Chung tay bảo vệ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Nước tưới đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hướng đến nền nông nghiệp sạch, hữu cơ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tại không ít thời điểm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm. Vậy nên, việc tìm giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Thực hiện Chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành nông nghiệp đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (trong đó có danh mục giám sát, dự báo chất lượng nước trong công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn); khoản 3, Điều 109 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tổ chức thực hiện quan trắc, giám sát và dự báo chất lượng nguồn nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Từ đó tiến tới hoàn thiện hệ thống và mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ quản lý lĩnh vực thủy lợi phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh.

Hiện nay, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang chiếm hơn 20% GRDP của tỉnh. Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên, đến năm 2030 diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đạt 2.500 ha. Ngày 20/8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chỉ thị số 38-CT/ TU về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghệ công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững; là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở địa phương, ngành được giao nhiệm vụ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tiêu chuẩn về nguồn nước là một trong những yếu tố cấu thành, được đưa vào đánh giá trong quá trình canh tác lúa hữu cơ. Vì thế, để mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh cần thực hiện giám sát và dự báo chất lượng nước các công trình thủy lợi một cách toàn diện, liên tục.

Để có cơ sở thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất các nội dung về quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước các công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm áp dụng khoa học công nghệ vào vận hành hệ thống tưới, tiêu; quan trắc, dự báo chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào khu vực canh tác.

Trong nhiều nội dung bàn bạc, thống nhất của hai ngành có việc đặt các điểm quan trắc đảm bảo đại diện cho vùng có tính đặc trưng, đại diện cho các nguồn thải và các đối tượng bị tác động; chú trọng những vị trí bị tác động bởi các nguồn thải lớn như nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu chăn nuôi tập trung, khu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Năm 2023, tại Quảng Trị xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ở sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh khiến hàng trăm hộ dân nuôi tôm dọc sông thua lỗ, điêu đứng. Đây không phải lần đầu con sông này bị ô nhiễm nguồn nước.

Tại các cuộc họp tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước trên sông Sa Lung có nhiều ý kiến đề nghị đầu tư hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát việc xả thải. Tuy nhiên, việc lắp đặt một điểm quan trắc tự động, giám sát chất lượng nguồn nước cần nguồn vốn đầu tư hàng tỉ đồng, ngoài ra còn chi phí vận hành, kết nối để đảm bao duy trì hoạt động của hệ thống. Kinh phí này đối với một địa phương còn khó khăn như tỉnh Quảng Trị không dễ để thực hiện.

Dẫn chứng điều này để thấy, việc quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi là điều cần thiết, tuy nhiên cần có kế hoạch, lộ trình, thời gian mới thực hiện được. Vì thế, cùng với các giải pháp quản lý mang tính kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước và những hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm nước. Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chung tay bảo vệ nguồn nước. Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước tại các hệ thống công trình thủy lợi. Từ đó có thể kiểm soát nguồn thải, giám sát chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về xả thải chưa qua xử lý vào các công trình thủy lợi.

Muốn làm được điều này cần có quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước tại công trình thủy lợi; theo dõi vi phạm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chung-tay-bao-ve-nguon-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep-188615.htm