Chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch xử lý dứt điểm
Đó là khẳng định của ông Nghiêm Duy Bình - Phó Chủ tịch UBND P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức trong buổi làm việc với phóng viên sau khi Báo Công an TPHCM đăng bài 'Khu phố nhà không phép giữa lòng... nghĩa địa', phản ánh về một địa bàn không những vi phạm về trật tự xây dựng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Lãnh đạo phường cũng cho biết, đã có văn bản xác minh tại sao những ngôi nhà tạm bợ này lại được cấp điện, nước, thậm chí số nhà?!
Xây nhà "lụi" để bán, cho thuê và... cầm cố
Báo Công an TPHCM số ra ngày 29/10/2024 có đăng bài phản ánh về một "khu phố" với hàng trăm căn nhà không phép tại Khu 36 (thuộc P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức). Theo phản ánh của người dân, Khu 36 không những nổi tiếng với hàng trăm căn nhà "xây một đêm" giữa nghĩa địa mà còn là địa bàn rất phức tạp về tình hình ANTT kéo dài suốt nhiều năm nay.
Sau khi báo đăng, ngày 07/11/2024, ông Nghiêm Duy Bình - Phó Chủ tịch UBND phường và các bộ phận chức năng đã có buổi làm việc với phóng viên Báo CATP xung quanh vấn đề này. Theo ông Bình, khu đất này rộng khoảng hơn 9.000m2, do Hội đồng hương Ngũ Hành Sơn (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) góp tiền mua lại của một số hộ dân bản địa trước năm 1975, với mục đích làm "nghĩa trang Non Nước" để phục vụ các thành viên của hội. Tuy là bãi tha ma, nhưng ở đây lại "mọc" lên rất nhiều căn nhà xây dựng trái phép, đa số là "xây và hoàn thiện trong một đêm" xen kẻ với các ngôi mộ. Sau đó, xảy ra tình trạng mua bán bằng giấy tay hoặc là tự lấn chiếm để chiếm hữu, xây dựng nhà ở, cho thuê, thậm chí... cầm cố. Không những vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều người nhập cư còn kéo về đây ở mỗi ngày một đông, trong đó có một số đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT địa bàn. Điều này cũng được người dân và cán bộ kiểm tra phản ánh khi vào đây phải đi đông người và có Công an để phòng ngừa bất trắc.
Tình trạng vi phạm xây dựng đã kéo dài hàng chục năm nay. Từ vài chục căn trước năm 2018, thì đến nay theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại hiện trường đã có đến hơn 50 căn, thậm chí còn có cả dãy nhà trọ cho thuê. Theo ông Bình, tại Khu 36 này hiện chính quyền địa phương chỉ mới ghi nhận có 25 căn nhà xây dựng không phép. Trong đó, có 13 căn đã có quyết định xử phạt và cưỡng chế, 12 căn còn lại chưa có quyết định. "12 căn này là cơi nới và xây dựng trái phép trong thời gian dài (mỗi ngày xây một ít, rất khó phát hiện). UBND Phường khẳng định, không xác nhận hay giải quyết bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc cấp điện, nước của các hộ trong Khu 36 Bình Trưng Đông. Hiện, UBND phường đã có văn bản gửi Công ty Điện lực thủ Đức để hỗ trợ kiểm tra...", ông Bình cho biết thêm.
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện đã thống kê được 13 hộ dân tự ý xây dựng hàng chục căn nhà trên khu đất này. Trước năm 2018, ghi nhận có tổng cộng 14 căn nhà xây trái phép trong Khu 36 Bình Trưng Đông, phân nửa trong số đó đến đây xây nhà để cho thuê chứ không ở. Thậm chí, có người còn xây nhà để bán lại bằng giấy tay. Sau năm 2018, lợi dụng thời điểm dịch, có người còn xây dựng một lần 4 căn nhà với kết cấu tường gạch, mái tôn để cho thuê. Một trường hợp khác xây liền một lúc 5 căn để ngăn phòng cho thuê và... cầm cố. Bên cạnh đó, có nhiều công trình không xác định được chủ là ai?!
Đây là địa bàn "nóng", sẽ xử lý dứt điểm
Trong văn bản trả lời Báo Công an TPHCM, lãnh đạo UBND P.Bình Trưng Đông cho biết: "Sau khi báo đăng, phường đã có văn bản số 234/BC-UBND báo cáo với UBND TP.Thủ Đức về Khu 36 Bình Trưng Đông. Đối với các công trình vi phạm phát sinh chưa được xử lý, phường sẽ tiếp tục phối hợp với thanh tra xây dựng thành phố kiểm đếm, đo đạc, xác minh chủ đầu tư để tiến hành xử lý theo quy định trong tháng 11 và 12/2024. Sau khi có kết quả, UBND phường sẽ thông tin lại cho quý báo được biết".
Liên quan đến vấn đề cấp điện cho hàng chục căn nhà không phép trong khu nghĩa địa 36 Bình Trưng, ngày 29/11/2024, Công ty Điện lực Thủ Đức đã có văn bản số 6066/PCTD-DVKH gửi Báo CATP, nêu rõ: "Tại Khu 36 Bình Trưng Đông hiện có 40 công trình xây dựng nhà ở, trong đó ngành điện có ký hợp đồng mua bán điện với một số hộ. Thời gian gắn điện kế cho khu vực này được thực hiện từ năm 2006 đến nay... Đối với các hộ đã gắn điện kế, phía khách hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý, có công trình nhà ở ổn định, phía Công ty Điện lực Thủ Đức đã giải quyết đúng theo quy định hiện hành". Tuy nhiên, theo quy định hiện nay được đăng tải trên trang thông tin của ngành điện thì người dân phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở hợp lệ; Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà/đất... Vậy nên, theo văn bản số 6066/PCTD/DVKH nêu trên thì "phía khách hàng đã cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý” bao gồm những gì? Trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai?.
Theo ông Nghiêm Duy Bình, trong 13 quyết định cưỡng chế đã nêu ở trên, phường đã triển khai thực hiện 3 quyết định, còn 10 quyết định chưa thực hiện. Phường đã có lộ trình để triển khai thực hiện các quyết định trên. "Hiện nay, khó khăn cho phường trong công tác lập phương án cưỡng chế là vi đơn vị có chức năng cưỡng chế không nhiều và không mặn mà do kinh phí cưỡng chế theo quy định là người bị cưỡng chế chi trả, hiện nay Nhà nước khi thực hiện cưỡng chế thì phải tự ứng tiền ra để thực hiện, nguồn kinh phí này khó thu hồi lại của người dân. Việc các hộ dân tự mua bán giấy tờ tay, sang nhượng bất hợp pháp qua nhiều người gây khó khăn cho công tác xử lý, lập hồ sơ, ban hành các quyết định xử phạt; đồng thời né tránh tổ công tác, không hợp tác, không xuất hiện tại công trình" - ông Bình cho biết thêm.
Hiện tại, Khu 36 này đang được các cơ quan chức năng phối hợp để xử lý cưỡng chế dứt điểm, lập lại trật tự xây dựng cũng như bảo vệ ANTT. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả xử lý về "điểm đen" phức tạp này.