Chờ sửa Nghị định 24, thị trường vàng vẫn âm ỉ sốt

Sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được công bố, thị trường vàng trong nước vẫn đứng ở mức cao, chênh lệch so với giá thế giới lớn. Đáng chú ý, thị trường lại tái diễn cảnh xếp hàng đi mua vàng.

Vàng trong nước neo cao

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14/7 đến ngày 19/7, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở 119,7-121,2 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với tuần trước, giá mua tăng 600.000 đồng còn giá bán tăng 100.000 đồng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán giảm từ 2 triệu đồng xuống còn 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn được niêm yết tại 114,2-116,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng mỗi chiều sau một tuần.

Giá vàng trong nước tăng giảm chậm ở mức cao. Ảnh minh họa

Giá vàng trong nước tăng giảm chậm ở mức cao. Ảnh minh họa

Trên thế giới, sau một tuần, giá giảm 16 USD/ounce. Giá vàng mở đầu tuần trước ở 3.366,6 USD/ounce và kim loại quý này đã nhiều lần cố gắng vượt ngưỡng kháng cự quanh mốc 3.375 USD/ounce song lại điều chỉnh ở những phiên cuối tuần. Ngay từ đầu tuần, giá vàng đã có cú điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ ngắn hạn 3.342 USD/ounce. Sau đó, thị trường bước vào giai đoạn đi ngang hiếm hoi trong tuần, với giá dao động trong biên độ hẹp từ 3.320 đến 3.342 USD/ounce.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm vì đồng USD tăng giá lên gần mức cao nhất 3 tuần. Theo chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities, vàng còn giảm giá do áp lực chốt lời khi một số nhà đầu tư nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận.

Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh, trong mấy tuần qua, giá vàng trong nước dao động quanh mức 119 - 121 triệu đồng/lượng. Từ sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 24 được đưa ra, gần 1 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước tăng giảm chậm ở mức cao bất chấp sự tăng giảm mạnh của giá thế giới.

Lượng khách hàng đến các cửa hàng mua vàng đông hơn bán ra, có thời điểm khách phải xếp hàng chờ mua. Vì thế, việc bán vàng định mức đã quay lại, mỗi khách chỉ được mua 1 chỉ vàng trơn (Bảo Tín Minh Châu). Hoặc mỗi khách chỉ được mua 1 lượng vàng miếng; còn vàng nhẫn có khi 2 chỉ (Công ty SJC).

So với giá vàng thế giới, vàng SJC vẫn đắt hơn 15 triệu đồng, vàng nhẫn đắt hơn từ 11 - 12 triệu đồng/lượng, tương đương từ 10- 14%. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa vàng trong nước cao và thế giới mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hồi tháng 5 là 1 - 2%. Như vậy, giá vàng trong nước phải giảm từ 9 - 12% so với mức giá hiện nay, tương đương khoảng 10 triệu đồng/lượng.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng đánh giá thị trường vàng hiện nay đang chờ những thông tin mới, còn nguồn cung trên thị trường vẫn chưa có gì thay đổi. Việc tăng cung chỉ có mấy biện pháp như bán vàng miếng SJC như năm 2024 và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Còn một nguồn cung nguyên liệu khác là các công ty thu mua vàng trong dân về phân kim nhưng cách này tốn chi phí hơn và khối lượng cũng không cao. Chính vì vậy, giá vàng bất động trong thời gian qua dù giá thế giới có tăng giảm mạnh với biên độ từ 40 - 50 USD/ounce.

Nhiều nội dung để ngỏ

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng đang trong quá trình lấy ý kiến đã mở ra một hướng tiếp cận mới. Hạn chót để NHNN trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng là 15/7. Giới doanh nghiệp và ngân hàng kỳ vọng nghị định mới sẽ sớm ban hành để tháo gỡ các rào cản cho thị trường vàng.

Nội dung sửa đổi Nghị định 24 lần này gồm xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN cho biết, hạn mức nhập khẩu vàng sẽ được tính toán cẩn trọng dựa trên nhiều yếu tố: kinh tế vĩ mô, mục tiêu điều hành tiền tệ, dự trữ ngoại hối và tình hình xuất nhập khẩu vàng. Cơ chế xuất - nhập khẩu vàng sẽ được điều chỉnh theo hướng phân quyền có kiểm soát. Thay vào đó, cơ quan này sẽ cấp hạn mức và giấy phép theo từng lần cho những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Dự thảo còn đề xuất hàng loạt biện pháp minh bạch hóa thị trường: yêu cầu xác định danh tính người mua, chuyển khoản với giao dịch từ 20 triệu đồng, ghi nhận số sê-ri vàng trên hóa đơn... Những quy định này được kỳ vọng sẽ siết chặt kiểm soát, chống rửa tiền và hạn chế sử dụng vàng cho mục đích phi pháp.

Chủ trương tự do hóa thị trường vàng đang nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia. Tuy nhiên, bản dự thảo nghị định sửa đổi hiện hành vẫn để ngỏ nhiều vấn đề cốt lõi trong cách thức thiết kế chính sách, đặc biệt là các tiêu chí cấp phép và cơ chế điều tiết thị trường. Dự thảo đặt ra các điều kiện khá nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại muốn tham gia sản xuất vàng miếng. Trong đó, mức vốn điều lệ tối thiểu được quy định là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 50.000 tỷ đồng đối với NHTM. Đây là một tiêu chí đang gây nhiều tranh luận. Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng nếu chỉ một vài đơn vị được cấp phép, cục diện thị trường vàng sẽ khó có cơ hội thay đổi thực chất như kỳ vọng ban đầu. Đáng chú ý, dự thảo chưa quy định cụ thể tiêu chí để cấp hạn mức và giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Trong khi đó, đây lại là cơ sở quan trọng để đảm bảo việc phân bổ hạn mức được minh bạch và công bằng giữa các doanh nghiệp.

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Bộ Công an cho rằng dự thảo có quy định việc NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không đề cập cụ thể về cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng (đặc biệt cần tính toán trường hợp có một thương hiệu mạnh chiếm thị phần lớn chủ chốt như SJC)…

Trong khi đó, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, việc chấm dứt thế độc quyền mới chỉ là điểm khởi đầu. Thách thức lớn hơn nằm ở khả năng cải cách thủ tục hành chính và thiết lập một cơ chế giám sát hiệu quả, làm nền tảng cho quá trình thị trường hóa ngành vàng một cách thực chất.

Được biết, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, cơ quan soạn thảo không đề cập đến sàn vàng. NHNN cho hay, sau khi nghị định được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung những quy định liên quan để tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng.

Trong khi còn nhiều ý kiến và chờ sửa đổi Nghị định 24, giá vàng vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Các chuyên gia tài chính cảnh báo người dân, khi giá vàng trong nước đang không biến động đồng pha với giá thế giới, chịu ảnh hưởng bởi cung - cầu nội địa, tâm lý thị trường trong nước khiến giá bị đẩy lên, điều cần thiết lúc này không phải là “đu theo sóng” mà là trang bị kiến thức tài chính vững chắc, nhìn nhận vàng đúng như vai trò là công cụ bảo toàn giá trị, chứ không phải công cụ đầu cơ. Tránh tâm lý “sợ bỏ lỡ cơ hội” nhất là trong bối cảnh giá cả biến động khó lường như hiện nay.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cho-sua-nghi-dinh-24-thi-truong-vang-van-am-i-sot.776709.html