Chính trị - Xã hội Cải cách hành chính Sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế: Khó nhưng phải tập trung thực hiện

Nghị quyết TW6 (khóa XII) đặt ra mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách so với năm 2015 thì chỉ còn 2 năm nữa để thực hiện. Đến nay, việc triển khai của các ngành, địa phương còn chậm so với lộ trình.

Yêu cầu đặt ra

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo và ngày càng phình to nhưng kém hiệu quả là những vấn đề nóng đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Nghị quyết TW6 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Trước đó, Chính phủ có Nghị định 108/2014 ngày 20/11/2014 cũng đã yêu cầu từng ngành, địa phương giảm 10% biên chế theo lộ trình.

Tuy nhiên, nhiều nơi cơ quan, địa phương không giảm mà thậm chí còn tăng thêm. Nghĩa là mỗi năm ngân sách lại tốn thêm hàng ngàn tỷ đồng cho bộ máy hành chính, đầu tư cho phát triển sẽ phải cắt giảm. Theo một báo cáo của Ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội, thì chi trả lương chiếm 60,02 % ngân sách nhà nước, thuộc nhóm cao của thế giới và cao nhất trong các nước ASEAN. Cùng với đó là quản lý kém hiệu lực, hiệu quả, nạn tham nhũng của bộ phận lãnh đạo quản lý làm cho nguy cơ thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng.

Rõ ràng, tinh giảm bộ máy phải có thái độ kiên quyết, dứt khoát, không còn đường lùi. Tinh gọn bộ máy cũng là cách để tăng cường chất lượng trong bổ nhiệm hàng ngũ lãnh đạo, hỗ trợ tích cực cho sức ép tổ chức cán bộ vốn đã bị áp lực từ cơ chế lâu nay. Khi bộ máy gọn nhẹ, người không có năng lực sẽ bị đào thải, nhường chỗ cho người có năng lực hơn. Đó cũng là cách nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ, chất lượng làm việc của công chức, viên chức và người lao động. Cho nên, thực hiện chủ trương này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đòi hỏi sắp xếp phải hết sức công bằng, nghiêm túc, khách quan và minh bạch. Tránh tình trạng ban phát, gửi gắm hoặc tác động nhờ vả qua lại giữa các cấp lãnh đạo, các tổ chức nhân sự.

Vì sự phát triển của đất nước

Tinh gọn bộ máy nói thì có vẻ đơn giản, nhưng khi đi vào cụ thể sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Khi thực hiện sẽ đụng chạm không chỉ với công chức cấp dưới mà còn cả lãnh đạo, đến công tác tổ chức.

Giải quyết phức tạp, nan giải nhất là số đang còn độ tuổi công tác nhưng không đáp ứng yêu cầu, phải cho nghỉ sớm hoặc không đủ điều kiện kéo dài. Nhiều ngành và địa phương đã có những cơ chế khuyến khích bằng tiền, hỗ trợ về vật chất nhưng vẫn rất khó thuyết phục. Những người đang ngồi ghế “có màu” lại càng không muốn nhường khi một vài trăm triệu đồng khuyến khích không thể so được với bổng lộc mang lại. Cố giữ cho được chức vụ đồng nghĩa là còn mảnh đất màu mỡ để tiếp tục bòn rút tiền bạc vật chất của Nhà nước, của xã hội.

Đòn bẩy vật chất nhằm khuyến khích có khi lợi bất cập hại, khi đồng tiền đó là ngân sách, là tiền thuế của Nhân dân, không thể làm tràn lan. Hiện nay, chưa có cơ chế thống nhất của Nhà nước mà chủ yếu là vận dụng trong điều kiện ngân sách của từng ngành, từng địa phương. Mỗi nơi đề ra một cách, áp dụng bằng vật chất nhiều ít khác nhau đã làm cho mất bình đẳng, thiếu đồng bộ trong chế độ chính sách cho những người cùng vị trí công tác, giữa địa phương có ngân sách lớn với những nơi còn khó khăn.

Các trường hợp nghỉ sớm do liên quan độ tuổi và nhiệm kỳ cấp ủy có thể không phải bàn nhiều vì các chế độ, chính sách tương đối rõ ràng. Theo Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, thì nhiệm kỳ tới sẽ giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện cũng là từng bước chuyển động cho tinh giảm bộ máy.

Số lượng cán bộ lãnh đạo cấp ủy sẽ phải giảm tương đối lớn do phải nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác khác đã được đề cập rõ ràng. Vấn đề đặt ra là giải quyết hợp lý, đúng đối tượng, không gây xáo trộn trong bộ máy Đảng và chính quyền các cấp. Cần làm tốt công tác tư tưởng, tránh cứng nhắc, ảnh hưởng xấu theo kiểu suy diễn “vắt chanh bỏ vỏ”. Khi không còn được cơ cấu cấp ủy, sẽ phải nghỉ hoặc chuyển công tác khác là điều nhiều người không mong muốn, nhất là chuyển khỏi các vị trí có nhiều quyền lợi.

Sắp xếp bộ máy hành chính tương đồng về chức năng, sáp nhập địa phương ở cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chí diện tích, dân số, giảm đầu mối trung gian của từng ngành cần cũng phải khẩn trương và làm cho kịp thời gian đại hội nhiệm kỳ. Thời gian này bước vào giai đoạn tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc, cho nên yêu cầu là phải xúc tiến quyết liệt, xác định yêu cầu cần ưu tiên khi mốc thời gian không còn nhiều. Giảm bộ máy và nhân sự không phải là tinh giảm cơ học mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Tinh giản biên chế là bài toán hết sức nan giải, khó giải quyết từ cấp Trung ương đến cơ sở. Chúng ta đã có nhiều cơ chế chính sách nhưng quan trọng nhất là quyết tâm, phương án có hiệu quả nhất. Chúng ta phải đặt sự phát triển của đất nước, lợi ích của xã hội lên trên hết, có như vậy mới thực hiện được mục tiêu của Hội nghị TW6 đề ra.

NGUYỄN PHƯỚC AN

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/sap-xep-bo-may-gan-voi-tinh-gian-bien-che-kho-nhung-phai-tap-trung-thuc-hien-a79390.html