Chủ động phòng bệnh dại mùa nắng

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), từ đầu năm 2023 đến nay, số ca bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng rất cao, khiến vaccine phòng bệnh dại khan hiếm cục bộ.

Khi bị chó, mèo, dơi, khỉ cắn, người dân nên đi tiêm phòng sớm trong vòng 24 giờ. Trong ảnh: Một người dân ở P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vaccine phòng dại. Ảnh: P.Liễu

Khi bị chó, mèo, dơi, khỉ cắn, người dân nên đi tiêm phòng sớm trong vòng 24 giờ. Trong ảnh: Một người dân ở P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vaccine phòng dại. Ảnh: P.Liễu

* Không chủ quan khi bị chó, mèo, dơi cắn

Ngồi chờ đến lượt tiêm vaccine phòng dại mũi nhắc lại tại CDC Đồng Nai, ông Trần Đình Đạt (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, ông đến để tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng dại. Hôm mùng 9 Tết, ông đến chơi nhà hàng xóm, khi đang đứng chờ ngoài cổng thì có 2 con chó cắn nhau, một con bỗng nhiên lao đến cắn vào bắp chân ông. Vết cắn bị chảy máu, lo lắng nên ông đã đi tiêm phòng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh dại. Theo tư vấn của bác sĩ, ông phải tiêm 5 mũi vaccine phòng dại và 1 mũi phòng bệnh phong đòn gánh.

Còn chị Võ Thị Hoàng Anh (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) lại bị… chuột nhà hàng xóm nuôi cắn. Vì lo ngại chuột cũng mang bệnh dại nên chị đi tiêm vaccine phòng bệnh dại cho yên tâm. Chị kể, nhà hàng xóm có nuôi 3 con bọ Hamster, do quên cài cửa chuồng, 3 con bọ này xổ lồng chạy sang sân nhà chị. Nghĩ là thú cưng hiền lành nên chị đã giúp bắt nhốt lại cho nhà hàng xóm, nhưng khi vừa đưa tay bắt một con thì đã bị con bọ này cắn vào bàn tay chị, có dấu răng khá sâu. Theo tư vấn của bác sĩ, bị chuột cắn không cần phải tiêm phòng dại, nhưng chị vẫn xin tiêm vì lo lắng.

Theo thống kê của CDC Đồng Nai, số ca bị chó, mèo cắn nhiều nhất ở độ tuổi 24-49, nhưng số ca trẻ dưới 15 tuổi bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng bệnh dại cũng xấp xỉ người lớn. Trong đó, nhiều nhất là trẻ ở độ tuổi từ 3-7 tuổi.

Đưa cháu ngoại 5 tuổi đi tiêm vaccine phòng bệnh dại mũi nhắc lại tại Trung tâm Tiêm chủng người lớn và trẻ em (VNVC Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, nhà bà có nuôi 2 con chó và cháu ngoại bà rất hay chơi cùng. Một lần, khi con chó đang ăn, cháu bà nắm đuôi con chó kéo mạnh khiến con chó quay lại cắn vào tay gây chảy máu, nên bà phải đưa cháu đi tiêm phòng.

“Mùa nắng nóng là mùa chó, mèo rất hay phát dại. Dù chó nhà tôi đã tiêm phòng bệnh dại định kỳ, nhưng tôi vẫn phải cẩn thận đưa cháu đi tiêm ngừa bệnh dại cho yên tâm” - bà Hà cho biết.

* Mùa nắng, phòng bệnh dại không thừa

Những trường hợp nêu trên chỉ là vài ca trong số hàng ngàn ca bị chó, mèo cắn từ đầu năm 2023 đến nay.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Đồng Nai) cho biết, chỉ trong 45 ngày, từ đầu năm 2023 đến nay, mỗi ngày chỉ riêng CDC đã tiếp nhận và tiêm vaccine phòng bệnh dại (kể cả mũi đầu và mũi nhắc lại) cho từ 40-50 lượt người bị chó, mèo và các động vật khác cắn. Riêng trong 3 ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết), các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn đã tiếp nhận 250 người đến tiêm vaccine phòng bệnh dại. Số liệu thống kê cho thấy, dịp Tết tỷ lệ người đến tiêm phòng bệnh dại cao hơn rất nhiều so với ngày thường, do Tết nghỉ dài ngày và nhiều người đến thăm người thân rồi bị chó cắn.

Theo BS Phan Văn Phúc, dại là bệnh nhiễm virus cấp tính trên hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi dịch tiết, thông thường là nước bọt của vật chủ bị nhiễm virus bệnh dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong. Hiện nay, bệnh dại chỉ mới có vaccine phòng bệnh chứ chưa có thuốc điều trị.

Trước lo lắng của nhiều người là tiêm vaccine phòng bệnh dại đủ liều phải tiêm đến 5 mũi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, BS Phúc khẳng định, hiện nay vaccine phòng bệnh dại thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Và việc tiêm phòng bệnh dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm virus bệnh dại.

Theo khuyến cáo của BS Phúc, để phòng ngừa bệnh dại, tốt nhất là không nên để bị động vật cắn, cào, liếm vào vết thương hở (nhất là các loài chó, mèo, dơi, khỉ); nếu bị những loài trên cắn thì cần sớm đi tiêm vaccine ngừa bệnh dại. Sau khi bị chó, mèo cắn, cần theo dõi con chó, mèo đó, nếu những con vật đó sống bình thường thì chỉ cần tiêm 3 mũi; nếu con chó, mèo đó bất thường (chết, bỏ ăn, bỏ đi…) thì phải tiêm đủ 5 mũi. Những gia đình có nuôi chó, mèo thì nên chủ động đưa vật nuôi tiêm phòng bệnh dại định kỳ 3 năm/lần, chú ý không để trẻ con tiếp xúc quá gần với chó, mèo; khi dắt chó ra ngoài phải mang rọ mõm và có dây dắt.

Hiện nay, để phòng chống bệnh dại mùa nắng, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (thuộc Sở NN-PTNT) đang triển khai tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo trong toàn tỉnh theo hướng xã hội hóa, bởi hiện nay đã bước vào mùa nắng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, thực hiện Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 của UBND tỉnh và của Sở NN-PTNT, trong đó riêng phòng chống bệnh dại, Chi cục đang tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm phải tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cho các hộ gia đình; yêu cầu các hộ có nuôi chó, mèo đăng ký, khai báo và cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, khi cho ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng chó, mèo cắn người. Ngoài ra, Chi cục cũng đề xuất thành lập đội bắt chó chạy rông cấp huyện, thành phố để bảo đảm yêu cầu phòng, chống bệnh dại.

Theo thống kê của CDC Đồng Nai, chỉ riêng tháng 1-2023, toàn tỉnh đã có gần 2,5 ngàn ca bị chó, mèo cắn, tăng 93,8% so với tháng 1-2022. Phần lớn các trường hợp đến tiêm vaccine phòng bệnh dại là do bị chó cắn.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202302/chu-dong-phong-benh-dai-mua-nang-3157183/