Chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa bão
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều điểm trên các tuyến đường và các khu dân cư miền núi phía Bắc tỉnh Thái Nguyên xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Điểm sạt lở tại thôn Nà Thoi, xã Bạch Thông.
Nhiều điểm sạt lở trên Quốc lộ 3B
Trên tuyến Quốc lộ 3B từ phường Bắc Kạn đi xã Chợ Đồn đã xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở, đất đá tràn ra mặt đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, khu vực thôn Nà Thoi là điểm nóng, với lượng lớn đất đá tiếp tục sạt xuống sau các trận mưa lớn đầu mùa. Đây cũng chính là vị trí từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão Yagi năm 2024.
Ông Hà Ngọc Việt, Chủ tịch UBND xã Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Toàn xã có hơn 360 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát, lập phương án di dời khẩn cấp và cắm biển cảnh báo tại các điểm xung yếu. Chúng tôi cũng bố trí lực lượng túc trực thường xuyên để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Tại xã Chợ Mới, 12 hộ dân ở tổ 1 từ nhiều năm nay phải sống trong nỗi lo sạt lở khi nhà nằm ngay dưới chân taluy cao. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trước mùa mưa bão, Dự án khắc phục hậu quả thiên tai khu vực sạt lở đất đã được khẩn trương triển khai. Hiện các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7.

Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai khu vực sạt lở đất tổ 1 xã Chợ Mới đang được khẩn trương hoàn thành
Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Chợ Mới, chia sẻ: Ngoài dự án đang triển khai, xã đã rà soát các khu vực có nguy cơ cao khác, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và chuẩn bị đầy đủ vật tư theo phương châm 4 tại chỗ.
Chủ động từ sớm
Không chỉ riêng Bạch Thông hay Chợ Mới, các xã vùng cao như: Chợ Đồn, Na Rì, Vĩnh Thông… cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sạt lở. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động quan sát những dấu hiệu bất thường như nứt đất, lún móng nhà, nước đục bất thường…
Cùng với đó, các công trình hạ tầng như mái taluy, rãnh thoát nước… cũng được kiểm tra, gia cố kịp thời. Một số xã đã tổ chức diễn tập ứng phó với sạt lở, sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Với sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng và vào cuộc sớm từ chính quyền cơ sở, nguy cơ thiệt hại do sạt lở đã và đang từng bước được kiểm soát. Người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến sạt lở đất cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc lực lượng chức năng gần nhất để có phương án xử lý kịp thời.