Chứng khoán LPBank báo lãi kỷ lục trong quý II/2025
LPBS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 206 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty và cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2025, Công ty CP Chứng khoán LPBank (LPBS) ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá mạnh mẽ với doanh thu hoạt động đạt 442,2 tỷ đồng, cao gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Sự tăng trưởng đột biến này chủ yếu đến từ mảng đầu tư tài chính, trong đó lợi nhuận từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 284,35 tỷ đồng - mức tăng hàng trăm lần so với con số 387,3 triệu đồng của cùng kỳ. Ngoài ra, khoản thu từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng gần gấp ba, từ 23,26 tỷ đồng lên 62,4 tỷ đồng.
Song song với doanh thu, chi phí hoạt động của công ty cũng tăng mạnh, đạt 59 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 3,4 tỷ đồng của quý II/2024. Chi phí lãi vay ghi nhận sự gia tăng đột biến, từ chưa tới 1 tỷ đồng trong cùng kỳ lên tới 102,6 tỷ đồng.
Kết quả, LPBS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 206 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty và cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu hoạt động của LPBS đạt 546 tỷ đồng, tăng gần 18 lần so với nửa đầu năm 2024. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng vọt 1.882%, đạt 246,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của LPBS đạt 20.198 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với đầu năm và tăng 120% chỉ sau một quý. Với quy mô này, LPBS đã vượt qua nhiều công ty chứng khoán lớn về tổng tài sản như SHS (17.328 tỷ đồng), DNSE (11.920 tỷ đồng) và FPT Securities (11.280 tỷ đồng), dù mới chỉ trải qua hai quý đầu năm.
Phần lớn các chỉ tiêu tài sản của LPBS đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với đầu năm. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 226,6%, đạt 2.926,6 tỷ đồng; các khoản cho vay tăng nhẹ 3% lên 2.733 tỷ đồng; trong khi các khoản phải thu tăng vọt từ 30,5 tỷ đồng lên 825 tỷ đồng.
Hai nhóm tài sản chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của LPBS là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với 6.743 tỷ đồng và các khoản đầu tư HTM với 6.854 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, các khoản này lần lượt tăng gấp 11 và 25 lần, phản ánh chiến lược mở rộng danh mục đầu tư tài chính của công ty.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của LPBS tính đến cuối quý II/2025 đạt 15.964 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với đầu năm. Nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng mạnh mẽ của các khoản vay ngắn hạn, từ mức 552 tỷ đồng lên tới 13.289 tỷ đồng. Các khoản vay này được sử dụng chủ yếu để bổ sung vốn lưu động, với lãi suất dao động từ 4,4% đến 6,5% mỗi năm.
Chi tiết danh mục vay bao gồm: 1.899 tỷ đồng từ Ngân hàng ABBank, 809,5 tỷ đồng từ BIDV, 211 tỷ đồng từ Eximbank, 2.300 tỷ đồng từ Vietcombank và 5.851 tỷ đồng từ ngân hàng mẹ LPBank.