Chủ tịch đảng MoDem François Bayrou được bổ nhiệm làm thủ tướng mới của Pháp

Điện Élyseé vừa ra thông báo, cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông François Bayrou làm thủ tướng mới và sẽ chịu trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Đây là người đứng đầu chính phủ thứ tư kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử vào tháng 4/2024.

Thách thức rất lớn đối với tân Thủ tướng François Bayrou là xây dựng được đa số ổn định tại Quốc hội để tránh khả năng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thách thức rất lớn đối với tân Thủ tướng François Bayrou là xây dựng được đa số ổn định tại Quốc hội để tránh khả năng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông François Bayrou, sinh năm 1951, là lãnh đạo đảng cánh trung Phong trào Dân chủ (MoDem), một đồng minh thân cận của Tổng thống Pháp. Là một nhân vật chính trị theo đường lối trung dung, ông từng là ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, 2007 và 2012.

Trong sáng 13/12, Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp ông François Bayrou tại Điện Élyseé.

Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã dành hai tháng để lựa chọn Thủ tướng Michel Barnier. Còn lần này, việc bổ nhiệm diễn ra nhanh hơn vì thiếu lãnh đạo chính phủ có thể ảnh hưởng đến việc thông qua ngân sách cho năm 2025 và có thể tác động tiêu cực đến sự vận hành của bộ máy nhà nước và thị trường tài chính.

Trong mấy ngày qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã gặp lãnh đạo của các đảng phái nhằm thảo luận về việc thành lập một chính phủ "vì lợi ích chung", trừ đảng Nước Pháp bất khuất (LFI), về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 7 vừa qua và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN). Hai đảng này đã đưa ra đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ vào ngày 4/12.

Trong bối cảnh khó có hy vọng cho một chính phủ "đoàn kết dân tộc" như mong muốn của Tổng thống Emmanuel Macron, hai đảng cánh tả Xã hội (PS) và đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) đã chấp thuận thảo luận về "một thỏa thuận mà hai đảng này có thể chấp nhận sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới" nhưng vẫn duy trì vị thế của một đảng đối lập.

Tới ngày 10/12, Tổng thống Pháp thông báo bổ nhiệm tân thủ tướng trước ngày 12/12 để thương lượng với các đảng phái về một cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới. Sau đó, Điện Élyseé thông báo rằng việc bổ nhiệm phải lùi sang ngày 13/12.

Như vậy, Tổng thống Pháp đã phải cân nhắc rất nhiều để bổ nhiệm tân thủ tướng nhằm tránh khả năng lại sớm bị bất tín nhiệm. Mục đích là bảo đảm chính phủ mới sẽ tồn tại ổn định, lâu dài, không sớm bị giải tán như chính phủ của ông Michel Barnier.

Trước đó, vào ngày 11/12, chính phủ từ nhiệm của Thủ tướng Michel Barnier họp Hội đồng Bộ trưởng lần cuối cùng trước khi nước Pháp có thủ tướng mới. Nội dung chính của cuộc họp là dự luật tài chính đặc biệt để bảo đảm bộ máy nhà nước có thể vận hành trong khi chờ một ngân sách mới cho năm 2025, sẽ được thông qua vào năm tới. Dự kiến, dự luật tài chính đặc biệt phải được thông qua tại Hạ viện vào ngày 16/12 và tại Thượng viện ngày 18/12.

Sáu tháng sau khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại của tổng thống, chính trường Pháp rơi vào tình trạng bất trắc chưa từng có. Ông Michel Barnier chỉ đảm nhiệm chức thủ tướng trong 3 tháng, ngắn nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 tại Pháp. Dù đã kêu gọi các đảng phái hợp tác, chính phủ vẫn bị lật đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Nhiệm vụ của ông François Bayrou sẽ rất nặng nề, thành lập chính phủ mới có khả năng vượt qua thách thức rất lớn ở Quốc hội như nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và thông qua ngân sách vì liên minh cầm quyền không có đa số.

Ngay sau khi có quyết định bổ nhiệm của Tổng thống, ông Jordan Bardella, Chủ tịch đảng cực hữu RN, bảo đảm rằng sẽ không có đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời kêu gọi tân thủ tướng "xem xét tình hình chính trị mới và phải đối thoại với các đảng phái tại Quốc hội".

Trong khi đó, đại diện đảng LFI và đảng Xanh không ủng hộ sự lựa chọn này và cho biết sẽ đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không sửa đổi một số luật, như bỏ quy định nghỉ hưu ở tuổi 64. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho rằng Tổng thống Pháp vẫn chưa có sự thay đổi lớn và khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ xảy ra nếu tân thủ tướng lại áp dụng Điều 49-3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật mà không thông qua bỏ phiếu tại Quốc hội.

Nước Pháp có thủ tướng mới sau một tuần diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đối với chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier. Tuy nhiên, Tình hình chính trị tại Pháp có thể còn diễn biến phức tạp vì phe cánh tả, về đầu trong cuộc bầu cử lại Quốc hội vừa qua, muốn Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định một tân thủ tướng từ phe của mình. Trong khi đó cánh hữu, cụ thể là đảng Những Người Cộng hòa, bác bỏ mọi ứng viên đến từ Mặt trận Bình dân Mới (NFP) của cánh tả.

KHẢI HOÀN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-tich-dang-modem-francois-bayrou-duoc-bo-nhiem-lam-thu-tuong-moi-cua-phap-post850380.html