Chính sách 'đòn bẩy' nào giúp xe điện bùng nổ khắp thế giới?
Tiến trình chuyển đổi sang xe điện diễn ra hiệu quả tại nhiều nước, biến chúng thành lựa chọn tiện lợi và kinh tế cho người dân.
Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các chương trình cho thuê được trợ giá dành cho xe điện nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.
Chương trình thuê xe điện xã hội
Việc chuyển đổi từ xe sử dụng xăng sang xe điện (EV) là xu hướng toàn cầu nhằm giảm phát thải carbon, chống ô nhiễm không khí và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia như Na Uy, Đức, Pháp, Singapore, Trung Quốc đã triển khai các chính sách ưu đãi để loại bỏ dần xe xăng và khuyến khích sử dụng xe điện.
Ban đầu, người dân lo ngại về an toàn, phạm vi di chuyển và tính tiện lợi khi sạc pin. Tuy nhiên, chính quyền và các nhà sản xuất ô tô đã hợp tác để đưa ra các chương trình hấp dẫn nhằm giúp người dân vượt qua những rào cản này.

Na Uy có hệ thống trạm sạc nhanh với 10.000 điểm trên cả nước, giúp người dân dễ dàng sạc xe. Ảnh: CNET
Theo đài CNBC, Na Uy, đặc biệt là thủ đô Oslo, dẫn đầu thế giới về sử dụng xe điện nhờ các chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Chính phủ miễn thuế mua xe điện, giảm phí đường bộ, cung cấp chỗ đỗ xe miễn phí và cho phép xe điện sử dụng làn xe buýt. Nhờ đó, xe điện rẻ và tiện lợi hơn xe chạy xăng, dầu. Hệ thống trạm sạc nhanh, với 10.000 điểm trên cả nước, giúp người dân dễ dàng sạc xe.
Áp thuế cao đối với xe chạy nhiên liệu hóa thạch cũng thúc đẩy chuyển sang xe điện. Kết quả, hơn 93% xe mới bán ra tại Na Uy năm 2025 là xe điện và tại Oslo, 40% xe trên đường là xe điện. Na Uy đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn xe buýt xăng sang xe buýt điện trong năm nay và đạt 75% phương tiện hạng nặng sử dụng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.
Nước Đức, cường quốc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, đã đặt mục tiêu có 15 triệu xe điện lưu hành vào năm 2030, trên cơ sở triển khai chính sách trợ cấp và đầu tư hạ tầng. Xe điện được miễn thuế phương tiện trong 10 năm và các công ty lắp đặt trạm sạc tại nơi làm việc được nhận ưu đãi thuế. Chính phủ cũng hợp tác với các hãng Volkswagen, BMW, Tesla để cung cấp các mẫu xe điện giá rẻ.
Theo trang Clean Energy Wire, chính phủ Đức đang lập kế hoạch triển khai chương trình "cho thuê xe điện xã hội" giúp các gia đình có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận xe điện. Chương trình này cho phép người dân thuê xe điện nhỏ với mức giá chỉ khoảng 99 euro/tháng trong 3 năm. Mục tiêu là giảm lượng khí thải từ giao thông và bảo đảm việc chuyển đổi sang xe điện không chỉ dành cho những người giàu có.
Trong khi đó, chính phủ Pháp đã thông báo về việc tái khởi động chương trình cho thuê xe điện dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp, vốn đã bị tạm dừng vào tháng 2-2024. Lần này, ngân sách dành cho chương trình lên tới khoảng 370 triệu euro cho ít nhất 50.000 xe điện. Trong đó, ít nhất 5.000 xe sẽ dành cho người sống hoặc làm việc tại các đô thị mà chất lượng không khí đặc biệt cần được cải thiện. Mức trợ cấp tối đa khoảng 7.000 euro/xe.
Xanh hóa hệ thống giao thông nhờ xe điện
Tại Singapore, Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) đang nỗ lực để "xanh hóa" hệ thống giao thông và giảm khí thải, nhằm hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một trong những trụ cột chính của kế hoạch này là điện khí hóa toàn bộ phương tiện giao thông với tầm nhìn đến năm 2040, mọi chiếc xe trên đường sẽ sử dụng năng lượng sạch.
Lộ trình phát triển xe điện tại Singapore tập trung vào 3 trụ cột chính gồm ưu đãi tài chính, phát triển hạ tầng sạc và thiết lập quy định. Cụ thể, chính sách Ưu đãi Áp dụng sớm cho xe điện (EEAI) và Chương trình Khí thải xe cải tiến (VES) giúp giảm tới 31.200 USD chi phí ban đầu.
Mục tiêu của Singapore là đến năm 2030 có 60.000 điểm sạc trên toàn quốc, bảo đảm mọi khu dân cư công cộng sẵn sàng cho xe điện trong năm 2025. LTA cũng ban hành các quy định chặt chẽ về trạm sạc an toàn, đồng thời hợp tác nghiên cứu phát triển pin và hỗ trợ cộng đồng lái xe điện.
Trong khi đó, khi xe xăng dần bị loại bỏ, người dân Trung Quốc đã nhanh chóng thích nghi và coi xe điện là phương tiện di chuyển tiện lợi, giá cả phải chăng. Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với hơn một nửa số xe điện toàn cầu đang lưu thông.

Các trạm sạc công cộng trên một con phố ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: CFP
Sự bùng nổ của xe điện tại Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính sách trợ cấp của chính phủ, bao gồm ưu đãi thuế, đầu tư vào hạ tầng sạc và các chính sách khuyến khích người mua như cấp biển số miễn phí như ở Thượng Hải.
TP Liễu Châu (Quảng Tây) có hơn 4 triệu người nhưng có tới 214.000 chiếc xe điện đang lưu hành. Xe điện mini giá rẻ (khoảng 4.100 USD) trở thành phương tiện phổ biến, giúp người dân tiết kiệm chi phí sạc điện đáng kể - chỉ khoảng 21 USD/tháng so với 210 USD cho xe xăng - và dễ dàng đỗ xe trong không gian chật hẹp. Thành phố này cũng đã xây dựng mạng lưới hơn 21.000 trạm sạc.
Nhờ xe điện, Liễu Châu trở nên yên tĩnh hơn và chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Thành công của Liễu Châu đang được các thành phố nhỏ khác tại Trung Quốc học hỏi - đó là kết hợp chính sách hỗ trợ và công nghệ giá rẻ.
Các hãng xe lớn cũng đã thay đổi cách tiếp cận thị trường. Chẳng hạn, SAIC-GM-Wuling Automobile đã rất thành công với dòng xe điện mini giá rẻ, khoảng 5.000 USD/chiếc.
Ngoài ra, xe máy điện cũng phát triển mạnh mẽ, trở thành phương tiện di chuyển xanh, tiện lợi và thể hiện phong cách sống của giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, nơi xe máy xăng bị hạn chế.