Cho vay ưu đãi để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Lời Tòa soạn: Ngày 30-1 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam được giao thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh về đối tượng, điều kiện và thời gian thực hiện chính sách này.

* P.V: Ngân hàng CSXH tỉnh đã chuẩn bị những gì để sớm đưa Nghị quyết số 11/NQ-CP đi vào cuộc sống, thưa ông?

- Ông Lê Văn Chí: Ngay sau khi Ngân hàng CSXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11, chúng tôi đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp với Ngân hàng CSXH trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn nhằm kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai cho vay sau khi có quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

Quang cảnh hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca

* P.V: Theo ông, Ngân hàng CSXH tỉnh cần làm gì để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, giải ngân và hấp thụ nhanh?

Theo Nghị quyết số 11, các chính sách cho vay ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng. Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng. Đối với học sinh, sinh viên với tổng nguồn vốn tối đa là 3.000 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

- Ông Lê Văn Chí: Sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có kế hoạch để triển khai theo lĩnh vực được giao, đảm bảo đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Quán triệt tinh thần đó, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành và tổ chức chính trị-xã hội tập trung triển khai cho vay kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Chúng tôi chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để xảy ra sai sót, vi phạm. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện theo dõi riêng dư nợ cho vay thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ theo Nghị quyết số 11 đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn.

* P.V: Các chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022-2023). Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Lê Văn Chí: Ngân hàng CSXH tỉnh đã xác định cụ thể các nội dung công việc và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 11. Về nguồn lực thực hiện, trong khi chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nguồn vốn trung ương phân bổ, căn cứ tình hình thực tiễn, chúng tôi điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn trong năm để ưu tiên thực hiện cho vay. Sau khi có kết quả tổng hợp, rà soát đối tượng thụ hưởng, xác định nhu cầu vốn cho từng năm và có kế hoạch vốn của Trung ương, Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức giải ngân, kịp thời triển khai cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 11.

Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với các nhóm giải pháp khác, việc thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH sẽ góp phần vào mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

SƠN CA (thực hiện)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/722/202202/cho-vay-uu-dai-de-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5767292/