Chính sách quyết định thành công của nền kinh tế

Hãy đưa nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020-2025 là 'An toàn chính sách - An toàn năng lượng - An toàn môi trường'.

Ông Nguyễn Hoài Bắc (thứ ba từ phải) trên công trường dự án ĐMT 168MW với các kỹ sư trong nước và quốc tế trên khu vực đồi núi không canh tác được tại huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TGCC)

Trước thềm năm mới, một ngày trong tuần cuối của năm 2019 trở thành ngày quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân Việt và các doanh nhiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đại diện hơn 700.000 doanh nghiệp đã tụ hội tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp để cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Chính phủ bàn về “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Đây là lần thứ ba trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp.

Tạo bản lề vững chắc

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá cao doanh nghiệp và khẳng định, đất nước muốn hùng cường, giàu mạnh có vai trò chủ chốt của cộng đồng doanh nghiệp.

Và trên thực tế, những thành công đã đạt được và những khó khăn bất ổn do các doanh nghiệp bày tỏ trong hội nghị. Chúng ta nhận thấy, số doanh nghiệp được thành lập tính đến thời điểm tháng 12/2019 đạt 750.000 doanh nghiệp – Theo cách tính cơ học thì con số này không hề nhỏ so với 10 năm trước; Năm 2019, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu đạt gần 514 tỷ USD; GDP tăng hơn 7 %/năm - cao nhất trong khu vực và thứ hạng hàng đầu của thế giới. Nhìn vào chỉ số nêu trên quả là đáng mừng và tự hào cho sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Nhưng vấn đề đặt ra, là cần nhìn thấy những hạn chế trong nội tại của doanh nghiệp, của những chính sách chưa phù hợp, còn bất cập với thực tế và yêu cầu phát triển chung của xã hội…. để Chính phủ có phương án phù hợp và chính sách trúng, chuẩn, tạo bản lề vững chắc cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất đẩy mạnh phát triển kinh tế đạt mục tiêu dân giàu – nước mạnh.

Nhìn thực tế với dân số Việt Nam hơn 95 triệu dân, việc đạt được thành tựu như nêu trên vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa đạt được thành quả như kỳ vọng. Nhiều lý do đã được Chính phủ, bộ, ngành và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, cùng các chuyên gia kinh tế đưa ra bàn thảo trong rất nhiều hội nghị chuyên đề cũng như hội nghị toàn quốc.

Theo tôi, mục tiêu đặt ra của chính sách kinh tế vĩ mô vẫn còn dàn trải, chưa thật sự trọng tâm vào nhu cầu thiết yếu của đất nước, của người dân. Khi triển khai sẽ bị ôm đồm, rối như ma trận, dẫn đến “trống đánh xuôi – kèn thổi ngược” gây khó cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Hoài Bắc (giữa) chụp ảnh kỷ niệm với các công nhân, kỹ sư tại Phòng điều khiển tự động nhà máy điện mặt trời 168MW của Công ty CMX Sunseap tại Ninh Thuận đưa vào khai thác 15/6/2019. (Ảnh: TGCC)

An toàn chính sách

Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thực tế đã cho thấy, chính sách từ nhiều năm qua vẫn chưa thực sự an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, bởi lẽ chưa bảo đảm khách quan và chiều sâu, cũng như “độ dài” cần và đủ để Doanh nghiệp – Nhà đầu tư triển khai dự án.

Nhiều chính sách lớn đưa ra nhưng chưa phù hợp với thực tế và còn thiếu đồng bộ, một số kế hoạch kinh doanh, dự án đang triển khai phải dừng lại vì chính sách thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Vì vậy, việc pháp luật có những quy định rõ, những văn bản pháp quy ban hành sau gây khó khăn cho doanh nghiệp thì không có hiệu lực chế tài các quyết định trước đó, là rất quan trọng.

An toàn năng lượng

Muốn đẩy mạnh đầu tư trong nước và thu hút đầu tư FDI giảm thiểu khó khăn cho ngành năng lượng thì điều tiên quyết trong chính sách ban hành của Chính phủ là phải đáp ứng điều kiện về giá cả mua bán điện, thời gian hiệu lực của chính sách đủ dài, thủ tục thông thoáng, quỹ đất quy hoạch phù hợp, lợi thế vùng miền… Đi đôi với chính sách của Chính phủ là chính quyền địa phương phải đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp.

Thực tế nhận thấy từ khi Quyết định 11/2017-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lắk… Nhà đầu tư đã đồng hành cùng Chính phủ biến những khó khăn, bỡ ngỡ trong lĩnh vực đầu tư mới của Việt Nam trở thành hiện thực. Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài “bay vào bay ra” như hội. Tuy nhiên, việc quyết định này chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/2019 đã bất ngờ gây khó cho các nhà đầu tư. Chủ trương “Dừng lại để đấu giá điện”, thật sự chưa phù hợp vào giai đoạn này.

Đúng, việc đấu giá bất cứ đồ vật gì, món hàng nào cũng bảo đảm công khai, minh bạch và tốt cho thị trường. Nhưng hiện tại chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý, đất đai, cơ sở hạ tầng và cả bảo lãnh tín dụng để tiến hành đấu giá.

An ninh năng lượng và thiếu hụt năng lượng đã và đang là vấn đề không nhỏ theo báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Quốc gia (EVN). Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và EVN không được phép để thiếu điện và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo nhằm bù đắp cho những nguồn điện truyền thống đã và đang gây ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên.

Toàn cảnh dự án Nhà máy Điện mặt trời 168 MW ở Ninh Thuận. (Ảnh: TGCC)

An toàn môi trường

Chính quyền địa phương một số tỉnh nằm trong vùng trọng điểm như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắk…đang “nở mặt, nở mày”. Hàng trăm dự án lớn nhỏ đã được chấp thuận. Nhưng trên thực tế, số ít dự án được triển khai vì họ là nhà đầu tư thật, có tiền, có kinh nghiệm. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư đã được chấp thuận mà đã lờ đi việc triển khai. Đơn giản, họ đang chờ bán dự án kiếm lời vì không có khả năng tài chính và không thích làm ăn lâu dài thích “ăn xổi ở thì”.

Trong quyết định đầu tư có ghi rõ ràng, “sau 1 năm không triển khai thì dự án bị thu hồi”, nhưng ai thu hồi và thu hồi của ai cũng là câu chuyện thật dài.

Hậu quả để lại là nhà đầu tư thật gặp khó khăn vì quỹ đất hết, quota không còn và mắc phải cái khuyết điểm “yêu không cháy hết mình, vui vẻ không tới Z”, muốn làm thì chỉ còn cách mua lại dự án đang chờ bán với giá cao. Tai hại hơn là kế hoạch của Tỉnh không hoàn thành, Nghị quyết của HĐND chỉ là trên giấy. Thiết nghĩ, môi trường đầu tư chưa an toàn, không thu được lợi tức cho xã hội và doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp thất bại thì cũng là thất bại của chính sách.

Những dự án hàng trăm tỷ, nghìn tỷ nằm phơi gió mưa vì chờ đợi chính sách mới. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng thì không được phát đủ công suất vì đường truyền tải bị quá tải nên EVN chỉ đồng ý cho phát điện lên lưới quốc gia từ 40-60% công suất. Nhà đầu tư lỗ vốn, ngân hàng không thu được vốn và lãi, người tiêu dùng phải mua điện với giá cao… tài sản của xã hội bị hoang phí. Lỗi này do ai gây nên là câu hỏi vẫn chưa có lời kết.

Chính sách của địa phương và Chính phủ là yếu tố quan trọng nhất cho phát triển kinh tế nói chung của quốc gia, đất nước. Khi đất nước cần doanh nghiệp có tâm có tầm trong khu vực và vươn tầm thế giới thì chính sách của nhà nước cần ổn định lâu dài và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Bước sang năm mới Canh Tý – Năm đứng đầu con Giáp theo quan niệm Á Đông, hy vọng sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, mọi nhà và các doanh nghiệp đã và đang đầu tư kinh doanh trên mảnh đất hình chữ S, cùng quốc gia Phát triển - Thịnh vượng – An lành.

Nguyễn Hoài Bắc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-quyet-dinh-thanh-cong-cua-nen-kinh-te-107957.html