Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế

Ngày 29/11/2024, Bộ Tài chính phối hợp với UNDP và Dự án Tăng cường quản lý tài chính công, đồng tài trợ bởi EU và Chính phủ Đức thông qua GIZ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề 'Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế'.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.

Về quy mô nền kinh tế, đến năm 2023, quy mô GDP ước đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Với quy mô GDP hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.

Về hội nhập quốc tế, từ một nền kinh tế đóng, Việt Nam thành một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD (năm 2024 dự kiến chạm mốc 800 tỷ USD), thu hút FDI năm 2023 đạt 23 tỷ USD (trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 27,3 tỷ USD).

Những thành tựu này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, như thông điệp của Tổng bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng, cùng với những thuận lợi, còn nhiều khó khăn và thách thức khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đầy biến động, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ, đón đầu xu thế để vươn lên mạnh mẽ, toàn diện.

Theo ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ: "UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt được quá trình chuyển đổi xanh, bền vững và công bằng, bao gồm huy động các khoản đầu tư tài chính công và tư và thúc đẩy các quan hệ đối tác quốc tế để thực hiện các tham vọng của Cam kết do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Nam Yên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chinh-sach-tai-chinh-thuc-day-tong-cau-ho-tro-phat-trien-kinh-te-d54089.html