Khi nhắc đến làng nghề truyền thống ở Đồng Nai, nhiều người sẽ nhớ đến làng gốm Tân Vạn, Hiệp Hòa và gốm Biên Hòa. Sản phẩm gốm xưa không chỉ đẹp về kiểu dáng, họa tiết mà còn nổi bật với chất men đặc trưng, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Từ năm 1925 đến 1955, gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã được mang đi dự triển lãm quốc tế và giành được nhiều huy chương vàng tại các triển lãm ở Paris, Indonesia, Bangkok... Chất men độc đáo của gốm Biên Hòa đã tạo nên sự khác biệt và giúp sản phẩm này duy trì vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhiều thanh niên làng nghề đã rời bỏ quê hương, vào các thành phố làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp để kiếm sống. Điều này khiến nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ bị thất truyền.
Vì vậy, việc quan tâm kịp thời đến các nghệ nhân sẽ giúp họ tiếp tục duy trì và phát triển nghề, tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn của vùng đất Đồng Nai.
Dưới đây là những hình ảnh PV Người Đưa Tin ghi lại tại làng gốm Biên Hòa:
Khâu đầu tiên để làm gốm là các nghệ nhân pha trộn đất và các phụ liệu, sau đó cho vào khuôn theo kích thước mẫu mã và tạo hình.
Sau khi tạo hình, bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cắt gọt những phần đất dư thừa.
Chế tác ra thành phẩm, các nghệ nhân sẽ chuyển qua công đoạn phác họa hoa văn.
Nghệ nhân Anh Tấn (47 tuổi) chia sẻ: "Tôi học nghề từ gia đình năm 15 tuổi, có thâm niên 32 năm trong nghề".
Sau đó, đưa sản phẩm lên bàn xoay dùng tay để làm mịn lắng các sản phẩm.
Nghệ nhân Tám Tiền, chủ lò gốm Biên Hòa cho biết thêm: "Gốm mỹ nghệ làm bằng thủ công do cha ông truyền nghề nên đến tận bây giờ tôi vẫn cố gắng giữ lại nghề truyền thống này, để bảo tồn nét văn hóa mà ông cha đã gây dựng bao lâu nay".
Những sản phẩm to, nhỏ sau khi được các nghệ nhân cho ra thành phẩm, sau đó đến khâu phác họa các hoa văn, họa tiết thủ công bằng bút chì.
Với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, hằng ngày phải chăm chú vào từng sản phẩm tạo nên những hoa văn tinh xảo, để cho ra những tác phẩm đẹp về gốm sứ.
Nghệ nhân Bích Vân chia sẻ, chị theo nghề đã được 40 năm. Ngoài việc để kiếm thu nhập cho bản thân và gia đình, nghề này cũng là đam mê của chị.
Sau khi các thành phẩm được phác họa, bàn tay khéo léo của các nghệ nhân sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để khắc chìm các họa tiết trên từng sản phẩm.
Sau đó, các nghệ nhân khác tô vẽ, phối màu bằng sứ lên các sản phẩm. Cuối cùng mới cho vào lò nung.
Nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa có đường nét tinh xảo cùng hoa văn đa màu sắc.
Những hũ đựng mứt ngày Tết làm thủ công.
Heo đất xinh xắn là sản phẩm gốm Biên Hòa.
Nhiều bình hoa kích thước, hình thù đa dạng và bắt mắt.
Sau các khâu tạo hình, khắc hoa văn, tô vẽ phối màu và đưa vào lò nung, đã cho ra đời các sản phẩm gốm sứ đẹp mắt.
Nguyễn Anh Trọng