Chủ quán ở Hà Nội: 'Đồ ăn không thể tăng giá nhanh như xăng, gas'

Giữa bối cảnh giá xăng, gas ở ngưỡng cao kỷ lục, chủ quán ăn ở Hà Nội rơi vào thế chật vật giữ mức giá cũ hoặc chỉ dám tăng nhẹ nếu muốn giữ chân khách hàng.

Khi giá xăng gần chạm mốc 27.000 đồng/lít, anh Hùng (45 tuổi), chủ quán bún đậu trên phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng), cũng phải điều chỉnh mức giá mỗi suất bán ra.

Một suất đầy đủ hiện có giá 40.000 đồng, thay vì chỉ 35.000 đồng như hồi cuối tháng 2.

“Tôi thực lòng không muốn thay đổi giá bán nhưng tình thế bắt buộc phải làm vậy. Nếu tăng, tôi cũng chỉ dám tính thêm 5.000 đồng”, chủ quán chia sẻ.

 Vật giá leo thang, chủ quán buộc phải thay đổi giá tiền cho mỗi suất bún đậu để duy trì cửa hàng.

Vật giá leo thang, chủ quán buộc phải thay đổi giá tiền cho mỗi suất bún đậu để duy trì cửa hàng.

Anh Hùng cho biết mới 2 ngày trước, giá gas đã tăng từ 345.000 đồng lên 420.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự, dầu ăn tăng từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng và hiện là 385.000 đồng/10 lít chỉ trong một thời gian ngắn. Anh lo ngại đó chưa phải con số cuối cùng.

Sau 6 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục. Tương tự, giá gas cũng tăng phi mã, dẫn đến chi phí vận chuyển, giá thực phẩm độn lên nhanh chóng.

Tình hình buôn bán ảm đạm tỷ lệ nghịch với vốn nguyên liệu đầu vào tăng cao đang đẩy nhiều chủ quán ăn ở Hà Nội vào áp lực lớn, khi phải tìm cách xoay xở để không rơi vào cảnh chịu lỗ.

Khó khăn kép

Hàng bún đậu sử dụng song song 2 bếp, một bếp dùng để chiên đậu và chả, bếp còn lại rán nem và dồi sụn. Cứ khoảng 3 ngày, anh Hùng gọi thêm bình gas và dầu ăn mới. Nếu hôm nào quán chiên thêm ếch để phục vụ lẩu vào buổi tối, thời gian rút xuống chỉ còn 2 ngày.

Ngoài khoản chi cho gas và dầu ăn, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo, từ đậu phụ, bún cho đến rau sống.

Nhiều thực khách bất ngờ khi suất ăn quen thuộc tăng giá, nhưng hầu hết đều tỏ ra thông cảm sau khi nghe anh giải thích.

Trước đại dịch, quán anh Hùng luôn kín bàn từ 11h-13h30 mỗi trưa, chủ yếu là học sinh và sinh viên trên địa bàn. Buổi tối, anh bán thêm các món lẩu, nướng.

 Hà Nội bùng phát mạnh số ca F0, hàng quán không phải đóng cửa nhưng vẫn ở trong tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Hà Nội bùng phát mạnh số ca F0, hàng quán không phải đóng cửa nhưng vẫn ở trong tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Sau 2 năm Covid-19 chật vật, anh đã hy vọng tình hình năm nay sẽ khởi sắc, nhất là khi sinh viên đã trở lại trường học. Thế nhưng, số lượng khách vẫn trên đà giảm đi do làn sóng dịch bệnh mới, cộng với tình hình vật giá leo thang.

“Do đó, tôi không dám ôm nhiều hàng như ngày xưa. Chẳng hạn, tôi chỉ dám mua bìa đậu kiểu dè chừng, vừa đủ cho buổi trưa vãn khách. Đến khi gần hết, tôi mới gọi bên cung cấp nguyên liệu giao thêm”, anh chia sẻ.

Ngoài việc đăng ký cửa hàng trên ứng dụng đặt đồ ăn công nghệ, anh Hùng chủ động tự ship các đơn hàng trong bán kính 3 km.

Thường những người gọi điện, nhắn tin cho anh để gọi món là khách quen lâu năm. Với những đơn này, anh không thu thêm tiền ship vì quãng đường không quá xa.

“Các thành viên khác trong gia đình tôi bán hàng ăn quanh Hà Nội đều chịu chung tình cảnh buôn bán ảm đạm do dịch bệnh triền miên. Hiện tại, quán có khách là mừng rồi, còn mình chấp nhận lãi ít đi”, anh kể lại.

Cô Nguyễn Thị Dung thu hẹp lại quy mô cửa hàng bánh cuốn của mình do việc kinh doanh chậm lại.

Cô Nguyễn Thị Dung thu hẹp lại quy mô cửa hàng bánh cuốn của mình do việc kinh doanh chậm lại.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Dung, chủ cửa hàng bánh cuốn trên phố Tô Hiến Thành, cho biết giá thành đầu vào đang tăng từ những thứ nhỏ nhất, chưa tính đến những nguyên liệu chính.

Ví dụ, giá ống hút nhựa tăng từ 1.500 đồng lên 1.800 đồng cho 10 chiếc.

Quán mở cả ngày, lượng người đến ăn hiện tại tập trung vào buổi trưa, buổi tối không tấp nập như trước và phải đóng cửa sớm. Số khách đặt mua qua ứng dụng gọi đồ ăn hay đến mua mang về đều giảm. Ước tính, doanh thu của quán giảm 20-30% từ đầu năm.

Nếu trước kia, trung bình cửa hàng có thể tiêu thụ hết 40 kg bánh cuốn trong một ngày, giờ số lượng bán ra giảm xuống còn 25 kg. Khách thưa, hàng bán ít, chủ quán phải hạn chế số lượng nguyên liệu nhập về.

Theo cô Dung, tình hình kinh doanh vốn đìu hiu trong 2 năm trở lại vì dịch bệnh, lại càng gặp khó khi giá xăng, giá gas độn lên. Ngoài nhập thực phẩm, các chi phí để duy trì hoạt động khác như tiền thuê nhân công, thuê địa điểm kinh doanh đều tốn một khoản lớn.

 Khoản chi cho nguyên liệu như rau, thịt đều độn lên theo chi phí xăng, gas.

Khoản chi cho nguyên liệu như rau, thịt đều độn lên theo chi phí xăng, gas.

Ra Tết, cô Dung vừa trả lại một phần mặt bằng để cắt giảm chi phí. Trung bình, giá thuê cho riêng phần này tốn 80 triệu đồng cho 3 tháng.

"Lúc đắt khách, cửa hàng bánh cuốn gồm 3 gian nhà nằm liền kề nhau mới đáp ứng hết lượng người tìm đến quán ăn. Từ ngày xảy ra dịch bệnh, buôn bán giảm sút đi nhiều. Khách một phần e ngại chuyện ra ngoài ăn hàng, một phần phải thắt chặt chi tiêu", cô nói.

“Hiện tại, cửa hàng có khoảng 17 nhân viên phục vụ, giảm từ 25 người trước đó. Chi phí bao ăn, ở tốn trên dưới chục triệu đồng mỗi tháng. Để duy trì kinh doanh, dù không muốn, tôi buộc phải cho nhân viên luân phiên nghỉ hoặc cắt giảm một phần lương”, cô nói thêm.

Mong giá xăng sớm bình ổn

Chung nỗi lo, anh Khải, chủ cửa hàng cơm tấm trên phố Tạ Quang Bửu, cho biết doanh thu của quán giảm xấp xỉ 30-40% trong những tuần gần đây.

Sau Tết, khách đến quán dùng bữa trực tiếp vắng vẻ do ca nhiễm cộng đồng tăng mạnh ở Hà Nội. Số đơn bán ra phần đông đến từ các ứng dụng gọi món, giao hàng.

 Chủ hộ kinh doanh cá nhân, nhỏ lẻ gặp khó vì chỉ có thể tăng giá mỗi suất ở mức vừa phải nếu muốn giữ chân khách hàng.

Chủ hộ kinh doanh cá nhân, nhỏ lẻ gặp khó vì chỉ có thể tăng giá mỗi suất ở mức vừa phải nếu muốn giữ chân khách hàng.

Theo tính toán của anh Khải, chi phí nguyên liệu phải trả đang tăng theo từng loại, như giá rau cao thêm khoảng 20-30%, còn giá thịt chênh lệch 10-15% so với trước.

Lúc này, quán đang tìm cách xoay xở, cân đối các khoản để giải quyết bài toán cân bằng giữa duy trì làm ăn và cung cấp cho khách mức giá phải chăng. Trung bình, các suất cơm tấm ở cửa tiệm hiện có giá 50.000-60.000 đồng.

“Cái khó của người buôn bán hàng ăn là không thể thay đổi giá món với tốc độ và mức độ tương đương như giá gas, trong khi các bếp ăn liên tục phải dùng đến nhiên liệu này để đun nấu, chế biến thực phẩm. Khách vốn ít đi, mình tăng giá mạnh càng khó giữ chân người ăn.

Ở vị trí chủ kinh doanh, tôi mong giá xăng sớm bình ổn trở lại bởi nó ảnh hưởng đến giá cả của mọi thứ xung quanh. Lần nào cũng vậy, giá xăng tăng kéo các chi phí khác đồng loạt tốn kém theo”, anh Khải bày tỏ.

Trà My - Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-quan-o-ha-noi-do-an-khong-the-tang-gia-nhanh-nhu-xang-gas-post1301363.html