Chính sách và thực hành xanh: Chất xúc tác cho đầu tư
Hội thảo lần thứ 12 (CIECI 2024) với chủ đề: 'Chính sách và Thực hành xanh: Chất xúc tác hay sức ép cho Thương mại và Đầu tư' vừa được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng mới cũng như kết quả nghiên cứu về kinh nghiệm triển khai thương mại xanh và đầu tư xanh.
Hội thảo được diễn ra trong hai ngày với các phiên tham luận, thảo luận bàn tròn và phiên thảo luận song song. Trong phần tham luận, các diễn giả phân tích sự tích hợp các chính sách xanh liên quan đến thương mại và đầu tư trong các chính sách quốc gia; các cơ hội và thách thức của các chính sách này đối với hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính. Đa số các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, việc EU đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có thể tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng carbon như dệt may, giày dép và thép. Rào cản thương mại mới này có thể khuyến khích các ngành công nghiệp của Việt Nam đầu tư vào các hoạt động bền vững, nhưng nó cũng có thể thách thức khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các SME bị thiếu nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.
Phiên thảo luận song song được tiến hành với các chủ đề: Bối cảnh toàn cầu liên quan đến các chính sách xanh gắn với hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu; các tiêu chuẩn, quy định, chính sách xanh liên quan đến thương mại và đầu tư và thực tiễn thương mại và đầu tư gắn với xanh hóa ở các quốc gia trên thế giới. Những khuyến nghị cho các quốc gia, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đáp ứng theo xu hướng tiêu chuẩn xanh của thế giới.
Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước đã bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện, xác đáng hơn; góp phần phát huy những tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các trường đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.