Chống vi phạm, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử

Sự phát triển mạnh mẽ, 'bùng nổ' của thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến tăng cường quản lý hoạt động TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, chống gian lận thương mại... đang được đặt ra, đòi hỏi hành lang pháp lý phải hoàn chỉnh, đồng bộ.

Thị trường TMĐT Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ảnh minh họa

Thị trường TMĐT Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ảnh minh họa

Thị trường quy mô lớn, hấp dẫn giới đầu tư

Thị trường TMĐT Việt Nam được đánh giá cao với kết quả xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022. Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT từ doanh nghiệp đến các cá nhân tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 25 tỷ USD năm 2024, đạt tốc độ trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp tới 10% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2024.

Với quy mô dân số đông, thị trường TMĐT Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) bình luận, có được kết quả khả quan trên là do các quy định pháp luật về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch cho hoạt động TMĐT. Cụ thể, hiện nay, lĩnh vực TMĐT đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT (Nghị định 52) và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, do quy định pháp lý mới dừng lại ở cấp Nghị định nên hai văn bản trên chưa đủ hiệu lực điều chỉnh các vấn đề quan trọng mang tính đa ngành trong TMĐT. Thêm vào đó, sự phát triển “như vũ bão” của khoa học công nghệ cùng sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, dẫn đến các chính sách, quy định về TMĐT đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Bất cập lớn nhất là hệ thống pháp luật về TMĐT còn thiếu tính thống nhất, toàn diện. Cần xây dựng Luật TMĐT làm gốc thay vì duy trì các văn bản ở cấp nghị định, tạo cơ sở để điều chỉnh các vấn đề quan trọng, mang tính nguyên tắc và toàn diện trong lĩnh vực TMĐT. Hơn nữa, TMĐT là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên, cả trong nước lẫn nước ngoài, do vậy, cần phải có một khung pháp lý ổn định, lâu dài để điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Hiện nay, quan hệ pháp luật trong lĩnh vực TMĐT đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau, như Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, và Luật An ninh mạng.

Mặc dù vậy, các quy định hiện hành trong các luật chung hiện nay không đủ chi tiết, cụ thể để xử lý các vấn đề đặc thù, phức tạp của TMĐT. Để điều chỉnh chi tiết và toàn diện các vấn đề này, cần thiết phải xây dựng văn bản ở cấp luật nhằm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn diện trên các lĩnh vực thương mại, giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, bảo mật dữ liệu, chống gian lận thương mại...

Việc ban hành Luật TMĐT không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực TMĐT, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, và lợi ích doanh nghiệp. - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bịt “khoảng trống” pháp lý trong thương mại điện tử

Theo tổng kết của Bộ Công Thương, hiện nay, với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), các mô hình TMĐT ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Trong khi đó, việc xây dựng nền tảng đa dịch vụ cho phép các ứng dụng nhỏ đặt trong cùng một siêu ứng dụng đang trở thành một xu hướng trong tương lai.

Các siêu ứng dụng tích hợp nhiều dịch vụ dẫn đến việc thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng (vị trí, giao dịch, sở thích), đặt ra vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu, dữ liệu người dùng như thế nào, có thể phát sinh nguy cơ lợi dụng nền tảng số gây ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh, điều hướng người dùng, ngăn chặn các tổ chức, doanh nghiệp khác gia nhập thị trường…

Cần bảo vệ quyền lợi và an toàn thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch TMĐT. Ảnh minh họa: ST

Cần bảo vệ quyền lợi và an toàn thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch TMĐT. Ảnh minh họa: ST

Bà Lê Hoàng Oanh cho biết thêm, một xu hướng phát triển nhanh chóng của TMĐT là hoạt động livestream bán hàng nhưng hiện chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, định danh chủ tài khoản, nghĩa vụ nộp thuế và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream.

Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn nhất là trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống thất thu thuế, bất cập.

Thực tiễn đã có nhiều vụ việc như các phiên livestream bán hàng nhiều tỷ đồng nhưng nhà nước không thu được thuế hay hoa hậu quốc tế thực hiện livestream bán kẹo rau củ, thổi phồng chức năng của sản phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng và sức khỏe của người tiêu dùng.

Cục TMĐT và Kinh tế số

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng tiếp tục là mối quan ngại chung của cả thị trường thương mại truyền thống lẫn TMĐT. Trong khi những quy định hiện hành rất khó xác định được danh tính người bán; khó truy vết và xử lý vi phạm và rủi ro về gian lận và trốn thuế.

Vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng TMĐT có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, không thể theo dõi đầy đủ các giao dịch và hoạt động của người bán.

Hoạt động TMĐT xuyên biên giới thực sự phát triển mạnh mẽ những năm gần đây khi hạ tầng công nghệ thông tin, logistics phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi khi có thể tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hạ tầng pháp luật hiện hành chưa thể giải quyết, điều chỉnh các tồn tại, bất cập của hoạt động TMĐT xuyên biên giới như kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu qua TMĐT, rủi ro như hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận giao dịch, bảo vệ sản xuất trong nước…

Người tiêu dùng dễ bị lừa mua phải hàng không chính hãng, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn. Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên các nền tảng xuyên biên giới còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, hạn chế bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm sai lệch so với quy định, tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, các quy trình giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng trong TMĐT xuyên biên giới còn thiếu và chưa rõ ràng. Người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đòi quyền lợi, đòi lại tiền hoặc yêu cầu bồi thường khi mua hàng giả, nhái qua các nền tảng quốc tế…

Những vướng mắc và bất cập trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật quản lý lĩnh vực TMĐT. Kinh nghiệm của đa số các quốc gia và khu vực cho thấy, không thể coi TMĐT chỉ là một phương thức hoạt động thương mại mà cần được xem là một phương thức hoạt động thương mại đặc biệt, tiềm ẩn nhiều phức tạp, cần có văn bản pháp lý riêng biệt điều chỉnh các khía cạnh đặc thù của lĩnh vực này.

Để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật TMĐT để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.

PHÚC KHANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chong-vi-pham-gian-lan-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-41748.html