Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Cần sự chuyển động đồng bộ

Theo đó, để nâng năng suất lao động cũng sẽ cần rất nhiều giải pháp, từ chủ trương, chính sách phát triển, bộ máy quản lý, cải cách hành chính đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…

Hai biểu đồ về năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 7/7, đem lại hai cảm xúc trái ngược. Buồn, thậm chí cảm thấy tự ái dân tộc khi năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan… và chỉ cao hơn Campuchia. Nhưng với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 4,88%, cao nhất trong khu vực đem lại niềm tin và hy vọng trong thời gian tới của nền kinh tế Việt Nam nói chung và năng suất lao động nói riêng.

Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian. Ở Việt Nam, năng suất lao động xã hội được tính bằng GDP bình quân trên một đơn vị lao động đang làm việc trong năm, phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Như vậy, năng suất lao động tạo ra từ sự tổng hòa rất nhiều yếu tố, từ chủ trương, chính sách phát triển, quy mô nền kinh tế, cơ cấu ngành nghề, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động theo giá hiện hành).

Theo đó, để nâng năng suất lao động cũng sẽ cần rất nhiều giải pháp, từ chủ trương, chính sách phát triển, bộ máy quản lý, cải cách hành chính đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… nhưng xét cho cùng, các hoạt động trên đều do con người thực hiện nên việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để tạo ra đột phá trong việc cải thiện năng suất lao động.

Ở đây cũng cần hiểu nguồn nhân lực gồm cả các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân, công nhân lao động… Tuy họ chiếm tỷ lệ không cao, nhưng các nhà quản lý, ban hành chính sách lại là người có tác động lớn nhất đến việc nâng cao năng suất lao động. Chỉ cần một chính sách không phù hợp thì kìm hãm phát triển của một ngành, thậm chí cả nền kinh tế. Nhà khoa học là người đóng góp rất nhiều cho các đột phá thông qua các nghiên cứu, phát minh, giải pháp hữu ích để rút ngắn cả quy trình hoạt động, tăng năng suất lao động nhiều lần. Hoặc một doanh nhân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đào tạo, sử dụng cán bộ, các chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích đổi mới công nghệ trong sản xuất là vấn đề cần quan tâm đầu tiên.

Ở góc độ người lao động trực tiếp, có lẽ lao động giá rẻ sẽ không còn là ưu thế hấp dẫn nhà đầu tư và tìm kiếm việc làm. Theo quy luật, tiền nào của ấy. Lao động giá rẻ chắc chắn sẽ không chọn được người có tay nghề cao. Ngược lại, chất lượng lao động thấp, không thể tạo năng suất lao động cao nên hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp thấp. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn. Để tìm được vị trí việc làm phù hợp, hơn ai hết người lao động cũng cần trang bị cho mình từ kỹ năng nghề nghiệp đến tác phong lao động hiện đại…

Như vậy, để giải bài toán năng suất lao động cần có sự chuyển động đồng thời của các chủ thể; trong đó, cần có sự quyết tâm, hợp lực của cả 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động.

Hoàng Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/can-su-chuyen-dong-dong-bo-a75830.html