. Cùng với đó, trường cần chú trọng nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ Nhân dân, địa phương, quê hương sau khi trưởng thành.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã trở thành “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã trở thành “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Với những nỗ lực vượt bậc và thành tựu nổi bật, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã trở thành “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và ngành giáo dục - đào tạo cũng như các thế hệ đi trước, thầy và trò nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống 30 năm qua để viết thêm những trang sử vẻ vang, đào tạo ngày càng nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362097-chiec-noi-dao-tao-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so