Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Sầm Sơn ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 1 ổ dịch SXH tại khu vực Hòn Trống Mái, khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn với 5 ca mắc. Tuy nhiên, do làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý, nên ổ dịch đã được khống chế, không để lây lan diện rộng.

Phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) ra quân vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống SXH.

Phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) ra quân vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống SXH.

Sau khi xác minh ca bệnh đầu tiên có địa chỉ tại khu phố Hồng Hải, phường Quảng Vinh (kinh doanh tại ki ốt thuộc khu vực Hòn Trống Mái, khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn), điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn có kết quả xét nghiệm (+) với vi-rút dengue, Trung tâm Y tế thành phố đã cùng với trạm y tế tiến hành giám sát điều tra vecto truyền bệnh SXHD xung quanh nhà bệnh nhân, khu vực Hòn Trống Mái; tiến hành làm thủy vực và phun hóa chất triệt để bán kính 200m xung quanh nhà các bệnh nhân và mở rộng ra phun hóa chất toàn bộ khu vực Hòn Trống Mái và khu phố Trung Mới, phường Trường Sơn, khu phố Hồng Hải, phường Quảng Vinh. Ban lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Sầm Sơn làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường Trường Sơn và Quảng Vinh thực hiện xã hội hóa công tác phun hóa chất phòng chống dịch SXHD; tiến hành điều tra vecto sau làm thủy vực và phun hóa chất, đánh giá nguy cơ tại ổ dịch; tiếp tục thực hiện làm thủy vực các tổ dân phố ghi nhận ca bệnh và truyền thông mở rộng ra toàn phường. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến ngày 15/8 ổ dịch SXH ở khu vực Hòn Trống Mái, khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn đã được khống chế.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP Sầm Sơn Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Để chủ động phòng chống dịch SXH, Trung tâm Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trước, trong và sau các đợt mưa bão. Hiện 11/11 trạm y tế có đầy đủ cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, cơ số thuốc phòng, chống dịch. Các trạm y tế đã được cấp cloramin B để xử lý vệ sinh môi trường, mỗi trạm sử dụng 4 - 5kg phun khử khuẩn và phát, hướng dẫn cho người dân vệ sinh sau mưa bão. Các phường tổ chức phun khử khuẩn và vệ sinh môi trường vào ngày 23, 24/9/2024; phường Quảng Cư tổ chức phun khử khuẩn và vệ sinh môi trường ngày 25/9/2024. Đồng thời trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế tiếp tục tham mưu cho chủ tịch UBND xã, phường tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh môi trường và xử lý nước ăn uống để phòng, chống dịch bệnh khi có bão lũ xảy ra. Phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, SXH.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lưu hành quanh năm nhưng nhiều nhất là mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm). Bệnh lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn. Hiện nay đang là mùa cao điểm SXH, nhằm kiểm soát, không để bệnh lây lan, bùng phát, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và các yếu tố nguy cơ để khoanh vùng, khống chế kịp thời, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời tăng cường giám sát vecto truyền bệnh tại các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bộ Y tế dự báo dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch; cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH để tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, không để bệnh hình thành và bùng phát thành dịch.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-226184.htm